Quốc phòng - An ninh

An ninh miền Ðông Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Lớp học bổ túc văn hoá của cán bộ, chiến sỹ an ninh tại căn cứ ở Tây Ninh (1974).
Lớp học bổ túc văn hoá của cán bộ, chiến sỹ an ninh tại căn cứ ở Tây Ninh (1974).

Với tầm quan trọng đặc biệt, miền đông trở thành chiến trường quyết liệt, đẫm máu nhất trong cuộc đấu tranh giữa ta và địch; cũng là nơi tập trung cao nhất mọi hoạt động tình báo Mỹ - ngụy, là nơi đối đầu quyết định giữa An ninh miền nam với tình báo Mỹ - ngụy.

Kẻ địch luôn xác định miền Ðông là mục tiêu cần tập trung lực lượng đánh phá tiêu diệt đầu não cách mạng. Chúng huy động tình báo từ trung tâm Sài Gòn đánh thẳng vào miền Ðông, đồng thời lập hệ thống tình báo cảnh sát ở vùng 3 chiến thuật đóng tại Biên Hòa, kết hợp với lực lượng tình báo Mỹ - ngụy ở các tỉnh và các chi thuộc miền Ðông thành một lực lượng dày đặc, phục vụ các hoạt động quân sự và thiết lập được bộ máy tề - ngụy, kìm kẹp quần chúng.

Do tầm quan trọng đặc biệt của chiến trường nên miền Ðông Nam Bộ là mối quan tâm của cả ngành công an; chi viện cho chiến trường nhiều cán bộ cốt cán, ưu tú, tạo nên sự phát triển lớn về số và chất lượng đối với An ninh Khu và các tỉnh. Cộng với lực lượng tại chỗ được rèn luyện trưởng thành trong chiến đấu, An ninh miền Ðông nhanh chóng hình thành nhiều lực lượng nghiệp vụ từ điệp báo, an ninh đô thị, bảo vệ chính trị, bảo vệ nội bộ an ninh vũ trang, trinh sát vũ trang và bảo vệ căn cứ.

Với địa lý và thế đứng chân của An ninh Trung ương Cục và An ninh Khu đã hình thành hai hướng bố trí lực lượng: An ninh Trung ương Cục, chủ lực là Tiểu ban Bảo vệ chính trị (C51) triển khai lực lượng phối hợp các tỉnh (Tây Ninh, Long An) trên các tuyến lộ 22, các vùng giáp ranh với địch, các tuyến hoạt động của địch ở Sài Gòn, Tây Ninh đánh lên căn cứ Trung ương Cục, bảo vệ vùng giải phóng phía tây bắc miền Ðông.

An ninh khu Ðông Nam Bộ phối hợp với các tỉnh (Bình Phước, Bình Dương, Biên Hòa) bố trí lực lượng trên các tuyến lộ 13, 14, 20 đón đầu, nắm hoạt động tình báo từ Sài Gòn và vùng 3 chiến thuật; từ các thị xã tiếp giáp để bảo vệ căn cứ Khu ủy, hành lang vận chuyển bắc - nam và vùng giải phóng phía đông bắc miền Ðông.

Trong vùng căn cứ của Trung ương Cục, Khu ủy, các tỉnh ủy đều bố trí lực lượng trinh sát bảo vệ nội bộ để làm trong sạch vùng tiếp giáp với căn cứ nhằm bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não cách mạng ở các cấp.

Trong suốt 21 năm chiến đấu có nhiều lúc biến động dữ dội, tiêu hao nặng nề nhưng về cơ bản, ta vẫn duy trì được thế trận tổng hợp của lực lượng An ninh miền nam trên đất miền Ðông với phong trào quần chúng rộng lớn, với các mũi nhọn sắc bén thọc sâu vào đô thị và nội bộ địch, các tuyến trinh sát trên vùng tranh chấp và vùng ven, các đơn vị bảo vệ nội bộ ở căn cứ.

Theo sự chỉ đạo của Trung ương Cục qua từng thời kỳ cách mạng, An ninh trên đất miền Ðông đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng lịch sử được giao phó, góp phần vào chiến thắng vĩ đại Mùa Xuân năm 1975.

Trong chiến tranh đơn phương, An ninh đã nắm tình hình, phục vụ nhiệm vụ bảo vệ cơ sở đảng các cấp, tuy có khó khăn và tổn thất nhất định nhưng các tổ chức đảng cơ sở, lãnh đạo các cấp vẫn tồn tại. Ðồng thời An ninh đã cùng với lực lượng cách mạng ra sức phá kềm, diệt ác. Năm 1960, các lực lượng an ninh đã góp phần làm nên chiến thắng Tua Hai, giải phóng phần lớn đất đai, mở rộng vùng giải phóng trên các tỉnh Tây Ninh, Long An, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa.

Trong chiến tranh đặc biệt, đã đối phó quyết liệt và có hiệu quả với âm mưu dồn dân lập ấp chiến lược của Mỹ - ngụy; đẩy chúng vào tình thế chỉ lập được 1/10 so với yêu cầu đặt ra. Nắm thời cơ khi Mỹ đảo chính Diệm (1963), An ninh đã vận động quần chúng đồng loạt phá hết các ấp chiến lược chúng mới lập xong, đẩy mạnh tiến công vào hạ tầng kềm kẹp của địch. Ðặc biệt là thông qua hệ thống cơ sở cao cấp, tác động vào đầu não của địch, thúc đẩy chúng liên tục tiến hành hơn chục cuộc đảo chính và phản đảo chính dẫn đến "chiến tranh đặc biệt" thất bại.

Trong chiến lược tìm diệt, quân đội Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc hành quân. Riêng vùng chiến khu D, chúng liên tục tổ chức hai chiến dịch Hòn Ðá Lăn và Thành phố Bạc đánh vào Khu ủy miền Ðông; quân đội Mỹ còn chủ công mở ba cuộc hành quân rất lớn là chiến dịch At-ten-bô-rô, Sê-đa-phôn và Gian-sơn-si-ty đánh thẳng vào vùng căn cứ Trung ương Cục. Chiến trường vô cùng ác liệt nhưng An ninh vẫn bám trụ, tiến công địch, đồng thời chủ động bảo vệ các cơ quan đầu não của Ðảng. Riêng Ðoàn 180 của An ninh Trung ương Cục, đã có gần 300 cán bộ, chiến sĩ bị thương và hy sinh trong khi trực tiếp chiến đấu bảo vệ Trung ương Cục. Kết quả các cuộc hành quân của Mỹ đều không đạt được mục tiêu tìm diệt.

Thời kỳ Việt Nam hóa chiến tranh, CIA đã đẩy mạnh hoạt động của các chương trình Phượng Hoàng nhằm thống nhất tin tình báo của Mỹ - ngụy để tập trung xử lý phục vụ cho các cuộc hành quân bình định cấp tốc giành lại nông thôn. Các tỉnh và phân khu ở miền Ðông đã bám chắc mọi hoạt động của địch, tham mưu vận động quần chúng chống lại các hoạt động bình định, đồng thời tiến công vào các Trung tâm Phượng Hoàng. Về cơ bản, Mỹ phải thừa nhận kế hoạch Phượng Hoàng và Bình Ðịnh đã thất bại.

Tháng 4-1972, khi lực lượng vũ trang mở chiến dịch Nguyễn Huệ đến năm 1974, An ninh miền Ðông Nam Bộ đã triển khai các lực lượng trinh sát trên các tuyến lộ 1, 13, 14, 15, 20, 22... hướng về Sài Gòn, bóc gỡ mạng lưới bí mật của địch; đột nhập các vùng tranh chấp, phá tề diệt ác để quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, phá khu bình định giành chính quyền làm chủ. Những hoạt động này có ý nghĩa to lớn, góp phần chuẩn bị địa bàn làm bàn đạp cho năm cánh quân tiến công vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, An ninh khu Ðông Nam Bộ đã bố trí thành hai mũi, phối hợp với Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 tiến công vào Vũng Tàu, Biên Hòa - là hai trung tâm có nhiều lực lượng tình báo Trung ương và Vùng 3 chiến thuật đánh chiếm các mục tiêu, thu hồi hết các loại tài liệu của cơ quan trọng yếu địch.

Trong những ngày đầu tháng 5-1975, An ninh đã tổ chức rất nhiều trạm trên địa bàn các tỉnh, huyện cho các loại tình báo, cảnh sát ngụy quyền, ngụy quân ra trình diện. Công tác này có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm yêu cầu ổn định tư tưởng cho chúng, làm cho các phần tử địch yên tâm chấp hành chính sách khoan hồng của cách mạng, hạn chế sự chống đối do hoang mang và bị xúi giục.

21 năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước ở miền nam, An ninh các cấp từ Trung ương Cục đến các Khu, tỉnh chiến đấu ở miền Ðông đã làm tròn nhiệm vụ của mình trên mảnh đất lịch sử này. Ðể hoàn thành được trọng trách, Lực lượng An ninh các cấp đã phấn đấu hết sức mình, nhiều lớp cán bộ cả tại chỗ và chi viện đã hy sinh, rất nhiều đồng chí bị thương tích, tù đày đã anh dũng, bất khuất chống giặc, tất cả đều đã vượt qua biết bao thử thách nhiều khi tưởng chừng như không thể vượt qua được. An ninh miền Ðông đã làm đúng như lời dạy của Bác "Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".