10 sự kiện nổi bật của Tổng cục Hải quan năm 2021

NDO -

Năm 2021 là khoảng thời gian đầy sóng gió cho hoạt động thương mại của đất nước bởi những tác động khó lường của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ngành hải quan các cấp, sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đã đạt được những kết quả ấn tượng, lập nên nhiều cột mốc lịch sử mới, góp phần quan trọng vào phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế đất nước.

Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: DUY LINH)
Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng. (Ảnh: DUY LINH)

1. Ngành hải quan tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại để đạt kim ngạch hàng hóa hơn 600 tỷ USD và thu ngân sách khoảng 370 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách, tăng trưởng kinh tế đất nước.

Ngày 30/11/2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam chính thức cán mốc 600 tỷ USD. Đây là một kết quả ấn tượng cho sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Kết quả này là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành hoàn thành nhiệm vụ được giao, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội và đặc biệt là ngành tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2021, tạo đà thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam, tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất, trong 15 ngày đầu tháng 12/2021, xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 31,32 tỷ USD (xuất khẩu là 15,78 tỷ USD và nhập khẩu là 15,53 tỷ USD), cán cân thương mại trong 15 ngày xuất siêu là 250 triệu USD. Như vậy, tổng trị giá xuất, nhập khẩu của Việt Nam cộng dồn từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2021 đạt 633,22 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 1,67 tỷ USD.

Về công tác thu ngân sách: Năm 2021, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 315.000 tỷ đồng, chỉ tiêu phấn đấu được Bộ Tài chính giao là 331 nghìn tỷ đồng. Đến nay, số thu ước đạt 370 nghìn tỷ đồng, bằng 117,46% dự toán thu được Quốc hội giao (315 nghìn tỷ đồng), bằng 110,45% chỉ tiêu phấn đấu (335 nghìn tỷ đồng), tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

2. Thay đổi toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành, góp phần cắt giảm thủ tục, chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp qua Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Ngày 12/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, đồng thời giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để làm cơ sở triển khai các nội dung cải cách tại Quyết định số 38/QĐ-TTg. Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp xây dựng dự thảo Nghị định và hiện đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Với những nội dung cải cách quyết liệt đã được thể chế hóa tại dự thảo Nghị định, theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, khi Nghị định được triển khai thi hành sẽ có tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế: ước tính trong một năm tiết kiệm gần 1.376 tỷ đồng (khoảng 59,1 triệu USD) cho doanh nghiệp và 9.285 tỷ đồng (khoảng 399 triệu USD) cho nền kinh tế.

3. Chủ trì, phối hợp, triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn về ma túy, hàng cấm... qua công tác kiểm soát hải quan.

Năm 2021, các nước trên thế giới vẫn đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Một số cửa khẩu quốc tế đã đóng cửa và các nước tăng cường kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, người nhập cảnh chặt chẽ theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt là tình trạng vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

Tính đến tháng 12/2021, ngành hải quan đã chủ trì và phối hợp triệt phá 242 vụ, bắt giữ 231 đối tượng, tang vật thu giữ hơn 90 kg và 52 bánh heroin; trên 700 kg cần sa; hơn 500 kg và 581.246 viên ma túy tổng hợp… Trong năm 2021, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện bắt giữ và xử lý 14.568 vụ vi phạm với trị giá hàng hóa ước tính 2.709,89 tỷ đồng, thu nộp ngân sách đạt 290,57 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố 39 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 176 vụ.

4. Phê duyệt kiến trúc tổng thể hướng tới hải quan số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Với mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, Tổng cục Hải quan đã xây dựng mô hình hải quan thông minh, xác định là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021-2030, theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với xu hướng tự do hóa toàn cầu; áp dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của hải quan các nước phát triển; các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hành chính nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử.

Hải quan thông minh là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, bảo đảm tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp. Mô hình Hải quan thông minh gồm các đặc trưng cơ bản: Quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán.

5. Tổng cục Hải quan triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi thông quan nhanh hàng hóa, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong thời gian vừa qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngành hải quan đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn. Cụ thể: Nhóm giải pháp về xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Nhóm giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; Nhóm giải pháp về tổ chức, điều hành và bố trí nhân lực bảo đảm việc thông quan hàng hóa.

6. Quan hệ đối tác giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan các nước và các tổ chức quốc tế phát triển trên một tầm cao mới thông qua trao đổi thông tin quản lý hải quan; hỗ trợ nâng cao năng lực, trang thiết bị hiện đại.

Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động hợp tác quốc tế giữa Hải quan Việt Nam với các cơ quan Hải quan đối tác và các tổ chức quốc tế vẫn được duy trì và phát triển bền vững, thể hiện rõ nhất là các chương trình hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật được triển khai hiệu quả với việc tiếp nhận hỗ trợ trang thiết bị từ các đối tác để phục vụ cho công tác quản lý biên giới và hải quan của Việt Nam.

7. 5 năm liên tiếp đứng đầu về cải cách hành chính khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính.    

Trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã được Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một trong những cơ quan đi đầu trong cải cách, hiện đại hóa, nhiều năm liền đứng đầu trong khối các Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính về Chỉ số cải cách hành chính.

Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và thực hiện hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia với 235 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được thực hiện. Giúp Chính phủ kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN. Bảo đảm vận hành ổn định, an toàn Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Xây dựng và triển khai các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh phục vụ hoạt động giám sát, kiểm tra hải quan, trong đó điển hình như Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho, bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Tập trung tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành hải quan để phục vụ xây dựng hải quan số tiến tới mô hình hải quan thông minh. Đã ký kết với 44 ngân hàng thương mại để triển khai phối hợp thu ngân sách, trong đó có 38 ngân hàng triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, số thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu qua ngân hàng đạt 99,8% trên tổng số thu. Tổng cục Hải quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện. Tổng số dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 98.

8. Quyết liệt triển khai Chuyên đề kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hạt điều có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan với số lượng lớn.

Kết quả bước đầu, Tổng cục Hải quan đã có kết luận kiểm tra đối với 18/18 vụ việc đã thực hiện kiểm tra sau thông quan. Trong đó: 2 doanh nghiệp có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều xuất khẩu (xuất xứ thuần tuý Việt Nam); 4 doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất xuất khẩu, có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo kiểm tra sau thông quan đối với 34 doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển danh sách 280 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định.

Như vậy, chuyên đề này là sự kiện ảnh hưởng lớn đối với hoạt động xuất, nhập khẩu hạt điều tại Việt Nam, được thực hiện kịp thời, khẳng định nỗ lực thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng không để doanh nghiệp lợi dụng để vi phạm pháp luật. Chuyên đề được thực hiện trên diện rộng, có tính chất ngăn chặn, răn đe đối với các hành vi sai phạm, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính; giữ vững uy tín thương hiệu Việt Nam của một ngành hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới.

9. Thực hiện chính quy, hiện đại thông qua triển khai Nghị định số 02/2021/NĐ-CP ngày 7/1/2020 quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan.

Ngày 7/1/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2021/NĐ-CP quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan thay thế Nghị định số 10/2005/NĐ-CP ngày 31/01/2005 của Chính phủ.

Nghị định số 02 nhằm xây dựng vị trí hình ảnh của lực lượng hải quan theo hướng chính quy, hiện đại cũng như tính uy nghiêm của trang phục hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ, xây dựng hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp và nâng cao vị thế của lực lượng hải quan trong quá thực hiện nhiệm vụ “gác cổng nền kinh tế” mà Đảng, Chính phủ giao cơ quan hải quan thực hiện.

10. Xây dựng Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021-2030 hướng tới Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nhằm tiếp tục công cuộc cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan trong bối cảnh mới, Hải quan Việt Nam đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu của dự thảo Chiến lược là: Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.