Ai chịu trách nhiệm về những lãng phí lớn trong mua sắm xe ô-tô của các ban quản lý dự án ngành Giao thông vận tải?

Vì sao PMU18  nhiều xe thế?

Ban QLDA 18 ra đời sớm nhất để quản lý dự án khôi phục và nâng cấp quốc lộ 18 (từ Hải Dương đi Quảng Ninh). Sau đó là các PMU1, PMU5, PMU Mỹ Thuận, PMU Thăng Long, PMU 85, PMU Biển Đông... Các PMU này được giao quản lý nhiều dự án có vốn vay nước ngoài. Còn Ban QLDA đồng Hồ Chí Minh, Ban QLDA 9 lại chỉ quản lý dự án từ nguồn vốn ngân sách.

Với hàng loạt dự án được giao trong hơn mười năm thành lập như QL18, dự án xây dựng các cựu trên toàn tuyến QL1A, dự án xây dựng cựu Hoàng Long (Thanh Hóa), dự án nâng cấp QL2, dự án giao thông nông thôn WB2, dự án xây dựng cầu Bãi Cháy... PMU 18 đã thay mặt Bộ GLVT đầu tư hàng trăm triệu USD vào các công trình.

Mỗi dự án thuê tư vấn nước ngoài giám sát thi công là có một khoản tiền mua xe 4 chỗ, xe 7 chỗ, xe bán tải để phục vụ các kỹ sư hiện trường, kỹ sư vật liệu, kỹ sư thí nghiệm. Càng nhiều dự án, số lượng xe được mua càng tăng.

Điều đáng nói ở đây là thông thường mỗi dự án từ khi khởi công đến khi kết thúc chỉ có 2 - 3 năm, dài lắm mới đến 4 năm. Xe hoạt động chủ yếu ở vùng đồng bằng nên chất lượng còn lại rất tốt nhưng sau khi kết thúc công trình, hàng loạt xe được Bộ GTVT phân cho các đơn vị trong ngành và Bộ Tài chính gần như chỉ là nơi hợp thức hóa việc điều chuyển tài sản. Cũng như vậy, hàng loạt xe được cho mượn thoải mái.

Lãnh đạo Bộ GTVT chưa bao giờ có chủ trương tiết kiệm chi tiêu trong mua sắm xe dự án nên PMU nào được giao quản lý dự án có nguồn vốn nước ngoài thì cứ... mua. Chính vì vậy PMU18 mới có tổng số hơn 200 chiếc. Các PMU khác không "đánh đu" theo kịp PMU18 nhưng tình trạng mua sắm xe cũng diễn ra tương tự.

Thật trớ trêu, trong lúc ở các dự án đầu tư bằng nguồn vốn trong nước, các kỹ sư tư vấn giám sát Việt Nam tự lo phương tiện, đồng lương ít ỏi thì các chủ đầu tư cũng của chính ngành GTVT lại rất ưu ái các tổ chức tư vấn nước ngoài đang làm thuê cho mình dù biết họ chỉ cử dăm, bảy người qua theo dõi, còn lại là thuê các công ty tư vấn Việt Nam.

Ai quyết định cho mượn xe?

Cựu Tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng hay Tổng giám đốc các PMU có thể chưa giỏi điều hành nhưng họ không đến nỗi quá khờ khạo trong việc quản lý tài sản có thể nhìn thấy, sờ thấy như những chiếc xe mà họ đã mua sắm để phức vụ cho hoạt động của Ban QLDA và các nhà tư vấn. Tuy nhiên, chính một số vị lãnh đạo cấp trên của họ lại "đầu têu" trong việc "mượn xe dự án" nên đổ lỗi hết cho PMU là không thỏa đáng.

Chính phủ và Bộ Tài chính quy định cấp nào được mua xe loại gì đã nhiều năm nay ngăn trở ý thích riêng của nhiều vị quan chức có quyền sinh, quyền sát. Bởi thế, người ta có thể nhắm mắt làm ngơ khi nhiều Ban QLDA mua các loại xe du lịch bốn chỗ Toyota Camry 3.0 trị giá 65.000 USD thay vì có thể mua các loại khác 25 - 30.000 USD. Có Ban QLDA chỉ chạy loanh quanh mấy tỉnh đồng bằng nhưng cũng quyết sắm một chiếc Toyota Land Cruiser 4.5 hai cầu trị giá 72.500 USD to kềnh càng. Nếu chạy trong thành phố nó ngốn 23-25 lít/100km, còn chạy đường trường trên dưới 20 lít/100km.

Chắc chắn là, chẳng có quy định nào cho họ sắm xe đắt tiền, thế mà có Ban QLDA còn cả gan mua loại xe du lịch BMW trị giá hơn trăm nghìn đô la Mỹ. Họ mua nhưng đâu dám đi mà để cho lãnh đạo "mượn"! Vậy thì có ông tổng giám đốc nào trước khi mua, trước khi cho mượn mà không tham khảo ý thích về loại xe, mầu xe của người lãnh đạo?

Trở lại chuyện PMU18 cho nhiều cơ quan mượn tới 32 xe các loại. Theo danh sách đã công bố, có nhiều cơ quan "nghèo" mượn xe để đi giao dịch nhưng cũng có nhiều cơ quan "giàu", mượn thêm xe phục vụ cá nhân hoặc như văn phòng Bộ GTVT dù có một đoàn xe nhưng vẫn thiếu nên họ đã mượn PMU18 tới 6 chiếc xe. Không những thế, văn phòng Bộ còn điều động "miệng" nhiều lượt xe của các PMU5, PMU85 lên phục vụ dài hạn. Khi đã cũ, đã có hiện tượng hư hỏng thì trả lại cho khổ chủ.

Ông Nguyễn Văn Công - Chánh văn phòng Bộ GTVT sẽ khó lòng tìm được con số chính xác đã có bao nhiêu chiếc "mượn" của các PMU và bao nhiêu chiếc thực mua. Với cách quản lý, đều hành xe kiểu ấy, người ta đang truy tìm chiếc Toyota Crown 3.0 của PMU 18 mua năm 1995 được đưa về Văn phòng Bộ GTVT nhưng đến nay cả chủ sở hữu lẫn văn phòng Bộ GTVT không biết chiếc - xe lưu lạc nơi nao?

Ít có ai, nhất là những người đã và đang sử dụng những chiếc xe không chỉ của PMU18 mà của cả PMU khác dám dũng cảm nhận lỗi, nhận trách nhiệm đã buông lỏng quản lý xe các dự án trong ngành GTVT.

Nguồn vốn vay nước ngoài đầu tư vào các công trình giao thông chính là những khoản tiền lớn mà các thế hệ mai sau ứng trước cho các Ban QLDA. Sự lãng phí kinh hoàng (mới tính ở lĩnh  vực mua sắm và sử dụng xe) của PMU18 và nhiều PMU khác phải được điều tra toàn diện, triệt để nhằm chấn chỉnh lại cách quản lý vốn đầu tư để giảm bớt gánh nặng trả nợ trong tương lai.