Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm dịch vụ cảng biển của khu vực

NDO - Theo quy hoạch, hệ thống cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép là cụm cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), cho phép tàu có trọng tải đến 200 nghìn tấn ra vào làm hàng. Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình đầu tư hạ tầng cảng nhưng kinh tế cảng đã thật sự phát huy và khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu và cả nước.
Tàu công-ten-nơ cập cảng Tân Cảng - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).  Ảnh: THÀNH HUY
Tàu công-ten-nơ cập cảng Tân Cảng - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).  Ảnh: THÀNH HUY

Trong số hơn 50 dự án cảng đã đăng ký với tổng vốn đầu tư hơn bảy tỷ USD, đến nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 24 dự án cảng đi vào hoạt động, trong đó có nhiều cảng lớn và hiện đại, như: CMIT, SP-PSA, SITV, Tân cảng Cái Mép..., với tổng công suất thông qua khoảng 70 triệu tấn hàng hóa/năm, tập trung chủ yếu ở khu vực sông Thị Vải - Cái Mép. Hệ thống cảng nước sâu tại khu vực này thời gian qua đã đón nhiều tàu mẹ của các hãng tàu quốc tế lớn có trọng tải lên tới hơn 100 nghìn tấn. Mới đây nhất, ngày 19-12-2011, tàu CMA CGM laperouse, một trong những tàu công-ten-nơ lớn nhất thế giới, trọng tải hơn 157 nghìn DWT, chuyên chở gần 14 nghìn công-ten-nơ, đã cập cảng CMIT...

Việc ra đời và phát triển mạnh hệ thống cảng biển trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có hệ thống cảng nước sâu trên sông Thị Vải, tất yếu sẽ kéo theo sự phát triển của các loại hình dịch vụ cảng biển, logistics. Tuy nhiên, nếu logistics và dịch vụ cảng biển không được quan tâm thích đáng, phát triển chậm và không theo kịp sự phát triển của hệ thống cảng biển trong giai đoạn hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu tất yếu sẽ bỏ lỡ cơ hội khai thác tiềm năng của lĩnh vực quan trọng này và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nâng cao tỷ trọng dịch vụ sẽ không như mong muốn. Thực tế, hiện các doanh nghiệp trong nước làm dịch vụ hậu cần sau cảng trên địa bàn tỉnh còn phân tán, thiếu hợp tác trong việc tổ chức liên hoàn các loại hình dịch vụ. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics còn hạn chế về vốn và công nghệ nên chỉ dừng lại ở vai trò vệ tinh cung cấp dịch vụ cho các hãng nước ngoài. Chưa có doanh nghiệp trong nước nào đủ sức tổ chức, điều hành toàn bộ quy trình hoạt động logistics...

Với mục tiêu xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh công nghiệp và cảng biển theo hướng hiện đại, phấn đấu đạt chỉ tiêu doanh thu dịch vụ cảng 35%/năm theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 5 (2010-2015), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ cảng biển, logistics. Theo đó, tỉnh dành quỹ đất khoảng 800 ha tại khu vực Cái Mép hạ, đồng thời quy hoạch phát triển 26 dự án cảng thủy nội địa, dịch vụ kho bãi với tổng diện tích gần 1.100 ha. Tính chung, tổng diện tích đất Bà Rịa - Vũng Tàu dành cho phát triển dịch vụ logistics là khoảng 2.000 ha. Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tập trung quy hoạch phát triển hệ thống các đô thị, như: TP Vũng Tàu, đô thị Phú Mỹ, thị xã Bà Rịa, kết nối các đô thị này với nhau trong một không gian kinh tế thống nhất, tạo thành tuyến hành lang kinh tế - công nghiệp - cảng biển đồng bộ, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị cảng trong tương lai.

Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn đối với sự phát triển của ngành dịch vụ cảng hiện nay là cơ sở hạ tầng của toàn bộ hệ thống cảng thiếu đồng bộ. Ðặc biệt là một số tuyến đường hiện hữu trong khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải đã quá tải và xuống cấp. Ðiều này làm cho chi phí logistics của Việt Nam cao hơn hẳn so các nước khác. Các doanh nghiệp logistics phải tốn nhiều chi phí đầu tư, làm giảm lợi nhuận, cũng như khả năng mở rộng dịch vụ. Ðể khắc phục tình trạng này, các bộ, ngành liên quan và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy nhanh thực hiện các dự án quan trọng: khởi công và triển khai dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải dài 21 km (trong đó đoạn đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19 km), chạy phía sau hàng rào của hơn 30 dự án cảng dọc sông Thị Vải, từ khu vực Cái Mép hạ lên Nhơn Trạch, Ðồng Nai, nối vào đường cao tốc liên vùng phía nam, với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2014; dự án mở rộng quốc lộ 51, dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2012; dự án đường 965; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và sân bay Long Thành..., cùng một số tuyến trục ngang kết nối khu cảng Cái Mép với quốc lộ 51, đi qua các khu dịch vụ hậu cần cảng biển. Ðây là những tiền đề quan trọng để địa phương khai thác hiệu quả hệ thống cảng nước sâu, đồng thời xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trung tâm dịch vụ cảng biển hiện đại của khu vực.

LƯƠNG ANH TUẤN

Phó Giám đốc

Sở Giao thông vận tải

Bà Rịa - Vũng Tàu