Xử lý triệt để việc Công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường

Nước sông Thị Vải bị ô nhiễm.
Nước sông Thị Vải bị ô nhiễm.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Trần Hồng Hà tóm tắt những hành vi sai phạm của Công ty Vedan, có tính hệ thống.

Công ty Vedan bắt đầu đi  vào hoạt động từ năm 1993, trong các lĩnh vực sản xuất bột ngọt, tinh bột biến tính, nước đường, xút (NaOH), a-xít (HCl), Lysin, thức ăn chăn nuôi, phân bón, các sản phẩm công nghệ sinh học, phát điện, cảng... trên diện tích khoảng 120 ha ở tỉnh Ðồng Nai và gần tiếp giáp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khoảng năm 1994, ngay sau khi đi vào hoạt động chính thức (vào thời điểm đó trên lưu vực sông Thị Vải hoạt động công nghiệp rất ít), Công ty Vedan đã thải chất thải gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải làm thủy sản chết hàng loạt. (Năm 2005, Công ty Vedan đã đồng ý đền bù với danh nghĩa là hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản thuộc tỉnh Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh số tiền 15 tỷ đồng).

Tiếp theo đó, Công ty Vedan đã đề xuất được đổ chất thải sau lên men xuống biển, (chất thải này có đặc tính tương tự với dịch thải lỏng Vedan vẫn xả "trộm" hằng ngày như Ðoàn kiểm tra và Cục Cảnh sát môi trường phát hiện vừa qua). Việc làm nêu trên đã được các bộ, ngành và địa phương ngăn chặn kịp thời và cấm không được đổ xuống biển.

Năm 2004, Bộ TN và MT đã thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan, kết quả thanh tra đã xác định công ty đã thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường như đã được phê duyệt và xả nước thải vượt cấp tiêu chuẩn cho phép từ hai lần trở lên.

Năm 2006, Công ty Vedan đã có hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép (Xyanua vượt từ 7,6 đến 5.600 lần; tổng Coliform vượt đến 100 lần; COD vượt từ 1,2 đến 4,1 lần; BOD5 vượt đến 6,4 lần; N-NH3 vượt từ 13,6 đến 60 lần). Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra Ðoàn kiểm tra phát hiện có hiện tượng xả trực tiếp nước thải không qua xử lý vào sông Thị Vải tại cống xả khu vực cảng Vedan, hàm lượng các thông số ô nhiễm trong nước thải rất cao (COD vượt đến 44,7 lần; BOD5 vượt đến 17 lần...). Bộ TN và MT đã chuyển hồ sơ và đề nghị UBND tỉnh Ðồng Nai chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu Công ty Vedan lắp đặt thiết bị đo lưu lượng và quan trắc tự động một số thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải sau xử lý, định kỳ ghi đo, báo cáo kết quả về Sở TN và MT tỉnh Ðồng Nai để theo dõi, giám sát.

Năm 2007, Sở TN và MT tỉnh Ðồng Nai đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra năm 2006 đối với Công ty và cũng đã phát hiện một số vi phạm, đặc biệt Công ty Vedan chưa lắp đặt thiết bị đo lưu lượng và quan trắc tự động một số thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải. Qua lời tự nhận về phía công ty, trung bình mỗi tháng thải  44.800m3 dịch  thải lỏng và nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, chủ yếu là chất hữu cơ.

Công ty này hoàn toàn không thực hiện đúng yêu cầu về bảo vệ môi trường mà gian trá để đưa chất thải ra môi trường, tự ý tăng công suất các khu sản xuất lên từ hai đến ba lần và không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (DMT)... Như vậy đã có đủ cơ sở, bằng chứng để áp dụng những chế tài mạnh mẽ, nghiêm khắc nhất đối với Công ty Vedan. Phương hướng là phải tạm thời đình chỉ hoạt động nhà máy cho đến khi hành vi vi phạm được khắc phục về hành chính. Còn các hành vi cố tình lừa đảo, gian lận, trốn tránh về kinh tế nhiều tỷ đồng, hoàn toàn có thể chuyển hồ sơ xem xét xử lý nghiêm minh theo luật hình sự. Ngoài ra Công ty Vedan còn phải chịu trách nhiệm trong hủy hoại môi trường, phải khắc phục lại vấn đề môi trường.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong cấp giấy phép xả nước thải cho Công ty Vedan : Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, theo quy định tại NÐ 149 về hồ sơ thủ tục thì căn cứ vào hồ sơ, Bộ TN và MT theo ý kiến cơ quan trực tiếp giúp bộ đảm nhiệm công việc thẩm định là Cục Quản lý tài nguyên nước. Về quy trình Bộ TN và MT đã làm đúng thủ tục. Còn vấn đề liên quan là phân tích mẫu nước tại nguồn tiếp nhận thuộc về trách nhiệm Sở TN và MT, để có thông tin báo cáo với Bộ. Trong ý kiến của Sở TN và MT đã có công văn đề nghị Bộ cấp phép. Bộ chỉ biết theo quy định của pháp luật nước thải phải đạt loại B (nước phục vụ sản xuất nông nghiệp). Nếu có gì sai về quy trình thì người ký giấy phép phải chịu trách nhiệm.

 Tại buổi họp báo Ðại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cảnh sát môi trường cho biết: Cuối năm 2007, lãnh đạo C36 đã chỉ đạo cán bộ trinh sát C36 tiến hành điều tra cơ bản toàn bộ hệ thống sản xuất, xử lý nước thải của Công ty Vedan.  Từ giữa năm 2008, tổ trinh sát của Cục đã bí mật hóa trang, mật phục, nắm tình hình xử lý nước thải của Công ty Vedan và sau một thời gian đã nắm được sơ bộ hệ thống xử lý nước thải xả thẳng ra sông Thị Vải của Công ty Vedan bằng hệ thống ống dẫn ngầm cắm sâu xuống sông Thị Vải.

Tuy nhiên,  bắt quả tang việc xả nước thải của công ty là vô cùng khó khăn vì hệ thống dẫn nước của Công ty Vedan vô cùng phức tạp với hàng trăm đường ống, hàng trăm cút, van, máy bơm được lắp đặt chằng chịt chẳng khác nào "trận đồ bát quái", nếu nhìn bằng mắt thường rất khó phát hiện. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ cán bộ trinh sát đã xác định được hệ thống nước thải này hoạt động như thế nào? bơm thải trực tiếp ra môi trường qua đường ống ra sao?

Trong quá trình trinh sát anh em lần mò công phu, kết hợp với nhân dân ở khu vực, tổng hợp thông tin: Có người chung quanh nhà máy phát hiện động thái bất bình thường trên sông Thị Vải, khi thấy những con tầu thường xuyên đi lại trên  sông vào ban đêm; những người bán hàng rong trên sông cung cấp thông tin cho cán bộ trinh sát những biểu hiện bất thường như: nước sủi lên ở khu vực cầu cảng. Lực lượng Cảnh sát môi trường đã hết sức cố gắng, mưu trí, kiên trì, chịu đựng mùi hôi thối, không quản ngày đêm bám sát địa bàn (có trinh sát phải nằm áp sát cầu cảng nơi xả nước thải trong nhiều giờ, nhiều đêm) để xác định quy luật xả nước  thải.

Ngày 8-9, Cục CSMT và Ðoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra trực tiếp Công ty Vedan phát hiện một đường ống phi 100 được bố trí rất tinh vi xả thẳng ra hệ thống nước mưa và đã xác định tại khu vực xử lý UASB có một số đường ống xả thẳng ra đường thoát nước mưa không qua xử lý.

Ngày  10-9, đoàn kiểm tra yêu cầu cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý Công ty Vedan cho kiểm tra và vận hành toàn bộ hệ thống vận hành xử lý nước thải, đã phát hiện nước thải chưa qua xử lý được bơm trực tiếp từ bồn, theo hệ thống đường ống bằng i-nốc rồi xả trực tiếp ra sông. Nhân viên vận hành hệ thống thiết bị xả thẳng nước thải ra sông Thị Vải do hai người Ðài Loan (Trung Quốc) đảm nhiệm là Lâm Mậu Phủ và Vương Kim Ðiền được biết và thực hiện.

Cục CSMT nhận định, số lượng nước thải chưa qua xử lý do Công ty Vedan xả ra môi trường là cực kỳ lớn khoảng 44.800 m3/tháng. Cục sẽ tiếp tục làm rõ các đường ống xả thải ra môi trường (còn hàng chục đường ống chưa xác định rõ từ ba hệ thống nước thải); tiếp tục xác định rõ khối lượng nước thải không qua xử lý; tác dụng xử lý nước thải của 21 hồ sinh học; mời những người có liên quan đến trụ sở Công an đê tường trình về quá trình xử lý nước thải; chuẩn bị tài liệu cơ sở pháp lý để đề xuất biện pháp xử lý.

Bộ trưởng TN và MT Phạm Khôi Nguyên cho biết, từ nhiều năm trước Bộ đã dự báo đến năm 2050, sông Thị Vải sẽ là sông chết. Thời điểm 2006 sông Thị Vải đã có hơn 15 km trở thành đoạn sông chết, tốc độ ô nhiễm nhanh hơn dự kiến. Bộ TN và MT đã khuyến cáo các đơn vị chức năng, không cấp giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp  xây dựng nhà máy thuộc lưu vực sông Thị Vải các lĩnh vực sau: nhuộm, hóa chất, phân bón thuốc trừ sâu, mạ kim loại...

Sau khi có thông tin về việc Công ty Vedan có hệ thống thải ngầm Bộ TN và MT đã cùng C36 vào cuộc. Ðã xin ý kiến lãnh đạo các cấp vì đây là doanh nghiệp nước ngoài. Sáu tháng nay C36 cùng Bộ đã phối hợp  dựng lại bức tranh xảo trá, gian dối về hành vi gây ô nhiễm về môi trường ở đây. Công ty Vedan không chỉ có co sở ở  Thị Vải mà còn nhiều nhà máy chế biến mỳ ở các tỉnh như Quảng Bình, Hà Tĩnh. Các nhà máy này cũng đang gây ô nhiễm môi trường. Chính phủ  chỉ đạo coi như đây là vụ điển hình để  xử lý điểm về vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Sau việc xử lý triệt để Công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ làm nhiều vụ nữa. Sản phẩm của Vedan ăn vào giá môi trường Việt Nam là chính.  Chúng tôi  tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý và  tính toán về kinh tế xem thiệt hại cho đất nước là như thế nào? 

Cho dù có thể nói là công ty giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, đóng góp kinh tế tăng trưởng cho Việt Nam, nhưng tất cả những đóng góp đó không đủ phục hồi lại cho  thiệt hại môi trường mà Công ty Vedan đã gây ra. Dọc sông Thị Vải không chỉ Vedan mà còn nhiều nhà máy khác, nhưng thủ phạm chính vẫn là Vedan.  Ðoàn kiểm tra liên ngành dự kiến vào ngày thứ sáu (19-9), có biên bản kết luận cuối cùng, rất có thể mức độ trầm trọng là khởi tố, bắt giam, đóng cửa nhà máy, chuyển nhà máy đi nơi khác. 

* Xử lý nghiêm việc đổ chất thải ra sông Thị Vải