Xử lý nghiêm tàu cá chưa chấp hành nghiêm quy định bảo đảm an toàn khi có bão

NDO -

Ngày 5-11, tại cuộc họp ứng phó bão số 10, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn, Tổng cục Thủy sản Lê Trần Nguyên Hùng cho biết, đến 8 giờ sáng nay, vẫn còn 11 tàu cá tại tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão. 

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai phát biểu.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai phát biểu.

“Đây là các tàu khai thác thủy sản gần bờ (cách đất liền từ 10 - 28 hải lý), nhưng do công suất tàu nhỏ, nếu xảy ra sóng lớn gió mạnh thì rất dễ xảy ra sự cố tàu chìm. Trong hôm nay chúng tôi kiên quyết yêu cầu các tàu trên phải vào bờ”, ông Trần Lê Nguyên Hùng khẳng định.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng Phòng Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết: Hiện nay chúng tôi vẫn giữ liên lạc với các tàu thuyền hoạt động trong vùng dự báo nguy hiểm do bão số 10. Tuy nhiên, chủ các phương tiện cho biết ở những khu vực đó tình hình sóng gió bình thường nên họ vẫn khai thác và tự bảo đảm an toàn. Đối với các trường hợp này, chúng tôi đã cử lực lượng xuống tận nhà để yêu cầu các tàu vào bờ.

Xử lý nghiêm tàu cá chưa chấp hành nghiêm quy định bảo đảm an toàn khi có bão -0
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng Phòng Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng). 

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, thời gian qua mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng các chủ tàu chấp hành chưa nghiêm.

“Như vụ hai tàu cá ở Bình Định bị chìm trên biển do các chủ tàu không chấp hành yêu cầu di chuyển tránh bão, lực lượng cứu hộ phải điều nhiều tàu và cả máy bay tiếp cận hiện trường để cứu hộ”, ông Tiến nói.

Bởi vậy, đối với các tàu chưa chấp hành nghiêm quy định, cảnh báo cơ quan chức năng, cần có xử phạt hoặc giáo dục, cảnh báo trước cộng đồng.

Ông Tiến cũng đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng bên cạnh tăng cường truyền thông ứng phó với các loại hình thiên tai, cần chú trọng đăng tải thông tin chính thống để phản bác lại các thông tin sai trên mạng, nên tuyên truyền các tấm gương người tốt, việc tốt.

Ứng phó mưa lớn do bão số 10

Tại cuộc họp ứng phó bão số 10, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, đến 7 giờ sáng, cường độ bão có sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Khi vào gần bờ, bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão số 10, cao điểm mưa sẽ rơi vào ngày và đêm 5-11, trọng tâm mưa tập trung tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên. Mưa sẽ kéo dài đến ngày 7-11.

Còn ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Cây lương thực và Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, đến nay các tỉnh Nam Trung Bộ còn khoảng 40.000 ha lúa đã chín và đến kỳ thu hoạch, Cục đã đốc thúc các địa phương khẩn trương thu hoạch để tránh bão.

Để ứng phó với bão số 10, Văn phòng thường trực yêu cầu thực hiện các nội dung:

 Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 35/CĐ-TW ngày 2-11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về chủ động ứng phó bão số 10.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ, ban hành kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo sát với diễn biến thực tế nhất những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…; tiếp tục thông báo, kiểm soát tàu thuyền, đặc biệt là các tàu trong vùng nguy hiểm; tàu vận tải, vãng lai neo đậu ở các cửa sông, hướng dẫn neo đậu trên bến để bảo đảm an toàn người và phương tiện.

Kiểm tra, hướng dẫn việc gia cố, di chuyển lồng bè, sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản, khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Tiếp tục công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão; giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất ổn định cuộc sống, sẵn sàng ứng phó với bão và mưa lũ sau bão; khôi phục hệ thống điện, lưu ý trước khi đóng điện trở lại cần thông báo cho các cơ quan và người dân để tránh xảy ra tai nạn.

Vận hành, bảo đảm an toàn công trình và hạ du các hồ đập thủy lợi, thủy điện đặc biệt đối với các hồ đập nhỏ, các hồ đập xung yếu; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống đê sông, đê biển, các công trình phòng chống thiên tai, sạt lở, nhất là các trọng điểm xung yếu và các sự cố xảy ra trong bão số 9 và các đợt mưa lũ vừa qua.