“A Separation” hấp dẫn khán giả bởi cách làm dung dị, đơn giản, với một câu chuyện tưởng chừng có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới, ở bất kỳ đất nước nào. Câu chuyện rạn nứt của một gia đình trẻ, thuộc tầng lớp trung lưu: hai vợ chồng dắt nhau ra tòa sau 14 năm chung sống vì không tìm được tiếng nói chung cho tương lai của mình. Cô vợ Simin (Leila Hatami đóng) muốn ra nước ngoài sinh sống để có một cuộc sống tốt đẹp và không phải chịu những áp lực xã hội, tôn giáo cho cô con gái 11 tuổi của mình. Anh chồng Nader (Peyman Moaadi) lại không muốn xa người cha già đau yếu, mất trí nhớ. Họ không thể nào tìm ra được lối thoát dung hòa mong muốn của cả hai, và vì thế, họ quyết định ly thân. Simin chuyển về nhà mẹ đẻ sống, còn Nader phải đi tìm một người giúp việc để chăm sóc cha mình khi đi làm. Razieh (Sareh Bayat), một phụ nữ nghèo với cô con gái nhỏ tới xin được làm giúp việc cho gia đình Nader.
Ở một xã hội không phải chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Hồi, chuyện đó không có gì nghiêm trọng, nhưng đây lại là một xã hội Hồi giáo, Razieh đi làm không được sự cho phép của chồng là một điều cấm kỵ, hơn nữa cô lại đang mang bầu và phải chăm sóc một người đàn ông mất khả năng điều khiển mình trong những tình huống vô cùng tế nhị. Điều đó khiến cho bi kịch xảy ra...
“A Separation” ở đây có thể hiểu theo ý nghĩa rất rộng, bắt đầu từ câu chuyện ly thân, chia tay của hai vợ chồng, nhưng bộ phim là sự mô tả khéo léo những chia cắt trong xã hội Iran thời hiện tại, với khoảng cách ngày càng lớn giữa tầng lớp trung lưu và tầng lớp nghèo, khoảng cách giữa phụ nữ và đàn ông, và sâu xa hơn nữa, là sự tách biệt về tư tưởng trong bản thân mỗi con người sống trong xã hội đó.
Trong nhiều thập kỷ nay, đây là bộ phim xuất sắc và thành công nhất của Iran trên đấu trường quốc tế. “A Separation” là phim Iran đầu tiên được đề cử giải Quả cầu vàng, phim đầu tiên giành giải Gấu vàng và Oscar. Trước đó, năm 1977, mới chỉ có “Children of Heaven” là phim Iran duy nhất được đề cử Oscar Phim nước ngoài.
Nếu so sánh với những bộ phim có số tiền đầu tư tính tới hàng triệu USD, thì “A Separation” chỉ là một con tép nhỏ xíu. Đạo diễn Farhadi cho biết, bộ phim được quay tại Tehran chỉ vỏn vẹn trong ba tháng của năm 2010, và có tổng chi phí khoảng 7-800. 000 USD. Cách quay của “A Separation” cũng rất khác biệt: hầu như không sử dụng máy tĩnh đặt trên chân máy, mà luôn luôn đặt máy trên vai người quay phim, vì thế các khuôn hình lúc nào cũng trong trạng thái bấp bênh, rung rinh, giống như tâm trạng bất ổn của từng nhân vật trong bộ phim.
Peyman Moaadi, nam diễn viên đóng vai người chồng Nader nói: “Đây không phải là phim chính trị. Đây là bộ phim làm về những con người trong xã hội hiện đại, không khác nhiều so với những con người ở Paris, Tokyo hay New York. Sự khác biệt về tầng lớp xã hội và giới tính có thể xảy ra ở bất cứ đâu, một đạo diễn Mexico cũng có thể làm được phim về đề tài này với hương vị của xã hội Mexico. Đó là lý do tại sao bộ phim lại thành công đến thế”.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ: “Một câu chuyện phổ biến, một cách làm phim đơn giản như thế này, sao chúng ta không làm được?”.
Còn nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh xúc cảm: “Tôi thấy từ Separation ở đây có ý nghĩa rất lớn, không chỉ là sự chia cắt về gia đình, xã hội, mà còn là sự chia cắt giữa thế giới với Iran. Xem phim mới thấy, chúng ta còn nhiều điều chưa biết về Iran, thế giới chưa hiểu nhiều về Iran”.
“A Separation” được đánh giá là bộ phim tiếp cận khán giả toàn cầu dễ dàng hơn so với tác phẩm của những đạo diễn Iran nổi tiếng trước đây như Abbas Kiarostami, Mohsen Makhmalbaf và Jafar Panahi. Một câu chuyện giản dị, gần gũi với từng gia đình, một dàn diễn viên thể hiện xuất sắc ý đồ của đạo diễn, và hơn tất cả, một bộ phim “còn tươi roi rói” như một lát cắt vừa được tách ra từ xã hội Iran – đó là những lý do khiến cho bộ phim thành công rực rỡ đến vậy.