Nền kinh tế lớn thứ ba châu Á cho biết sẽ triển khai tiêm liều vaccine tăng cường cho một bộ phận dân số trong bối cảnh một số bang của nước này ghi nhận số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng.
Quyết định phê duyệt khẩn cấp được đưa ra vào thời điểm các nhà chức trách Ấn Độ đang thực hiện các biện pháp nhằm tăng nguồn cung oxy và củng cố cơ sở hạ tầng y tế của đất nước.
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya ngày 28/12 cho biết, thuốc Molnupiravir sẽ được sản xuất bởi 13 công ty trong nước, và chỉ được phép sử dụng trong tình huống khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là người lớn.
Ít ngày trước đó, lần lượt Philippines, Mỹ và Nhật Bản đều đã cấp phép sử dụng thuốc viên kháng virus dạng uống của Merck trong điều trị Covid-19. Theo dữ liệu mới nhất mà Merck công bố cuối tháng 11, thuốc Molnupiravir giúp giảm khoảng 30% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở các bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ cao ngay từ giai đoạn đầu mắc bệnh.
Hồi đầu năm nay, Aurobindo Pharma, Cipla, Sun Pharmaceuticals và một số công ty khác đã ký thỏa thuận cấp phép tự nguyện không độc quyền với Merck để sản xuất và cung cấp thuốc Molnupiravir ở Ấn Độ.
Theo Bộ trưởng Mandaviya, cùng với việc phê duyệt thuốc Molnupiravir, quốc gia này cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 2 loại vaccine ngừa Covid-19 khác là Covovax của Viện Huyết thanh Ấn Độ và Corbevax của công ty Biological E.
Các chuyên gia y tế cho biết Ấn Độ cần phải tăng gấp đôi chiến dịch tiêm chủng của mình và một số bang đã áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm và các hạn chế khác trong thời gian diễn ra lễ hội năm mới để ngăn chặn sự gia tăng đột biến số ca nhiễm Covid-19.
Cho đến nay, chiến dịch chủng ngừa Covid-19 của Ấn Độ chủ yếu sử dụng phiên bản vaccine AstraZeneca được sản xuất trong nước bởi Viện Huyết thanh và vaccine bất hoạt Covaxin của Bharat Biotech.
Quốc gia này đã tiêm được 1,43 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19, trong đó 62% dân số đã tiêm đủ 2 liều. Ấn Độ dự định sẽ tiến hành tiêm chủng cho người trong độ tuổi 15-18 bắt đầu từ ngày 3/1/2022.