Ðợt tiến công thứ hai mới là đợt dài ngày, gay go, ác liệt nhất. Trong đợt tiến công này, Trung đoàn 98 thuộc Ðại đoàn 316 trong đó có đại đội "bộ binh pháo" của chúng tôi, được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm C1. Ðồi C1 là cứ điểm trọng yếu cùng với A1 và C2 nằm gần nhau, địch tổ chức thành khu phòng ngự then chốt ở cửa ngõ phía đông khu trung tâm Mường Thanh.
Tham gia đánh cứ điểm này, đại đội "bộ binh pháo" tức là pháo nhỏ đi cùng bộ binh của chúng tôi có một trung đội với ba khẩu pháo không giật ÐKZ 57 ly và ba trung đội với chín khẩu cối 81 ly. Với hỏa lực đó, ba khẩu pháo không giật đã được điều đến phối thuộc với tiểu đoàn bộ binh chủ công. Còn chín khẩu cối 81 ly được tổ chức thành trận địa hỏa lực bố trí trên hướng tiến công chủ yếu của trung đoàn, cách cứ điểm C1 khoảng 350 mét. Trận địa bố trí gần, phạm vi quan sát rộng, nên từ đây với thế mạnh của loại cối 81 ly đi sát bộ binh, chúng tôi có thể trực tiếp chi viện hỏa lực cho trung đoàn đánh C1, đánh C2 và khi cần, có thể hiệp đồng chi viện hỏa lực cho đơn vị bạn chiến đấu ở A1 và làm các nhiệm vụ chiến đấu khác.
17 giờ ngày 30-3-1954, đợt tiến công thứ hai của chiến dịch bắt đầu. Pháo binh ta bất thần bắn mạnh vào sở chỉ huy Ðờ Ca-xtơ-ri, các cứ điểm A1, C1, D1 và đồi E, các trận địa pháo binh và quân cơ động của địch. Trên đồi C1, 30 trái đạn lựu pháo 105 ly của Mặt trận và hàng trăm quả đạn cối 81 ly của đại đội tôi cùng với cối 60 ly của tiểu đoàn bộ binh đã giáng đòn sấm sét đánh dập đầu quân địch, tạo điều kiện cho bộ binh của Trung đoàn 98 nhanh chóng mở cửa đột phá, xung phong tràn vào đánh địch, tiêu diệt và bắt sống 140 tên thuộc tiểu đoàn 1 lính Ma-rốc, chiếm được cứ điểm này sớm hơn 45 phút so với thời gian mà Trung đoàn trưởng Vũ Lăng đã hứa với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi hoàn toàn làm chủ C1, trung đoàn lệnh cho các đơn vị nhanh chóng củng cố lại lực lượng, cải tạo và đào mới công sự, chuẩn bị mọi mặt để phòng địch phản kích từ C2 vượt qua "yên ngựa" đánh chiếm lại C1.
Trong khi đó ở A1, cuộc chiến đấu giữa ta và địch vẫn đang diễn ra rất gay go ác liệt. Ngày 9-4-1954, được lực lượng nhảy dù tăng cường, có pháo binh, xe tăng và máy bay yểm hộ, địch tiến hành phản kích lớn, từ C2 ngược qua "yên ngựa" đánh sang nhằm chiếm lại C1 để bảo vệ sườn bên trái của A1, khôi phục lại khu phòng ngự then chốt của chúng ở cửa ngõ phía đông khu trung tâm Mường Thanh. Do dự kiến trước được tình huống đó nên Trung đoàn đã có phương án chủ động đánh trả địch ngay từ đầu rất quyết liệt. Riêng hỏa lực súng cối 81 ly của đại đội chúng tôi phải hoàn thành hai nhiệm vụ: Một mặt phải bắn tập trung mãnh liệt vào khu "yên ngựa" phá vỡ đội hình phản kích của địch, cùng với hỏa lực các loại của pháo binh, bộ binh tạo thành một lá chắn lửa trước tiền tuyến phòng ngự của ta, kết quả là đã diệt được nhiều sinh lực địch, bẻ gãy các đợt xung phong của chúng. Mặt khác phải sẵn sàng khi có lệnh hoặc yêu cầu của bộ binh, kịp thời di chuyển hỏa lực bắn vào cột cờ trên đỉnh đồi C1, chế áp tiêu diệt địch khi chúng đột nhập vào trung tâm phòng ngự của ta.
Nhiệm vụ thứ hai này là nan giải nhất đối với chúng tôi. Nan giải bởi phải làm sao cản diệt được địch mà không sát thương quân ta khi cả ta và địch rất gần nhau, khi ở đây địa hình hẹp, giao thông hào chật và nông, không cho phép chúng tôi đặt cả chân và bàn cối bắn theo bài bản.
Khó khăn thế, nhưng lại không thể thiếu hỏa lực pháo cối theo lệnh của Trung đoàn, trong lúc tại trận địa cơ bản chưa khắc phục được trở ngại trên.
Chính trong lúc đó, cách "bắn ôm nòng" của chúng tôi đã phát huy được tối đa tính ưu việt của hỏa lực cầu vồng diệt địch ở địa hình có nhiều "góc chết". Bằng cách này, tôi đã cho hai khẩu 81 ly bên C1 bỏ hết bàn và chân lại, để một pháo thủ vai đỡ và tay ôm lấy nòng và một pháo thủ khác bắn với góc gần 90 độ phóng đạn vào đội hình địch. Kết quả là đạn nổ đều ở cự ly rất gần, cách bộ binh ta chỉ khoảng trên dưới 100 mét. Ngay trong ngày đầu đánh địch phản kích và một vài ngày sau đó, cách bắn "ôm nòng" đánh địch trên đồi C1 rất có hiệu quả.
Bằng cách "ôm nòng" trên, sau hai ngày, khi trận địa cơ bản đã phát huy được hết thế mạnh, đại đội "bộ binh pháo" chúng tôi cùng với lựu pháo đã kịp thời chi viện rất có hiệu quả cho bộ binh tiêu diệt nhiều sinh lực địch và đánh bại nhiều cuộc phản kích của chúng vào cứ điểm C1 mà ta đã làm chủ.
Trong những ngày đầu đánh địch phản kích, cũng đã có lần địch vào được tung thâm phòng ngự của ta và chiếm lại được Cột cờ trên đỉnh đồi C1. Trong những trường hợp như vậy, nhiều trận đánh giáp lá cà xảy ra rất ác liệt. Ta và địch quần nhau, giành giật từng tấc đất, từng ụ súng, từng mét chiến hào. Có lúc bộ binh yêu cầu súng cối của chúng tôi bắn ngay vào Cột cờ, nơi đó địch bố trí một khẩu đại liên rất lợi hại, và Cột cờ cũng là mốc phân giới: Ðịch chiếm một nửa đồi phía cao, ta chiếm một nửa đồi phía thấp, và cũng là vật chuẩn để chỉ thị mục tiêu cho pháo, cối. Ðây là một yêu cầu rất khắt khe.
Theo lệnh của Trung đoàn, đại đội chúng tôi vừa phải bảo đảm chế áp tiêu diệt địch ở khu vực Cột cờ, vừa phải bảo đảm an toàn tối đa cho bộ binh. Ðại đội dùng ba khẩu bắn tiếp tục vào "yên ngựa", còn sáu khẩu 81 ly bắn tập trung đồng loạt, sau đó bắn từng khẩu một từ Cột cờ lên phía cao điểm để duy trì lúc nào cũng có tiếng nổ cối 81 chế áp và tiêu diệt địch. Sau loạt đạn đầu và những đợt bắn tiếp theo, nhờ có quan sát mắt hiệu chỉnh nên đại bộ phận đạn rơi trúng mục tiêu và bảo đảm an toàn cho bộ binh ta. Sở dĩ chúng tôi làm được như vậy là do ở cự ly gần 350 mét, sai số tản mát của súng cối nhỏ hơn so với lựu pháo. Vả lại, Cột cờ là vật chuẩn đã qua nhiều lần bắn thử và bắn thật nên chúng tôi có phần tử rất chính xác và rất "tinh mắt" cả về cự ly và về hướng.
Trong thời gian chiến đấu, có lần Trung đoàn trưởng Vũ Lăng xuống trận địa đại đội để động viên bộ đội và kiểm tra tình hình chiến đấu của đơn vị. Ngay sau khi đi kiểm tra từng khẩu đội, khi về đài quan sát, Trung đoàn trưởng lệnh cho đại đội bắn thử một quả vào "yên ngựa". Sau khẩu lệnh xạ kích của tôi chưa đầy một phút, từ trên
C1 báo về đạn rơi đúng mục tiêu Y1 (yên ngựa 1) nhưng trên mặt "yên ngựa" chỉ thấy một ít khói mỏng bay là là mặt đất. Lúc này, Trung đoàn trưởng có vẻ không vui, nhưng đồng chí vẫn cố ghìm được tính "nóng như lửa" của mình. Ðồng chí hỏi tôi: Sao? Ðạn rơi chính xác không? Tôi đáp: Dạ, báo cáo anh, đạn đã rơi đúng mục tiêu, nhưng đây là mục tiêu "yên ngựa 1" nằm thấp ở sườn trái phía bắc "yên ngựa" mà địch thường lợi dụng để phản kích ta. Còn trên mặt "yên ngựa", chúng tôi đánh số là Y2. Căn cứ vào đó, đại đội tính toán phần tử chính xác căn cứ vào kết quả nhiều lần bắn thật để khi địch phản kích hoặc bộ binh yêu cầu là bắn được ngay. Ðể kiểm tra báo cáo của tôi, Trung đoàn trưởng lệnh cho bắn tiếp hai quả vào Y2. Và cũng chỉ sau khoảng 40 giây, lần lượt hai quả đạn cối đã nổ trên bề mặt "yên ngựa". Một đám khói đen to cuốn theo bụi đất đã che lấp một phần nhỏ "yên ngựa". Trung đoàn trưởng cười và rất vui, còn tôi thở phào nhẹ nhõm. Một cán bộ trung đoàn đứng gần đó đã xin phép Trung đoàn trưởng đọc câu thơ do anh em đơn vị tự sáng tác:
"Súng cối cấu tạo nhẹ nhàng
Bắn nhanh, chính xác ngang hàng pháo binh"
Trung đoàn trưởng lại cười, biểu dương khen ngợi và dặn dò động viên chúng tôi chuẩn bị mọi mặt để có thể phải đánh địch phản kích lâu dài giữ đồi C1. Trước khi về Trung đoàn bộ, Trung đoàn trưởng nói: Từ nay trở đi, khi đánh địch phản kích, đại đội trưởng được quyền quyết định số lượng đạn cối vào "yên ngựa" và Cột cờ mà không phải chờ lệnh của trung đoàn, dễ mất thời cơ hỏa lực. Nhưng phải hết sức tiết kiệm đạn và không được đụng đến cơ số đạn dự bị nếu không có lệnh của trung đoàn.
Việc tiết kiệm đạn pháo là rất nghiêm ngặt. Bộ chỉ huy Mặt trận quy định rất cụ thể. Ðạn cối 81 ly của đại đội tôi đều do cấp trên cấp. Nhưng trong đợt tiến công này, có đến gần 30% số đạn là do chúng tôi hoặc đơn vị bạn đoạt được từ những chiếc dù của địch thả lạc vào trận địa ta. Có lẽ nắm chắc được vấn đề này nên Trung đoàn trưởng mới "nới" tay như vậy.
Trong 31 ngày đêm, cuộc chiến đấu trên đồi C1 diễn ra rất gay go, ác liệt. Cho đến trước ngày 1-5-1954, ta và địch vẫn chỉ dừng lại ở vị trí lấy Cột cờ làm mốc: Ðịch chiếm một nửa đồi phía cao, ta chiếm một nửa đồi phía thấp. Số phận của C1, A1, C2 và toàn bộ tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ chỉ được định đoạt trong đợt tiến công thứ ba từ ngày 1-5-1954 đến ngày 7-5-1954, khi lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu trao cho Quân đội ta tung bay trên nóc hầm Ðờ Ca-xtơ-ri, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ.
Thiếu tướng ÐỖ VĂN PHÚC
Nguyên Tùy viên Quân sự Ðại sứ quán Việt Nam
tại Liên bang Nga, Ðại đội trưởng Ðại đội 56,
Trung đoàn 98, Ðại đoàn 316