5 tháng đầu năm, Đồng Nai xuất siêu ước gần 2,9 tỷ USD

NDO -

Ngày 31/5, thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, tỉnh xuất siêu ước gần 2,9 tỷ USD. Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây.

Sản xuất thiết bị điện xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Amata, tỉnh Đồng Nai.
Sản xuất thiết bị điện xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Amata, tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10,9 tỷ USD, tăng 14% so cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu tăng cao là cà-phê; hạt tiêu; dệt may; máy móc, thiết bị, phụ tùng, máy vi tính và linh kiện điện tử…Thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Đức.

Ở chiều ngược lại, giá trị kim ngạch nhập khẩu hơn 8 tỷ USD, tăng 1,06% so cùng kỳ. Hàng hóa nhập khẩu tăng gồm hóa chất; chất dẻo nguyên liệu; nguyên, phụ liệu dệt, may, da giày; sắt, thép các loại. Chủ yếu nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Như vậy, 5 tháng đầu năm 2022, Đồng Nai đạt giá trị xuất siêu gần 2,9 tỷ USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 575 triệu USD. Nhờ xuất siêu lớn nên doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất, đổi mới máy móc, thiết bị. Xuất siêu còn giúp tăng tích lũy, củng cố nội lực của nền kinh tế.Dự báo, những tháng tới, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục tăng trưởng mạnh; cả năm 2022, Đồng Nai có thể xuất siêu khoảng 7 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp ở Đồng Nai có sự phục hồi rõ rệt, tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng gần 7% so với cùng kỳ; 23 trong tổng số 27 ngành sản xuất công nghiệp tăng.

Bên cạnh những điểm sáng về phát triển kinh tế nêu trên, việc thu hút vốn đầu tư của Đồng Nai 5 tháng qua thấp nhất trong những năm trở lại đây. Cụ thể, vốn đầu tư trong nước chỉ đạt 388 tỷ đồng, bằng 3,34% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 11.617 tỷ đồng); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 287 triệu USD, gần bằng 39% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính dẫn đến thu hút FDI của Đồng Nai giảm sâu là do các khu công nghiệp còn ít diện tích đất để cho thuê, không đáp ứng được nhu cầu cần diện tích lớn để xây dựng nhà máy của nhiều doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, một số khu công nghiệp đang vướng công tác giải phóng mặt bằng nên chưa mở rộng được diện tích.