Chống dịch là cuộc chiến của toàn dân, thắng lợi thuộc về nhân dân, do vậy, bảo đảm an dân là yếu tố then chốt nhất để sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Khắc phục những bất cập
Tiêm vaccine là biện pháp quan trọng hàng đầu hiện nay để tạo lá chắn trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Thế nhưng, Bộ Y tế đã hai lần nhắc tỉnh Đồng Nai về tiến độ còn chậm. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đã phê bình Sở Y tế tỉnh trong tổ chức triển khai tiêm vaccine chậm. Từ thực tế một số điểm tiêm cho thấy, việc đăng ký danh sách và nhập liệu còn được tiến hành thủ công, trong khi đúng ra những việc này phải áp dụng công nghệ thông tin để giảm tải cho lực lượng tiêm chủng. Sau khi chi 300 tỷ đồng để thực hiện chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, Đồng Nai quyết định chi thêm hơn 30 tỷ đồng thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch tại các nhà trọ có ca dương tính.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho rằng, để thực hiện thành công chống dịch tại các khu nhà trọ, chính quyền các địa phương phải hành động quyết liệt hơn. Ngành y tế tham mưu các biện pháp chứ không thể làm thay được vì đang phải chia lực lượng cho nhiều mặt trận chống dịch.
Sau khi UBND TP Mỹ Tho (Tiền Giang) tiến hành phong tỏa gần như toàn bộ địa bàn kể từ 0 giờ ngày 18/8 đến 0 giờ ngày 9/9/2021 để tiến hành tầm soát diện rộng, test nhanh Covid-19 nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, rất nhiều cán bộ và người dân đồng tình với cách làm quyết liệt này. Nhờ đó, qua 20 ngày, TP Mỹ Tho đã bóc tách được hơn 1.500 trường hợp F0 trong cộng đồng, cách ly y tế hàng ngàn ca F1.
Là địa phương có số ca bệnh nhiều thứ hai sau TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, tỉnh Bình Dương có chế độ chăm lo cho ca bệnh mắc Covid-19 rất tốt. Ngoài chính sách được quy định của Chính phủ, tỉnh còn hỗ trợ tăng thêm tiền ăn hàng ngày cho bệnh nhân F0. Thế nhưng, khi chuyển các ca F0 từ địa phương về Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Thới Hòa (thị xã Bến Cát) trong đêm 2/9 và sáng 3/9 với số lượng khoảng 6.000 F0, sự phối hợp chưa thật sự chặt chẽ giữa các đơn vị và địa phương đã dẫn đến người bệnh chưa được nghe hướng dẫn các nội quy, quy định trong khu điều trị đã xảy ra việc hỗn loạn khu vực phát đồ ăn. Sự việc nhất thời, bộc phát đã được giải quyết kịp thời và ổn định nhanh chóng nhưng ít nhiều cũng để lại hình ảnh không hay.
Ngay sau đó, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương để thực hiện tốt hơn nữa trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc điều chuyển bệnh nhân F0 từ cấp huyện lên cấp tỉnh. Giao Công an tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tăng cường lực lượng bảo đảm an ninh trật tự cả vòng trong và vòng ngoài cho các cơ sở điều trị…
Tất cả vì người dân.
Tại phường Tân Hưng Thuận, quận 12, thống kê có 7.450 hộ, đối tượng khó khăn cần hỗ trợ. Do số lượng hộ dân cần hỗ trợ khá đông, trong khi lực lượng phát túi an sinh có hạn nên mỗi ngày, phường chỉ phát tối đa được khoảng 2.000 túi trong điều kiện thuận lợi. Để phát “giáp vòng”, cán bộ phường mất khoảng 6-7 ngày. Trong khi đó, túi an sinh chỉ đủ cho các hộ gia đình sử dụng trong khoảng 3 ngày.
Qua các kênh thông tin, nhiều người dân phản ánh, có không ít hộ nhận hỗ trợ (từ các nguồn) nhiều lần nhưng có một số hộ từ đầu dịch đến giờ chưa nhận được đợt hỗ trợ nhu yếu phẩm nào từ địa phương. Để khắc phục hạn chế này, mới đây, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh đã triển khai ứng dụng “An sinh” trên các thiết bị thông minh để “lọc” các đối tượng nhận trùng các gói hỗ trợ
Bí thư Quận uỷ quận Bình Tân Lê Văn Thinh cho biết, dù chính quyền thành phố đã triển khai thực hiện các gói an sinh hỗ trợ người dân rất kịp thời nhưng do tình hình dịch bệnh quá phức tạp, thời gian giãn cách kéo dài nên số hộ khó khăn cần được hỗ trợ ngày càng tăng lên. Qua thống kê, quận Bình Tân đã chi hỗ trợ cho 170 nghìn hộ lao động khó khăn theo gói hỗ trợ số “2” và “2+” của UBND thành phố trên tổng số 179 nghìn hộ khó khăn. Tuy nhiên, từ thực phát sinh thêm, quận đã đề xuất thành phố xem xét hỗ trợ thêm cho khoảng 70 nghìn hộ lao động khó khăn và đang chờ thành phố xem xét.
Siết chặt giãn cách, chính quyền TP Hồ Chí Minh đề ra giải pháp đi chợ hộ người dân để bảo đảm các nhu cầu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân, tuy nhiên đã xuất hiện những bất cập là tình trạng người dân đặt hàng đi chợ hộ lại không nhận hàng.
Bí thư Đảng ủy phường 12, quận Bình Thạnh Nguyễn Y Nhã, cho biết: “Trên tinh thần hỗ trợ đến nơi đến chốn cho người dân khó khăn, phường đã bố trí lực lượng đi chợ hộ giúp dân. Tuy nhiên, có tình trạng người dân từ chối nhận hàng khi lực lượng tình nguyện của tổ dân phố, phường đưa hàng đến. Khi đó, chúng tôi phải đưa số hàng này vào các bếp ăn của các công trình trọng điểm trên địa bàn phường, bếp nấu suất ăn cho các hộ khó khăn, các hộ F0. Hiện, tình trạng này đã giảm hẳn khi có các shipper giao hàng được phép hoạt động trở lại.”
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết, sau khi nhận được phản ánh, Công an thành phố đã chỉ đạo công an các địa phương cùng phòng nghiệp vụ tìm hiểu, xác minh sự việc. Riêng các hãng xe công nghệ (shipper đi chợ hộ) chưa ghi nhận hiện tượng “bom hàng” hoặc xử lý được theo quy định của công ty. Tuy nhiên, Công an thành phố đã ghi nhận hiện tượng đặt hàng nhưng không nhận hàng của lực lượng hỗ trợ tại TP Thủ Đức, các quận: 4, 6, Bình Thạnh, Bình Tân và Tân Phú.
Công an TP Hồ Chí Minh đã làm việc với 200 trường hợp đặt mua hộ nhưng không nhận hàng. Nguyên nhân được xác định là do người dân không rành công nghệ, khi thao tác thì trùng đơn, không biết hủy và dữ liệu không chính xác, tìm không ra địa chỉ. Bên cạnh đó, người dân đặt hàng nhưng hệ thống không cập nhật kịp, nên trao đổi không rõ. Ngoài ra, có trường hợp để đơn hàng quá lâu, cung cấp không đủ hàng, đúng hàng nên người dân từ chối nhận…
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho hay, thành phố tiếp tục hỗ trợ khi vẫn còn giãn cách, người dân còn mất việc, mất thu nhập. Đến nay, ngân sách thành phố đã chi gần 4.800 tỷ đồng, nguồn vận động 1.200 tỷ để hỗ trợ người dân. Thành phố cũng đã phát hơn 1,6 triệu túi an sinh và 14.000 tấn gạo. Thành phố đang tính toán, sau 15-9, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục xây dựng chính sách cho các gói tiếp theo để hỗ trợ người dân… Mục tiêu của thành phố là không để một người nào không nhận được hỗ trợ, thiếu đói.
“Đối với thành phố hơn chục triệu dân thì vẫn còn thiếu sót. Thành phố xin nhận khuyết điểm với bà con. Trước đây, tôi có đề nghị trường hợp bà con chưa được thống kê thì bà con liên lạc bằng điện thoại đến tổ trưởng, khu phố, đến phường để được cấp thêm", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ…