An Nhơn vững bước đi lên

Với những lợi thế về vị trí địa lý, thị xã An Nhơn có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế-xã hội, đóng vai trò lớn trong lĩnh vực công nghiệp, là trung tâm động lực vùng quan trọng của tỉnh Bình Định. Hiện nay, An Nhơn đang tập trung nhiều nguồn lực để trở thành đô thị vệ tinh của thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận.
0:00 / 0:00
0:00

Phát triển đồng bộ và hiện đại, thị xã An Nhơn có hệ thống giao thông đa dạng bao gồm đường bộ, đường sắt và đường hàng không, với Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn thị xã dài 14,1 km; tuyến tránh Quốc lộ 1 dài 8,5 km. Đặc biệt, Quốc lộ 19 qua địa bàn thị xã dài 14,3 km, có thể kết nối cảng biển quốc tế Quy Nhơn với các tỉnh thuộc khu vực vùng phía bắc Tây Nguyên qua các cửa khẩu quốc tế: Đắc Cơ, Bờ Y và vùng biên giới ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Vì thế, đây là một trong những tuyến đường quan trọng thuộc hệ thống trục ngang ở khu vực miền trung, tạo điều kiện thuận lợi liên kết hành lang đông-tây, thúc đẩy giao lưu kinh tế, hợp tác phát triển.

Ngoài ra, còn có Quốc lộ 19B đoạn qua thị xã dài 7,8 km là tuyến kết nối đường ven biển, Quốc lộ 1, sân bay Phù Cát, Quốc lộ 19; đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài (1,8 km) kết nối với thành phố Quy Nhơn về phía đông nam tạo ra nhiều dư địa để mở rộng phát triển công nghiệp, dịch vụ trong khu vực tam giác vùng kinh tế An Nhơn-Quy Nhơn-Nhơn Hội, giúp cân bằng mật độ tập trung khu công nghiệp.

Hiện trên địa bàn thị xã An Nhơn có Khu công nghiệp Nhơn Hòa, 10 cụm công nghiệp và 24 làng nghề, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 30.000 lao động tại chỗ và khu vực lân cận. Giai đoạn 2021-2023, kinh tế của thị xã An Nhơn tăng trưởng bình quân đạt 13,67%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông-lâm-ngư nghiệp. Trong đó, năm 2023, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 68,15%; thương mại-dịch vụ chiếm 22%; nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 9,85% trong cơ cấu kinh tế của thị xã An Nhơn. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.285,26 tỷ đồng, tổng chi ngân sách đạt 2.113,46 tỷ đồng.

Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 tại Quyết định 1672/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu: Phát huy lợi thế vị trí chiến lược và tiềm năng kinh tế biển, xây dựng hệ thống đô thị-nông thôn tỉnh Bình Định phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường và bảo đảm an ninh-quốc phòng; nâng cao vị thế của tỉnh, tạo sức lan tỏa đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, thị xã An Nhơn được xác định thuộc Tiểu vùng số 1 trong hai vùng không gian phát triển của tỉnh Bình Định, thuộc trục hành lang kinh tế đông-tây dọc tuyến Quốc lộ 19; là một trong các trung tâm động lực vùng quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng. Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Định đến năm 2035 tại Quyết định 3666/QĐ-UBND ngày 10/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và các định hướng quy hoạch của Trung ương đã xác định đến năm 2035, toàn tỉnh Bình Định có 18 đô thị, trong đó thị xã An Nhơn được định hướng là đô thị loại III và trở thành thành phố thuộc tỉnh trong năm 2025.

Bí thư Thị ủy An Nhơn Mai Việt Trung cho biết, thời gian qua, thị xã An Nhơn đã huy động đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau để kịp thời đáp ứng tốc độ phát triển của thị xã hướng đến đô thị hiện đại, văn minh. Từ đầu năm 2020 đến nay, nhằm đầu tư đồng bộ các tiêu chí đô thị loại III cho khu vực nội thị mở rộng và hướng đến thành lập thành phố An Nhơn, thị xã đã huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực triển khai đầu tư có trọng điểm trên các lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, văn hóa-thể thao-du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế, quốc phòng-an ninh. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật dân cư, khu đô thị, chỉnh trang môi trường đô thị, phát triển thương mại, cấp nước, thoát nước... bước đầu đạt được những kết quả quan trọng; từ đó tiềm năng thế mạnh của địa phương được khai thác hiệu quả, cơ sở hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, giao thông, giao thương đi lại ngày một thuận tiện, diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao.

Trong những năm qua, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thị xã An Nhơn thường xuyên được củng cố, tăng cường. Phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả. Công tác tổ chức cán bộ, kiểm tra, dân vận của các cấp ủy đảng được tăng cường, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động của Hội đồng nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, tổ chức tốt các cuộc giám sát, tiếp xúc cử tri và các kỳ họp; nghị quyết ban hành có chất lượng và khả thi. Công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân có nhiều đổi mới, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, thu ngân sách và giải quyết vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm, giải phóng mặt bằng.

Quá trình đô thị hóa trên địa bàn thị xã diễn ra nhanh chóng đã mang đến những công năng đô thị mới đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong cuộc sống hiện đại của người dân và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của một thành phố năng động trong tương lai. Đây cũng là cơ hội thuận lợi giúp đẩy mạnh và phát huy mạnh mẽ hơn nữa những lợi thế, tiềm năng sẵn có để An Nhơn bứt phá vươn lên, phát triển bền vững, vì mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng, điều kiện sống cho người dân; bảo đảm chất lượng đô thị ■