Nói đến quá trình phát triển của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phải bắt đầu từ Bảo tàng Louis Finot, được xây dựng năm 1926, hoàn tất năm 1932. Có thể coi đó là tiền thân của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, cho dù, nội dung của nó là Bảo tàng cổ vật Viễn Ðông. Năm 1958, sau khi tiếp quản, bảo tàng đã nhanh chóng chuyển đổi chức năng, trưng bày lịch sử dân tộc.
Có thể nói, đây là bảo tàng đầu tiên trong hệ thống bảo tàng của nước Việt Nam mới ra đời, do đó, nó được coi là nhân tố quan trọng để có một hệ thống bảo tàng Việt Nam lớn mạnh như hôm nay. Truyền thống chống ngoại xâm của các vị anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Quang Trung... là nội dung chính được thể hiện trong bảo tàng.
Cùng với giới sử học cả nước, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tập trung tham gia nghiên cứu thời đại Hùng Vương nhằm khẳng định thời kỳ dựng nước trong lịch sử dân tộc, với hàng trăm các di tích thời đại đồ đồng được phát hiện, khai quật chứng minh lịch sử đất nước có hàng nghìn năm. Cùng với việc khai quật, nghiên cứu khảo cổ học, các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã đột phá vào những mảng trống của các thời kỳ Tiền - Sơ sử Việt Nam, xuất bản nhiều ấn phẩm có giá trị về văn hóa Núi Ðọ, Hòa Bình, Bắc Sơn, Trống đồng Ðông Sơn... là những vấn đề chưa mấy có sự quan tâm trước đây của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Những đề tài ấy thật sự trở thành cơ sở ban đầu để sau này tiếp tục đi sâu hơn. Ðất nước thống nhất, Bảo tàng đã khai quật, thu thập nhiều tư liệu về nhiều nền văn hóa của các tỉnh miền nam, chuẩn bị hiện vật để xây dựng nội dung cho hệ thống trưng bày bảo tàng của một nước Việt Nam thống nhất. Bảo tàng Lịch sử là một trong những cơ quan trưng bày tương đối toàn diện về lịch sử vùng đất phía nam.
50 năm qua, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam không ngừng đổi mới và hoàn thiện trước tiên là đợt chỉnh lý với quy mô lớn nhằm đáp ứng với nội dung lịch sử của một nước Việt Nam thống nhất và khắc phục tình trạng minh họa lịch sử bằng tài liệu khoa học phụ. Ðể tạo điều kiện cho du khách đến tham quan ngày một tăng lên, bảo tàng đã mạnh dạn tổ chức những sự kiện, những đêm bảo tàng với sự kết hợp của khách sạn, công ty du lịch lớn với các hoạt động đa dạng hơn.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng là bảo tàng đi đầu trong thực hiện xã hội hóa, mạnh dạn phối hợp với các nhà sưu tập tư nhân trưng bày những sưu tập hiện vật của họ ở bảo tàng với phương thức đỡ đầu về chuyên môn, cơ sở vật chất, các Hội nghề nghiệp đầu tư kinh phí. Với việc làm này, bảo tàng có thêm nội dung mới, di sản văn hóa được gìn giữ trong nhân dân được nhân rộng hơn thông qua hàng loạt các hội cổ vật từ các địa phương đã ra đời từ trước ngày Luật Di sản văn hóa có hiệu lực.
Hoàn thiện bước đầu cơ sở vật chất cho kho tàng với một hệ thống tương đối chuẩn mực về giá kệ, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, máy vi tính... Các kho hiện vật được tập trung và hợp lý hóa, mở rộng để đáp ứng với nhu cầu, do hiện vật ngày một tăng lên từ nguồn khai quật, từ các dự án sưu tầm, bằng kinh phí của Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp. Mặc dù chưa nhiều, nhưng đây là một chủ trương đúng, chuẩn bị hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia sắp được xây dựng.
Ðể bảo đảm việc gìn giữ di sản văn hóa cho muôn đời sau, bảo tàng chủ trương xây dựng một đội ngũ cán bộ bảo quản có chuyên môn. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là một trong số ít các bảo tàng ở Việt Nam có phòng chuyên môn về bảo quản và một phòng thí nghiệm khá hiện đại do tổ chức APEE Vương quốc Bỉ tài trợ. Ði liền với dự án này là những khóa đào tạo, tập huấn nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ giảng dạy về bảo quản và một giáo trình giảng dạy sẽ được thực hiện ở hai trường Ðại học Văn hóa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra bảo tàng còn liên kết với nhiều bảo tàng và tổ chức quốc tế của Thụy Ðiển, Australia, Hà Lan, ICOM tổ chức nhiều lớp tập huấn về bảo quản cho rất nhiều cán bộ của hệ thống bảo tàng Việt Nam ở khâu bảo quản.
Bảo tàng tăng cường hợp tác quốc tế trong trưng bày. Hàng loạt những cuộc trưng bày hợp tác song phương và đa phương đã được thực hiện ở Bỉ, Áo, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, lịch sử, đất nước đối với bè bạn quốc tế. Cùng với việc đưa hiện vật trưng bày ra nước ngoài, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng là bảo tàng đầu tiên đưa cổ vật nước ngoài vào Việt Nam để nhân dân Việt Nam được hưởng thụ những giá trị văn hóa nhân loại, qua chuyên đề Cổ vật đặc sắc Quảng Tây Trung Quốc.
Bảo tàng thực hiện có kết quả các cuộc khai quật những con tàu cổ bị đắm ở vùng biển Việt Nam. Bước khởi đầu tốt đẹp và thuận lợi từ khai quật năm con tàu cổ, chắc chắn sẽ là tiền đề cho ngành khảo cổ học dưới nước Việt Nam phát triển. Khảo cổ học của Bảo tàng còn có sự hợp tác với Hàn Quốc, Trung Quốc khai quật ở trong nước để tìm hiểu mối quan hệ, giao lưu văn hóa giữa các khu vực trong thời Tiền - Sơ sử. Phối hợp với các cơ quan bảo tồn, bảo tàng trong cả nước, khai quật các công trình kiến trúc cổ, phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo di tích.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ có trình độ tương đối cao so với mặt bằng chung ở Việt Nam. Ðã có một giáo sư, tiến sĩ khoa học, sáu tiến sĩ, chín thạc sĩ và đa số là những cử nhân. Họ được đào tạo ở nước ngoài: Hungary, Hàn Quốc, Thụy Ðiển, được đào tạo ở trong nước: Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường đại học Văn hóa Hà Nội...
Nửa thế kỷ trưởng thành, phát triển đi lên, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận và đang tích cực chuẩn bị đóng góp vào việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia sắp tới.
TS PHẠM QUỐC QUÂN
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam