Ấn tượng lộ vòng cung

Người ven đô

30 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, chiến tranh đã lùi xa, vậy mà ông Bảy Thanh Bình vẫn cảm khái:

"Vòng cung đi dễ, khó về
Ðạn chen đầu đạn, bom cày hố bom"

Thật khó hình dung con đường đẹp như mơ chạy cặp theo sông Hậu, qua hàng loạt chợ nổi Cái Răng, Phong Ðiền, khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh, qua những nhà vườn trái cây Trường Long, Nhơn Ái, Tân Thới, Giai Xuân... như một vòng cung vắt từ quốc lộ 1 trên trục đường giao thông Cần Thơ - Cà Mau đến trục Bình Thủy - Trà Nóc - Ô Môn lại là một con lộ ác liệt trong chiến tranh đến vậy.

Mỹ, ngụy hiểu điều này hơn ai hết. Chúng thiết lập hệ thống đồn bốt dày đặc trên toàn tuyến lộ, xem lộ vòng cung làm vành đai bảo vệ sân bay Trà Nóc, Bộ Tư lệnh vùng IV chiến thuật, cùng bộ máy ngụy quyền của tỉnh Phong Dinh, vừa là bàn đạp để đánh phá căn cứ cách mạng ở Trường Thành - Trường Lạc.

Trong lúc đó, lực lượng cách mạng xem lộ vòng cung là cửa mở và là bàn đạp cho quân chủ lực tiến công sân bay Trà Nóc và TP Cần Thơ. Tuyến đường này cũng là nơi cung cấp hậu cần cho các đơn vị bộ đội, là đường nối vững chắc giữa căn cứ của tỉnh, của khu với căn cứ Miền, dù ác liệt đến mấy cũng phải giữ vững và bảo đảm an toàn cho con đường này. Từ đó, lộ vòng cung trong thế giằng co quyết liệt giữa ta và địch. Kẻ địch được trang bị bằng tất cả các vũ khí tối tân và phương tiện chiến tranh hiện đại hòng biến nơi đây thành "vành đai trắng" để thực hiện kế hoạch bình định của chúng. Còn ta, bằng sự đùm bọc của nhân dân, với ý chí quyết chiến, quyết thắng, thực hiện phương châm bám đất, bám dân "một tấc không đi, một ly không rời", tổ chức đánh địch bằng ba mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận, cứ vậy mà thẳng tiến đến ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Nếu như Sài Gòn có Củ Chi đất thép thì Cần Thơ - Tây Ðô có Vòng cung rực lửa.

Trong những năm tháng căng thẳng nhất của cuộc chiến, người dân trên toàn tuyến vòng cung luôn thể hiện lòng kiên trung với cách mạng, bảo đảm tuyến giao liên, vận chuyển vũ khí với căn cứ luôn thông suốt. Người dân Mỹ Khánh góp hơn 10 nghìn ngày công cho chuyển đạn, tải thương, mai táng liệt sĩ và tham gia phá cầu, đường. Toàn xã Mỹ Khánh có hơn 400 hầm bí mật để che giấu cán bộ, bộ đội; hơn 100 bãi chông, bãi mìn với hàng nghìn mũi chông, một công xưởng chế tạo vũ khí thô sơ.

Thật khó hình dung những bà má ngày thường chân chất như má Cả Quỳ, má Chín Rồng, má Mười Sen, dì Bảy Vĩ trong khí thế hùng hậu của đoàn biểu tình lại đưa ra những lý lẽ sắc bén đánh vào tâm lý quân ngụy và buộc chúng phải nhượng bộ theo yêu sách của ta. Má Cả Quỳ luôn làm công tác vận động binh sĩ địch, móc nối cơ sở nội ứng trong hàng ngũ địch để bộ đội tiêu diệt đồn, tránh tổn thất.

Kết thúc chiến tranh, toàn xã Mỹ Khánh có 116 liệt sĩ, 26 thương binh, 400 gia đình có công với cách mạng... Xã Tân Thới cũng có bao chiến tích huyền thoại. Thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, đội du kích xã thành lập chỉ có sáu người, về sau phát triển lên thành một đội du kích xã và năm đội du kích ấp với hơn 60 đồng chí. Các đội du kích biết tự trang bị bằng cách chế tạo vũ khí thô sơ và đặc biệt là lấy súng địch để đánh địch. Chỉ riêng xã Tân Thới đã có 13 nữ tù chính trị. Trên địa bàn xã Tân Thới diễn ra 98 trận chiến, loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên địch, số bảo an, dân vệ lo sợ đến đào ngũ, rã ngũ không thể thống kê hết, trong đó có 21 trận tiêu diệt gọn địch.

Về binh vận, ta tổ chức nội tuyến tiêu diệt năm đồn địch, vận động 400 lính ngụy bỏ ngũ trở về gia đình, nhiều lính ngụy quay súng lại bắn chết những tên ác ôn khét tiếng như Tổng Quới, Mười Tình, Lâm Phước Thành. Thế trận chiến tranh nhân dân được phát huy tại Tân Thới. Ta xây dựng trên toàn tuyến 104 điểm giao liên để thông tin và đưa đón bộ đội ra vào lộ vòng cung. Hàng trăm tên địch bị sập bẫy chông, phải chùn bước trước những hàng dừa, nhà dân.

Từ đầu năm 1969 đến 1972, sau cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1968, địch ra sức tăng cường lực lượng bảo vệ vành đai của thành phố Cần Thơ. Trên toàn tuyến lộ vòng cung, chúng củng cố lại hệ thống đồn bốt dày đặc, tăng cường tiểu đoàn của sư đoàn 21, đại đội bảo an, chi đoàn thiết giáp, một đại đội pháo và liên tục đánh phá cơ sở cách mạng của ta. Trước tình hình đó, chi bộ Tân Thới chủ trương bám đất, bám dân, chống trả quyết liệt với kẻ thù, chia lực lượng thành hai bộ phận: một bộ phận bám dân gây dựng, phát triển lực lượng để đấu tranh với địch; một bộ phận vũ trang hoạt động bí mật, mở đốm, mở lõm thực hiện chiến tranh du kích với khẩu hiệu "Ngày ngủ hầm, đêm đánh giặc". Từ chủ trương này, lực lượng cách mạng lớn mạnh dần, nhiều cơ sở cách mạng vững chắc, tạo thế "da beo" với địch. Du kích xã hoạt động đa dạng, hết bắn tỉa, lại gài mìn, trừng trị bọn việt gian, ác ôn... làm cho tâm lý lính ngụy hoang mang, lo sợ. Quân và dân xã Tân Thới còn mở mũi dẫn đường cho lực lượng bộ đội chủ lực thọc sâu đánh sân bay Trà Nóc nhiều đợt, phá hủy hơn 20 máy bay.

Nhất định đẹp hơn, đàng hoàng hơn!

Cùng với Cần thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ hơn một năm nay, con lộ vòng cung nhỏ hẹp, đầy ổ gà, sạt lở mé sông được mở rộng, tôn cao, kè bờ và bắc cầu bê-tông thành một con đường nhựa xuyên giữa hai hàng cây nối liền quận mới Cái Răng (huyện Phong Ðiền) với quận Bình Thủy và quận Ô Môn.

Theo bản đồ địa giới hành chính mới, thì lộ vòng cung nằm trên địa bàn huyện Phong Ðiền và quận Bình Thủy, chủ yếu là thuộc Phong Ðiền. Căn cứ vào tiềm năng, lợi thế về đất đai và con người, cơ cấu kinh tế huyện Phong Ðiền được xác định là nông nghiệp - thương mại, dịch vụ, du lịch-tiểu thủ công nghiệp. Tất cả gắn kết và bổ sung cho nhau nhằm tạo nên một Phong Ðiền xanh, đẹp và trù phú, theo hướng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao kết hợp du lịch sinh thái. Vùng ven lộ vòng cung gồm các xã Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Tân Thới và Giai Xuân sản xuất cây ăn trái, hoa, cây cảnh và các mặt hàng nông sản phục vụ phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Các xã Trường Long và Nhơn Nghĩa đi vào sản xuất lúa chất lượng cao, rau màu sạch, gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. 

Qua những đường ngang, lối rẽ theo lộ vòng cung là một Phong Ðiền có nhiều di tích văn hóa. Ở di tích văn hóa cấp quốc gia mộ cụ Phan Văn Trị, hằng năm ngày giỗ cụ trở thành một hoạt động văn hóa, một lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Rồi di tích lịch sử văn hóa Ông Hào, tiếp đến là Bia căm thù tại xã Tân Thới, khu di tích văn hóa bưng đá nổi Lung Cột Cầu và khu du lịch Vàm Gừa xã Nhơn Nghĩa... Tất cả các di tích đều đọng lại tinh thần yêu nước. Sưu tầm, trùng tu và tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử nói trên sẽ giúp Phong Ðiền nối liền lịch sử khẩn hoang, mở đất của cha ông, với quá khứ bi thương và hào hùng của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Phong Ðiền được định hướng phát triển du lịch của huyện theo hai hướng du lịch sinh thái theo dạng mở rộng và kết hợp du lịch với văn hóa, lịch sử truyền thống tại địa phương. Thời gian qua, Phong Ðiền khuyến khích nhà nhà làm du lịch theo kiểu khép kín lộ vòng cung, khôi phục các loại cây ăn trái, trồng hoa, cây cảnh, rau sạch kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên mặt nước, xây dựng thương hiệu dâu Hạ Châu và cây cam mật Phong Ðiền. 

Ðang chịu cái nóng nực của TP Cần Thơ, cùng sự căng thẳng bởi lưu lượng xe trên quốc lộ 1, đến chân cầu Cái Răng theo con lộ vòng cung chạy ven bờ sông, chúng tôi gặp một cảm giác thư thái, nhất là khi bước chân vào khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh. Nhìn vườn bưởi, cam trĩu quả, tham quan vườn thú với đủ loại chim muông, thú dữ, các loài bò sát của đất rừng phương nam, du khách khó tính mấy cũng phải trầm trồ thán phục. Ðây là một trong những khu du lịch sinh thái do tư nhân bỏ vốn 100%, trên một diện tích hàng chục ha. Việc đầu tư khá căn cơ và bài bản, tạo ra thế liên hoàn, từ dịch vụ tham quan sông nước, nghỉ dưỡng, ẩm thực theo phong cách Nam Bộ. Khu nhà cổ cùng những vật dụng từ những năm đầu thế kỷ trước được một bà lão trông coi chu toàn, vừa giới thiệu cho du khách cùng chiêm ngưỡng. Phía dưới tán dừa những phụ nữ thoăn thoắt đôi bàn tay làm bánh tráng. Nếu còn nóng nực, khách có thể vẫy vùng trong hồ bơi. Loại hình du lịch sinh thái đang được các nhà vườn tại Phong Ðiền "bung ra", góp phần thay đổi diện mạo nông thôn một cách sâu sắc.