ND - Vận tải khách dịp Tết Kỷ Sửu có mấy đặc điểm đáng chú ý như sau: Trước Tết luồng khách dồn từ trung tâm tỏa về các địa phương và từ nam ra bắc, sau Tết thì ngược lại, người làm vận tải gọi là tình trạng lệch chiều.
Do nhiều nguyên nhân, vận tải khách bằng ô-tô vẫn đảm nhiệm lượng khách lớn nhất, kể cả vận tải đường dài như tuyến bắc-nam. Hầu hết khách đi ô-tô đường dài là người bình dân, bộ đội, học sinh, sinh viên và đặc biệt là rất đông người lao động có thu nhập thấp...
Riêng năm nay, có điều đáng quan tâm: Do khó khăn về kinh tế, các doanh nghiệp vận tải ô-tô khách đầu tư phương tiện mới rất hạn chế. Tình trạng đó cộng với hoạt động tranh giành khách, phóng nhanh vượt ẩu dễ dẫn đến tăng tai nạn giao thông (tuần đầu tiên sau Tết Mậu Tý, số người chết vì tai nạn giao thông tăng gấp rưỡi so với ngày thường, trong đó có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do ô-tô gây ra). Mặt khác, cần phải có phương án bảo đảm giao thông do thời tiết miền trung mấy năm gần đây mưa muộn gây sạt lở đường, không để tái diễn tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên quốc lộ 1A như dịp Tết năm ngoái tại Ðèo Cả...
Ngành giao thông vận tải đã có kế hoạch phối hợp các địa phương và lực lượng cảnh sát giao thông giữ trật tự, an toàn vận tải khách trong dịp Tết. Ðể thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi các địa phương và doanh nghiệp vận tải nỗ lực bảo đảm chất lượng và số lượng phương tiện, người lái; khách nên vào bến mua vé và lên xe, hạn chế tình trạng đón xe dọc đường; cả trước và sau Tết, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông kiên quyết ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm, nhất là đối với xe chở quá số người quy định, phóng nhanh vượt ẩu; các doanh nghiệp có đông công nhân cần chủ động ký hợp đồng với các đơn vị vận tải để đưa đón người lao động nghỉ Tết thuận tiện, an toàn...
QUANG TUẤN