100 năm di tích văn hóa Sa Huỳnh

Tiến sĩ khảo cổ học Ðoàn Ngọc Khôi-cán bộ Bảo tàng tổng hợp  Quảng Ngãi xác định: Trong thời đại kim khí con người đã tiến dần từ vùng thung lũng núi, đồi gò trung du xuống đồng bằng, ven biển. Có nhiều bằng chứng khảo cổ học được phát hiện ở vùng thượng nguồn phía bắc sông Trà Khúc. Ngoài ra, những di tích cùng tính chất văn hóa với Trà Phong như Gò Nà, Vườn Chì phân bố ở vùng đồi thấp về phía đông gần biển. Các bằng chứng khảo cổ này đem lại nhận thức về dòng người - dòng văn hóa ở thời điểm hậu kỳ đá mới từ vùng Tây Nguyên vượt qua rẻo cao Trường Sơn tiến dần về đồng bằng ven biển chiếm lĩnh, khai phá và tạo dựng nên nền văn hóa nổi tiếng trong thời đại kim khí - văn hóa Sa Huỳnh.

Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba trung tâm văn hóa lớn thời đại kim khí ở Việt Nam. Văn hóa Sa Huỳnh với sự phát triển đỉnh cao sơ kỳ sắt được hợp thành bởi các dòng chảy tiền Sa Huỳnh sơ kỳ đồng thau trước đó. Nói đến văn hóa Sa Huỳnh là nói đến nền văn hóa vật chất của cư dân Sa Huỳnh luôn gắn liền với biển. Mặc dù vẫn có các điểm di tích Sa Huỳnh ở vùng núi, nhưng khá ít, trong khi đó dọc theo các cồn cát ven biển và đảo gần bờ có sự bùng nổ về số lượng các di tích  văn hóa Sa Huỳnh (ở đây bao gồm các di tích tiền Sa Huỳnh - thời đại đồng thau và các di tích Sa Huỳnh sơ kỳ sắt).

Cuộc sống của người Sa Huỳnh gắn bó hòa quyện với biển, bởi vậy, trong các di tích tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi tìm thấy khá nhiều bằng chứng về hoạt động khai thác biển của họ. Quá trình phát hiện, khai quật các di tích cho thấy tầng văn hóa Bình Châu II tìm thấy các hố rác bếp chứa nhiều vỏ sò ốc có nguồn gốc khai thác từ biển. Tầng văn hóa Xóm Ốc, Suối Chình (đảo Lý Sơn) cấu tạo bởi các loại vỏ nhuyễn thể ken dày với gốm do cư dân cổ sử dụng và bỏ lại, ở đây tìm thấy khá nhiều hố rác bếp chứa các loại vỏ ốc, sò, xương cá biển.

Bộ sưu tập di vật phản ánh hoạt động khai thác biển của người Sa Huỳnh, ví như tại địa điểm Long Thạnh tìm thấy lưỡi câu xương; địa điểm Bình Châu I tìm thấy lưỡi câu đồng, lao đồng; địa điểm Xóm Ốc tìm thấy lưỡi câu đồng trong mộ táng. Truyền thống khai thác biển của người Sa Huỳnh còn được thể hiện qua lối sử dụng nguyên liệu từ vỏ nhuyễn thể để chế tác công cụ và đồ trang sức. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn sử dụng vỏ tai tượng (tridacna) và nắp ốc cừ (turbo) để chế tác công cụ ghè đập.

Quan hệ của văn hóa Sa Huỳnh với vùng hải đảo Thái Bình Dương khu vực Ðông-Nam Á là mối quan hệ giao lưu trong môi trường biển gắn liền với dòng hải lưu đen mà W.G. Solheim II đưa ra. Thiên nhiên ưu đãi vùng đất cư trú của người Sa Huỳnh có đường bờ biển kéo dài và có những cửa sông để đi ra biển thuận tiện, cho nên người Sa Huỳnh đã vươn ra biển buôn bán trao đổi với bên ngoài. Ngược lại, những luồng thương mại trên biển cũng dễ dàng xâm nhập vào xã hội Sa Huỳnh qua hệ thống các cửa biển. Buôn bán là con đường dẫn đến giao tiếp văn hóa, hòa đồng nhân chủng, ngôn ngữ. Trong khu vực Ðông-Nam Á, sự trao đổi buôn bán giữ vị trí quan trọng, phân tích vai trò của nó, Hutterer, nhà khảo cổ học người Mỹ, đã cho rằng: "...Hoạt động buôn bán đóng vai trò lớn trong sự tiến triển văn hóa ở Ðông- Nam Á và làm động lực gián tiếp để biến đổi văn hóa". Trung tâm Sa Huỳnh có sự giao lưu rộng với các nơi trong khu vực thể hiện qua những khuyên tai ba mấu nhọn, khuyên tai hai đầu thú... là những hiện vật đặc trưng của Sa Huỳnh tìm thấy ở vùng phân bố của văn hóa Ðông Sơn, ở Thái-lan, ở vùng hải đảo Ðông-Nam Á... Trong các mộ chum Sa Huỳnh có các hiện vật trang sức bằng đá mã não và các loại đá quý khác đều có nguồn gốc từ vùng Trung Á. Các loại gương đồng Hán tìm thấy ở vùng trung du Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), Bình Yên (Quảng Nam) cùng với tiền đồng Ngũ Thù Hán tìm thấy ở Xóm Ốc (Quảng Ngãi) và các di tích Sa Huỳnh ở Hội An... chúng đều có nguồn gốc giao lưu trao đổi với Trung Hoa. Ðặc biệt quan hệ giao lưu giữa Sa Huỳnh và các đảo ở Thái Bình Dương rất mật thiết. Ví như trong mối quan hệ so sánh đồ gốm Sa Huỳnh và đồ gốm Kalanay (Phi-li-pin); đồ gốm Tabon (In-đô-nê-xi-a) khá giống nhau ở kiểu dáng, phong cách trang trí, khiến cho W.G. Solheim II đưa ra khái niệm "Truyền thống Sa Huỳnh-Kalanay" (Sahuynh- Kalanay Tradition).

Người Sa Huỳnh có óc thẩm mỹ cao, biểu hiện rõ nét nhất đó là nghệ thuật tạo dáng và trang trí trên gốm. Trong các di tích tiền Sa Hùynh sơ kỳ đồng thau, đồ gốm được tạo tác như một tác phẩm nghệ thuật. Nếu như đồ gốm Bình Châu nổi bật với phong cách tạo dáng gãy gấp khúc mạnh mẽ ở các điểm chuyển tiếp thuộc miệng, eo cổ, vai; đồng thời luôn tạo sự tương phản mạnh về mầu sắc giữa mầu áo gốm đỏ tươi làm nền nổi bật các dải băng chì trên thân đồ gốm; thì trong khi đó đồ gốm Long Thạnh luôn chú ý yếu tố tạo dáng cân phân theo tỉ lệ cân xứng ở ba phần miệng - thân và chân đế; các điểm chuyển tiếp trên thân đồ đựng luôn cong lượn. Trang trí trên bình lọ hoa gốm là sự tổng hợp của các loại văn thừng mịn, văn in chấm que, văn in chấm vỏ sò, văn vạch, văn ấn răng cưa kết hợp đắp nổi tạo gờ... để tạo nên nhiều đồ án khác nhau như đồ án chữ S, đồ án tam giác, hình kỷ hà gấp khúc... Các đồ án này được làm nổi bật bằng nghệ thuật tô chì graphít lồng bên trong tương phản với nền áo gốm tô đỏ. Ðặc trưng tính biển của đồ gốm  tiền sử vùng duyên hải và các đảo trong lòng chảo Thái Bình Dương là kỹ thuật in chấm vỏ sò. Trong đồ gốm  tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh tỷ lệ in chấm vỏ sò chiếm vị trí thứ hai sau kỹ thuật văn thừng. Ðồ án hoa văn in chấm vỏ sò thể hiện khá phong phú trên đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh ở Phú Khương, Tăng Long, Gò Ốc, Xóm Ốc. Người Sa Huỳnh sử dụng vỏ sò ở phần mép và gai vỏ sò để tạo nên các đồ án hoa văn rất đẹp và mang đậm tính biển.

Vốn là cư dân sinh sống chủ yếu ven duyên hải miền trung, người Sa Huỳnh đã biết đến nghề muối. Yếu tố muối đóng vai trò quan trọng trong quá trình giao lưu văn hóa giữa đồng bằng duyên hải miền trung với khu vực Tây Nguyên trong thời đại kim khí tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh. Ðáng chú ý các di tích văn hóa Sa Huỳnh quan trọng thường phân bố liền kề với các đồng muối cổ, ví như di tích Sa Huỳnh, Phú Khương, Long Thạnh gắn với đồng muối Tân Diêm; di tích Bình Châu gắn với đồng muối Diêm Ðiền; di tích Gò Quê gắn với đồng muối cổ Tuyết Diêm. Như vậy, biển đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của cư dân Sa Huỳnh.

Bài, ảnh: Minh Trí và Ngọc Khôi