AFP ngày 4-6 vừa qua có đăng bài viết nhận định Việt Nam sắp gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với những cơ hội và thách thức đan xen.
Theo bài báo, với việc đã hoàn tất đàm phán song phương với Mỹ, một bước khó khăn và quan trọng, có nhiều khả năng trong năm nay Việt Nam sẽ kết thúc đàm phán đa phương và gia nhập WTO - tổ chức đã có 149 thành viên.
Bài báo dẫn lời các nhà phân tích cho rằng việc gia nhập WTO sẽ mở ra các thị trường trên thế giới cho hàng dệt may, giày dép, nông sản và các sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam nhờ hạn ngạch và thuế nhập khẩu được bãi bỏ, và đây sẽ là nơi mà Việt Nam có thể đề nghị đứng ra giải quyết các cuộc tranh chấp thương mại nếu xảy ra giữa Việt Nam với các nước.
Các lãnh đạo Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam cho rằng việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng tại Việt Nam, nơi mà các tiêu chuẩn khắt khe của WTO sẽ thúc đẩy tính minh bạch, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và tăng cường thực thi các quy định pháp luật.
Tuy nhiên, việc gia nhập WTO cũng mở cửa nền kinh tế Việt Nam cho các công ty nước ngoài vào đầu tư. Các công ty này sẽ mang đến các khoản đầu tư mới, bí quyết công nghệ và việc làm, nhưng họ cũng là nguy cơ khiến các công ty trong nước yếu hơn có khả năng bị loại ra khỏi thị trường.
Bài báo dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển phát biểu sau lễ ký thỏa thuận đàm phán song phương với Mỹ về việc Việt Nam gia nhập WTO: “Hàng hóa Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài, không chỉ ở thị trường nước ngoài mà còn ngay chính thị trường Việt Nam”. Ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta vượt qua trong vài năm đầu, thì chúng ta sẽ ổn. Đó là kinh nghiệm của các nước khác. Lúc đầu sẽ là giai đoạn khó khăn”.
Việc Việt Nam sắp gia nhập WTO đã thu hút thêm sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, nơi có lực lượng lao động dồi dào với giá nhân công thấp và thế hệ người tiêu dùng ra đời sau năm 1975 ưa chuộng hàng hóa của phương Tây.
Nhiều công ty lớn của Mỹ đã vận động hành lang cho việc Việt Nam gia nhập WTO và để Quốc hội Mỹ thông qua quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam. Trong số đó có Anheuser-Busch, Boeing, Citigroup, FedEx, the Ford Motor Company, General Electric, Merck, Nike and Time Warner, và cả Harley – Davidson – công ty đang hy vọng một ngày nào đó xe máy do công ty sản xuất sẽ lăn bánh trên đường phố và làng quê của Việt Nam.
Ông Thân Trọng Phúc, Tổng giám đốc công ty Intel Việt Nam – công ty đang xây dựng một nhà máy ở ngoại ô TP Hồ Chí Minh cho rằng đang có một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.
Ông nói: “Con tàu đi tới nền kinh tế thị trường đã rời ga. Giờ đây, các nhà lãnh đạo Việt Nam đang tìm cách kiểm soát con tàu để tránh đi quá nhanh hoặc không đủ nhanh”.
Bên cạnh những cơ hội, bài báo cũng dẫn lời nhiều chuyên gia nêu ra những thách thức mà Việt Nam sẽ phải vượt qua.
Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nói: Khi gia nhập WTO, các khoản trợ cấp của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp sẽ phải chấm dứt, nhiều doanh nghiệp sẽ mất thị trường và phải điều chỉnh để sản xuất những hàng hóa và dịch vụ có chất lượng nếu không sẽ bị phá sản.
Ông Jonathan Pincus, nhà kinh tế hàng đầu của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng ban lãnh đạo Việt Nam rất mong muốn tham gia vào xu thế phát triển của khu vực Đông Á, nơi có Việt Nam - đất nước với 83 triệu dân, năm ngoái đạt tốc độ tăng truởng kinh tế 8,4%, cao thứ hai ở châu Á sau Trung Quốc.
Ông J. Pincus cũng như nhiều nhà quan sát nước ngoài khác rất ủng hộ việc Việt Nam gia nhập WTO, nhưng ông cũng cảnh báo một số ngành có thể chưa sẵn sàng đối phó với sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp nước ngoài khi gia nhập WTO.
Ông nói: “Chẳng hạn như có nguy cơ là các ngân hàng lớn của nước ngoài sẽ vào thị trường Việt Nam và sẽ thu hút tất cả những khách hàng tốt nhất và để lại những khách hàng hạng hai cho các ngân hàng trong nước, một điều đầy rủi ro”.
Ông cũng cảnh báo rằng các dòng vốn lớn hơn đổ vào Việt Nam có thể gây ra sự bất ổn về tài chính. Ông nói: Có nguy cơ các dòng vốn này được đầu tư không hợp lý sẽ tạo ra “bong bóng” có thể “nổ tung” vào một lúc nào đó và khiến dòng vốn này lại rút đi.
Nhà quan sát Việt Nam Martin Gainsborough thuộc Đại học Bristol nói rằng việc gia nhập WTO sẽ mang lại cơ hội để Việt Nam phát triển hơn, nhưng ông cũng báo trước Việt Nam sẽ chờ đợi một thời gian để cho những cải cách đi vào cuộc sống và mang lại lợi ích cụ thể.
Ông nói: Hầu hết các phân tích về kết quả của việc Việt Nam gia nhập WTO là quá lạc quan, khi coi việc gia nhập WTO như “một phương thuốc chữa bách bệnh. Việc gia nhập WTO sẽ dẫn đến những thay đổi, nhưng không phải “một sớm một chiều”.