Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 của tỉnh Đồng Nai đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng gần 30% so với tháng 2. Tính chung trong quý I, xuất khẩu ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu tăng cao, gồm: Cà-phê; cao-su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; xơ, sợi dệt các loại; sản phẩm từ sắt…. Thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Đức...
Ở chiều ngược lại, quý I/2022, tỉnh Đồng Nai nhập khẩu đạt 4,6 tỷ USD, tăng hơn 5% so cùng kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước là hóa chất, thuốc trừ sâu và nguyên liệu, bông các loại…
Như vậy, quý I/2022, giá trị xuất siêu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt hơn 1,5 tỷ USD, đây là mức xuất siêu khá lớn trong những năm trở lại đây.
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, tình hình xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu khả quan, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao. Điều này, cho thấy các doanh nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ, khai thác tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm kiếm thị trường và tháo gỡ rào cản để tiếp cận thị trường mới.
Tuy nhiên, trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Đồng Nai đang có dấu hiệu giảm sâu. Cụ thể, quý I, thu hút FDI chỉ đạt khoảng 142 triệu USD, bằng 34% so với cùng kỳ, trong đó cấp mới 6 dự án và tăng vốn 15 dự án.
Một trong những nguyên nhân được lý giải khiến việc thu hút vốn FDI của Đồng Nai giảm sâu là do nhiều khu công nghiệp đã hết diện tích cho thuê, đối với những nơi còn thì giá thuê đất khá cao. Trong khi đó, việc triển khai các thủ tục để thành lập mới các khu công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt còn chậm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, địa phương đang thực hiện thu hút vốn FDI có tính chiều sâu hơn, đem lại giá trị cao hơn, chứ không đơn thuần chỉ tập trung ở các dự án sản xuất như giai đoạn trước. Trong đó, trọng tâm thu hút các dự án thiên về dịch vụ, có hàm lượng công nghệ cao, áp dụng công nghệ xanh thân thiện môi trường, sử dụng diện tích đất hiệu quả, ít lao động trực tiếp, nâng cao năng suất, sử dụng robot, đòi hỏi tính kết nối cao cả trong nước lẫn quốc tế.