Xây dựng “Đường vào Vương quốc các Vua Hùng”

Hướng về cội nguồn, nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc, nghĩa đồng bào, giữ gìn, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống và phát huy các giá trị đó trong cuộc sống hiện đại, dự án độc đáo “Đường vào Vương quốc các Vua Hùng trên không gian thực tế ảo” đã huy động được sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực.

Các em học sinh tham quan Bảo tàng Hùng Vương (Phú Thọ).
Các em học sinh tham quan Bảo tàng Hùng Vương (Phú Thọ).

Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ghi dấu thời đại Hùng Vương dựng nước với vô vàn những truyền thuyết và các huyền tích được lưu truyền thể hiện bản sắc văn hóa và tính cách dân tộc Việt Nam.

Cũng từ đó, lòng thành kính, biết ơn công đức Tổ tiên và các bậc tiền hiền có công dựng nước và giữ nước, nối tiếp qua nhiều thế hệ đã trở thành đạo lý truyền thống, đi vào tâm linh và hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương độc đáo được thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không chỉ là những câu chuyện trong truyền thuyết, thời đại Hùng Vương được khẳng định rõ nét qua các tư liệu lịch sử, di tích và những di chỉ, hiện vật khảo cổ học.

Với mong muốn chung tay vun đắp, trao truyền đến các thế hệ hôm nay và mai sau có thể tìm hiểu, đồng thời giúp đồng bào ở trong nước, ngoài nước và những người quan tâm đến thời đại Hùng Vương, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bảo trợ và phối hợp các đơn vị Nền tảng Không gian số vì sức khỏe cộng đồng (CCH), Công ty cổ phần Câu lạc bộ Laicity và Công ty Truyền thông Việt đồng hành cùng doanh nghiệp (TTV) tổ chức chương trình hợp tác “Kế thừa, phát huy cội nguồn văn hóa Việt và y học cổ truyền” cùng dự án “Đường vào Vương quốc các Vua Hùng trên không gian thực tế ảo”.

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, chương trình với điểm nhấn dự án “Đường vào Vương quốc các Vua Hùng trên không gian thực tế ảo” là sự tiếp nối trong nhiều hoạt động của các đơn vị tham gia thời gian qua, góp phần kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tâm linh Việt trên nền tảng không gian số của CCH, TTV và được truyền thông trên nền tảng Truyền hình An Viên (AVG) và mạng xã hội Phật giáo Butta.

Dự án nhằm tôn vinh văn hóa cội nguồn, thông qua công nghệ số, giới thiệu hình ảnh, tư liệu và các nghiên cứu, phát hiện mới nhất về thời đại Hùng Vương; tổ chức các hoạt động và chuỗi sự kiện liên quan với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu ở nhiều lĩnh vực về lịch sử, khảo cổ, văn hóa (vật thể, phi vật thể), báo chí, truyền thông... để hỗ trợ và thẩm định các nội dung dự án.

Ngay sau lễ ra mắt Hội đồng khoa học và khởi động dự án “Đường vào Vương quốc các Vua Hùng trên không gian thực tế ảo”, trong năm 2022, các đơn vị sẽ phối hợp Viện Quản trị nhân lực và nhân tài Hùng Vương, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương sáng lập Quỹ Văn hóa Hùng Vương; phát động cuộc thi nhắn tin tìm hiểu về văn hóa thời đại Hùng Vương qua ba nhà mạng Viettel, Mobiphone và Vinaphone. Từ tháng 5 tới, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ hỗ trợ truyền thông cho dự án mở chuyên mục “Hùng Vương dựng nước” trên mạng xã hội Phật giáo Butta (Butta.vn) đăng tải các bài viết, hình ảnh hằng ngày. Cùng thời gian này, các đơn vị thực hiện dự án sẽ tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia và trưng cầu ý kiến cộng đồng trên mạng Butta.vn và một số nền tảng mạng xã hội khác để xây dựng chân dung 18 vị Vua Hùng làm cơ sở chế tác các tác phẩm điêu khắc, tượng pháp.

Một trong những điểm nhấn của dự án là khởi động tiểu dự án “Làng văn hóa Việt (Bắc Bộ)” trên không gian ảo Laicity, huy động sự tham gia của các chuyên gia, người Việt Nam ở nước ngoài và những người thiện tâm với văn hóa dân tộc về văn hóa làng xã ở Việt Nam qua các thời kỳ. Cùng với đó là việc biên soạn, xuất bản sách song ngữ Việt-Anh “Lịch sử và văn hóa thời Hùng Vương”; tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Vua Hùng dựng nước” tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 năm nay. Cũng trong tháng 9, chuyên mục “Đường vào Vương quốc các Vua Hùng” sẽ chính thức được phát sóng trên kênh truyền hình AVG vào thứ bảy hằng tuần, cung cấp các tư liệu gốc về thời Hùng Vương của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương.

Theo chương trình, trong dịp cuối năm, các đơn vị thực hiện dự án “Đường vào Vương quốc các Vua Hùng trên không gian thực tế ảo” tổ chức lễ phát động cộng đồng trong nước và ngoài nước tặng các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài 50 bức tượng Vua Hùng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 theo mô hình bức tượng Hùng Vương HV3 ở cuộc thi “Sáng tác phác thảo tượng đài Hùng Vương” do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức năm 2017.

Cũng tại lễ vận động sẽ trưng bày phác thảo tượng 18 Vua Hùng sau khi lấy ý kiến cộng đồng trên mạng, đồng thời giới thiệu ý tưởng tổng thể sa bàn dự án “Đường vào Vương quốc các Vua Hùng” trên không gian ảo để lấy ý kiến công chúng. Cùng thời gian này, trong khuôn khổ dự án, sẽ diễn ra hội thảo quốc tế “Minh chứng khảo cổ học và hệ thống văn bản cổ lịch sử thời Hùng Vương” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; trình chiếu phim tài liệu “Đường vào Vương quốc các Vua Hùng” có lồng ghép kỹ thuật quay hình 3D. Vở kịch múa “Vua Hùng kén rể” cũng được phục dựng với hai phiên bản sân khấu truyền thống và sân khấu ảo trên nền tảng số hóa và công nghệ Metaverse.

Ông Nguyễn Thái Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Laicity cho biết, các đơn vị thực hiện dự án “Đường vào Vương quốc các Vua Hùng trên không gian thực tế ảo” đã xây dựng kế hoạch quảng bá, để lan tỏa dự án tới cộng đồng trong nước và ngoài nước. Bên cạnh đó, các hoạt động của dự án sẽ kết hợp chặt chẽ với những hoạt động tôn vinh giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam, trong đó có lễ kỷ niệm 714 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn vào tháng 11, vận động vinh danh Phật Hoàng Trần Nhân Tông là danh nhân văn hóa thế giới. Một số hoạt động khác của chương trình mang ý nghĩa cộng đồng cũng được thúc đẩy lan tỏa như chữa bệnh bằng thuốc nam, truyền dạy phương pháp thiền, rèn luyện thân tâm thời hậu Covid-19, thể thao võ thuật nâng cao sức khỏe...

KIM ĐỨC