An toàn khi chở hàng siêu trường, siêu trọng

Thời gian gần đây, trên cả nước xuất hiện nhiều trường hợp xe ô-tô chở hàng hóa, nguyên vật liệu quá khổ, quá tải, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng như thép cuộn, ống cống, cọc bê-tông,... gây tai nạn giao thông. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp để hạn chế tai nạn, bảo đảm an toàn cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộn thép rơi từ xe chuyên chở trên tỉnh lộ 419 (huyện Thạch Thất, Hà Nội) khiến một ô-tô đang đỗ trên vỉa hè biến dạng hoàn toàn. (Ảnh Minh Hạnh)
Cuộn thép rơi từ xe chuyên chở trên tỉnh lộ 419 (huyện Thạch Thất, Hà Nội) khiến một ô-tô đang đỗ trên vỉa hè biến dạng hoàn toàn. (Ảnh Minh Hạnh)

Giữa tháng 3/2023, trên tỉnh lộ 419, đoạn qua thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) xảy ra tai nạn khi xe container chở 3 cuộn thép nặng hàng chục tấn lưu thông đến khu vực này thì 1 cuộn bị rơi xuống đường và đè lên một ô-tô đang đỗ trên vỉa hè làm cho ô-tô bị biến dạng hoàn toàn. Trước đó, cuối tháng 11/2022, xe đầu kéo BKS 50LD-197.01 kéo theo rơ-moóc chở hai cuộn thép di chuyển trên quốc lộ 1 hướng từ miền Tây đi Thành phố Hồ Chí Minh. Khi tới khu vực cầu Bình Ðiền thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, lái xe phanh gấp khiến dây xích chằng hai cuộn thép trên xe bị đứt, làm hai cuộn thép văng khỏi rơ-moóc.

"Trên đường đi làm, tôi thường xuyên thấy các xe chở thép cuộn. Những lúc như vậy, tôi đi chậm lại để tránh xa. Thậm chí, nhiều xe chạy với tốc độ cao, không ít lần chen vào làn xe máy. Những xe chở hàng hóa cồng kềnh cần có tuyến đường dành riêng, hoặc chỉ được phép lưu thông vào khoảng thời gian trên đường có ít người lưu thông", chị Nguyễn Thị Thu, một người dân ở xã An Khánh, huyện Hoài Ðức, Hà Nội chia sẻ.

Anh Phạm Dũng (thành phố Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai) lái xe container chuyên chạy chuyến bắc-nam cho biết, nhiều khi ở khu vực lấy hàng có quá đông phương tiện, cho nên bốc hàng xong, lái xe thường chằng dây vội vàng rồi lên xe chạy ngay để kịp giao hàng. Hiện nay, có một số loại xe chuyên dụng để chở thép cuộn và các loại hàng hóa cồng kềnh. Tuy nhiên, sử dụng các loại xe này sẽ tăng chi phí cho doanh nghiệp, cho nên ít được đầu tư mà vẫn dùng chủ yếu là rơ-moóc.

Anh Trần Thanh Trung, Giám đốc Công ty Vận tải Sông Hồng (thành phố Hải Phòng) chia sẻ, nhiều địa phương chưa thể bố trí được làn đường dành riêng cho phương tiện chuyên dụng như: Xe đầu kéo rơ-moóc, xe chuyên chở hàng hóa siêu trường, siêu trọng... Những cuộn thép tròn nặng hàng chục tấn, hay hàng chục ống cống bê-tông, trụ thép thi công cầu, cống… chỉ được chằng buộc sơ sài với các đoạn dây xích, khúc gỗ chặn trên sàn xe, cho nên khi phanh gấp, quán tính của hàng hóa nặng đẩy cabin về trước, nguy hiểm cho cả lái xe và người đi đường.

Trước tình trạng nêu trên, cơ quan chức năng đã nhiều lần yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý liên quan vận tải hàng hóa bằng ô-tô. Ngày 16/3/2023, Bộ Giao thông vận tải có công văn yêu cầu Cục Ðường bộ Việt Nam, các sở giao thông vận tải tăng cường kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô-tô để ngăn ngừa tai nạn. Bộ Giao thông vận tải xác định, vừa qua, tại một số địa phương có hiện tượng xe kinh doanh vận tải chở hàng hóa, nguyên vật liệu quá khổ, quá tải, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng như tôn, thép cuộn, cống hộp, ống cọc bê-tông không được chằng buộc và chèn chống theo quy định, gây tai nạn giao thông. Mặc dù vậy, cơ quan chức năng vẫn khó xử lý vì chưa có chế tài xử phạt riêng.

Theo quy định, việc chở thép cuộn, cọc bê-tông… cũng như chở hàng hóa bình thường khác, khi tham gia giao thông, hàng hóa xếp trên xe phải dàn đều, không lệch về một phía và phải được chằng buộc chắc chắn. Tuy nhiên, mỗi loại hàng hóa lại có yêu cầu, tiêu chí khác nhau trong bảo đảm an toàn khi vận chuyển. Trước mắt, để bảo đảm an toàn, lái xe điều khiển ô-tô chở hàng hóa nặng, cồng kềnh cần nêu cao ý thức trong việc chằng buộc, vận chuyển. Với người dân, khi tham gia giao thông, tuyệt đối không chạy gần các điểm mù của các loại xe chở hàng cồng kềnh.

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hoàng (Ðoàn Luật sư thành phố Hà Nội), Nghị định số 100/2019/NÐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định phạt từ 8 đến 12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng đối với người vận chuyển hàng hóa không chằng buộc an toàn dẫn đến tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, nếu gây thương tích cho người khác, lái xe còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Ðiều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Pháp luật xử lý nghiêm, nhưng chỉ sau khi gây hậu quả đáng tiếc. Ðể "phòng bệnh hơn chữa bệnh", các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ về trọng tải và cách chằng buộc hàng hóa của các loại xe nêu trên. Thực tế cho thấy, tai nạn vẫn xảy ra một phần đến từ việc cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong ngăn chặn, xử lý do quy định về quy cách xếp hàng hóa đặc biệt này không có hoặc không cụ thể.