An ninh môi trường và trách nhiệm của ngành Công an

Theo đánh giá của Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an: Đây là cuộc hội thảo đầu tiên, quy tụ được nhiều nhà khoa học có uy tín trong nước nghiên cứu về lĩnh vực an ninh môi trường trên nhiều khía cạnh. Ngoài ra, còn có sự tham gia đông đảo của các cán bộ quản lý đầu ngành tại Bộ Tài nguyên Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam và các đơn vị nghiệp vụ trong lực lượng CAND.

Thiếu tướng TS. Nghiêm Xuân Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật cho biết: ở Việt Nam, lĩnh vực nghiên cứu an ninh môi trường mới được triển khai nên chưa tiếp cận được vấn đề an ninh môi trường dưới góc độ an ninh quốc gia, chưa có nghiên cứu sâu về những vấn đề an ninh môi trường và giải pháp đảm bảo an ninh môi trường ở nước ta. Do đó, nghiên cứu về an ninh môi trường và trách nhiệm của ngành công an trong lĩnh vực này là hết sức bức thiết.

Kết quả của cuộc Hội thảo sẽ cung cấp lý luận cho việc tiếp tục xây dựng Chiến lược An ninh quốc gia trong tình hình mới cũng như giúp cho lực lượng công an thực thi trách nhiệm của mình.

Hội thảo “Những vấn đề môi trường toàn cầu-An ninh môi trường và trách nhiệm của ngành Công an”.

Các tham luận đều nhất trí quan điểm, an ninh môi trường và an ninh quốc gia có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ. Mất an ninh môi trường có thể trở thành nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia.

Năm 1992, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã chỉ rõ: Nguồn gốc của sự bất ổn về kinh tế, xã hội, nhân văn và sinh thái đã trở thành mối đe doạ đối với hoà bình và ổn định. Sự khan hiếm các tài nguyên thiên nhiên, suy thoái và ô nhiễm môi trường và những hiểm hoạ có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh.

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu ở Việt Nam về cơ bản theo xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu. Bão lũ và hạn hán thường xuyên xảy ra. Tài nguyên nước ngọt bị đe doạ trầm trọng do sản xuất công nghiệp, hoạt động của các làng nghề, do thói quen sử dụng phân bón và hoá chất bảo vệ thực vật…

Tình hình vi phạm và tội phạm về môi trường đang diễn ra phổ biến và hết sức phức tạp. Từ khi lực lượng Cảnh sát Môi trường thành lập và phát hiện và xử lý hàng trăm vụ vi phạm, tội phạm về môi trường. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, các dự án khai thác khoáng sản được cấp phép xây dựng thiếu kiểm soát, không đánh giá tác động môi trường, không chú trọng xử lý chất thải, tình trạng chặt phá rừng, nhập khẩu trái phép chất thải, buôn bán động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm đang diễn ra hết sức phức tạp cũng là một trong những nguy cơ gây mất an ninh môi trường ở nước ta.

Lực lượng CSMT Hà Nội phát hiện vụ thu gom
ắc quy cũ nát tại Đông Anh.

Nhằm hưởng ứng Chương trình hành động bảo vệ môi trường giai đoạn 2006-2010 và hưởng ứng ngày môi trường thế giới năm nay, lực lượng Công an tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ như: Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, ngăn chặn kịp thời âm mưu và hoạt động khủng bố sinh thái, xâm lược sinh thái; tội phạm xuyên quốc gia, quốc tế về môi trường.

Chú trọng công tác xây dựng lực lượng, đào tạo cán bộ Cảnh sát Môi trường giỏi về nghiệp vụ, nắm chắc pháp luật, có trình độ chuyên môn cao về kỹ thuật, công nghệ môi trường nhằm phục vụ tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm…

Đặng Thanh Hà

Năm 2007, cả nước phát hiện 5.922 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng

Năm 2008, lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện, xử lý 177 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Trong 5 năm trở lại đây, có khoảng 4.000 container chứa ắc quy chì đã qua sử dụng nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế. Hàng nghìn tấn phế thải trá hình dưới hình thức phế liệu để tái chế thành nguyên liệu sản xuất, trong đó không ít chất thải nguy hại được nhập khẩu công khai vào nước ta. (Theo số liệu của Cục Cảnh sát Môi trường)