20 năm vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

20 năm vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được xây dựng năm 1960, bắt đầu hoạt động từ tháng 3-1963 với công suất định danh 250kW. Trước ngày 3-4-1975 (ngày TP Đà Lạt được giải phóng), Mỹ đã tháo gỡ, lấy đi các thanh nhiên liệu chính của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt nên lò không còn hoạt động được. Sau đó Liên Xô đã giúp khôi phục, nâng cấp lò phản ứng và ngày 20-3-1984, lò phản ứng với công suất định danh 500 kW (gấp hai lần lò TRIGA MARK II cũ) đã chính thức vận hành.

Làm chủ công nghệ

Sau khi tham gia đưa lò phản ứng IIV-9 vào hoạt động chính thức, ba chuyên gia Liên Xô về nước, kể từ đó công tác quản lý và vận hành lò do các cán bộ của Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) Đà Lạt đảm nhận.

Mục tiêu chính của lò thời gian đầu là phục vụ sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt, nghiên cứu vật lý hạt nhân và vật lý lò phản ứng.

Từ đó đến nay, kế hoạch vận hành lò phản ứng được duy trì trung bình 4 tuần một đợt, liên tục 100 giờ với công suất 500kW phục vụ mục đích chính là chiếu mẫu để sản xuất các đồng vị phóng xạ phục vụ cho ngành y tế, công nông nghiệp; nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, đào tạo cán bộ.

Trong 20 năm vận hành, chưa xảy ra một sự cố nào làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, đó là một thành tích đáng tự hào, cho thấy đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ khai thác một thiết bị khoa học phức tạp như lò phản ứng.

Ứng dụng vào đời sống

Hệ điều khiển lò phản ứng.

Thành tựu được nhiều người biết đến của Viện NCHN chính là việc ứng dụng các tiến bộ của kỹ thuật hạt nhân vào đời sống: Sản xuất đồng vị phóng xạ và dược chất phục vụ cho ngành y tế ngay từ năm 1984.

Viện đã tập trung nghiên cứu, sản xuất các đồng vị phóng xạ để chẩn đoán và điều trị các bệnh về tuyến giáp, máy phát Tc-99 phục vụ cho máy hiện hình gamma camera đối với các bệnh nội tạng. Trong đó, công nghệ máy phát đồng vị Tc-99 dạng cột gel do Viện sản xuất là một trong các công nghệ độc đáo được nhiều nước như Brasil, Trung Quốc, Thái-lan… cử cán bộ đến học tập và xin chuyển giao công nghệ.

Trong vài năm gần đây, trước nhu cầu chữa bệnh ung thư ngày càng cao, Viện đang tiến hành nghiên cứu sản xuất một số đồng vị phóng xạ mới như Sm-153, Re-186, H0-166 và các dược chất đánh dấu đi kèm để điều trị các bệnh về khớp và ung thư xương.

Hiện nay, sản phẩm các chất phóng xạ và dược chất đánh dấu dưới dạng kit - in - vivo để đánh dấu với đồng vị Tc-99 đang cung cấp cho 22 khoa Y học hạt nhân trong cả nước, phục vụ cho 300 – 500 nghìn bệnh nhân mỗi năm.

Ngoài ra, Viện còn sản xuất các chất đánh dấu Sc-46, Ir-192, Au-198, La-140 cho các nghiên cứu về sa bồi, trầm tích; khai thác dầu khí; đánh giá hiệu suất của các cơ sở xử lý thải lỏng.

Viện còn là địa chỉ phân tích các loại mẫu sa khoáng (đất, đá, nước, dầu thô, thực vật) để phục vụ thiết thực cho nhu cầu của nhiều ngành kinh tế mũi nhọn như khoáng sản, sinh học, nông nghiệp công nghệ cao... bằng kỹ thuật phân tích - kích hoạt nơron và các kỹ thuật liên quan. Trong đó, đáng kể nhất là các nghiên cứu ứng dụng trong đánh giá hiện tượng ngập lụt của các giếng dầu, xác định lượng dầu dư bão hòa trong các tầng chứa dầu phục vụ cho việc tăng cường thu hồi dầu lần 2 của mỏ Bạch Hổ. Các kỹ thuật đánh dấu trong ngành dầu khí cũng đang được ứng dụng tại mỏ Rạng Đông (một mỏ có trữ lượng dầu thứ 2 sau Bạch Hổ).

Các cán bộ của Viện đã tham gia thực hiện 16 đề tài cấp Nhà nước; 34 đề tài cấp Bộ KH-CN và nhiều dự án hợp đồng nghiên cứu với cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA). Từ các kết quả nghiên cứu đó, Viện đã xây dựng được các báo cáo Phân tích an toàn của lò phản ứng phiên bản năm 1999 và phiên bản năm 2003 để xin cấp phép cho lò phản ứng theo yêu cầu của pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ.

Hướng đến nhà máy điện nguyên tử

Với tần suất vận hành như hiện nay thì 36 bó nhiên liệu dự trữ của lò có thể hoạt động đến năm 2017 (có thể sản xuất chất đồng vị phóng xạ với số lượng như hiện nay khoảng 10 năm nữa).

Trong khi đó, nhu cầu chẩn đoán và điều trị bệnh bằng y học hạt nhân hiện nay là rất lớn (phải hoạt động hàng tuần mới cung cấp đủ số lượng, chủng loại cần thiết) nhưng Viện mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nên khó giữ được thị phần trong nước.

Do đó, Viện NCHN Đà Lạt đã đề nghị sớm có dự án xây dựng một trung tâm sản xuất chất đồng vị phóng xạ từ nguyên liệu nhập ngoại trên cơ sở liên doanh với một hoặc vài công ty nước ngoài trong khi chưa có lò phản ứng mới.

Sẽ rất lý tưởng nếu có sự ra đời của một Viện ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phía nam gắn với một lò phản ứng nghiên cứu mới đa chức năng công suất 10MW phục vụ cho các nghiên cứu cơ bản, sản xuất đồng vị phóng xạ và đặc biệt phục vụ cho công tác đào tạo cán bộ chuyên ngành, chuẩn bị cho sự ra đời của nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Việt Nam.

Theo phương án này, lò phản ứng Đà Lạt sẽ thay đổi mục đích sử dụng để duy trì vận hành ở chế độ thời gian ngắn, công suất thấp phục vụ cho phân tích kích hoạt, đào tạo cán bộ nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân và vật lý lò phản ứng.

Trong năm 2003, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhận được 10 suất học bổng đi đào tạo công nghệ hạt nhân ở Pháp với tiêu chuẩn: Chỉ cần tốt nghiệp đại học loại khá nhưng đến cuối năm 2003 mới có ba hồ sơ đăng ký (hai ở TP Hồ Chí Minh và một ở Hà Nội).

Hiện nay, đại đa số các cán bộ của Viện đã “lão hóa” ở lứa tuổi 45-55 và nếu không có một chính sách thu hút cán bộ trẻ thì trong vòng 10 năm nữa, Việt Nam sẽ khủng hoảng chuyên gia và cán bộ hạt nhân lành nghề, nhất là khi dự án nhà máy điện nguyên tử đầu tiên được triển khai xây dựng...