20 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh tại Việt Nam

Ngày 24-6, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) phối hợp Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 20 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh. Tham dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng LĐ-TB và XH; đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; đại diện các bộ, ngành, các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam...

Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua tại Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ tư tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995 đã khẳng định quyết tâm tiến tới mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình cho tất cả phụ nữ ở mọi nơi trên thế giới vì lợi ích của toàn nhân loại.

Khai mạc tọa đàm, Bộ trưởng LĐ-TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ ở Việt Nam, khẳng định: Trong 20 năm qua, Việt Nam đã triển khai thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh với sự quyết tâm và cộng đồng trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận đã thúc đẩy việc hoàn thành sớm một số mục tiêu Thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Việt Nam đang tích cực xây dựng những giải pháp cụ thể cho từng lộ trình thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh tại Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Cương lĩnh hành động Bắc Kinh ra đời và được tuyên truyền rộng rãi tại Việt Nam suốt 20 năm qua, là nhân tố quan trọng để tạo ra những chuyển biến tích cực trong sự nghiệp bình đẳng giới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Cương lĩnh vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc cần được đánh giá đúng mức để có sự thay đổi trong thời gian tới. Phó Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu tập trung tham gia thảo luận: làm thế nào để nâng cao nhận thức của xã hội, trước hết là lãnh đạo các cấp về tác động to lớn của bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập; làm rõ những vướng mắc trong cơ chế chính sách về bình đẳng giới; những kiến nghị, giải pháp hữu hiệu để thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020... Kết quả của tọa đàm là cơ sở quan trọng để Việt Nam đánh giá khách quan việc thực hiện Cương lĩnh, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020. Từ đó, tìm biện pháp phù hợp, xác định những việc cần ưu tiên, đề xuất với cơ quan chức năng những vấn đề nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.