Vùng rốn lũ và thương hiệu lúa, gạo chốn đại ngàn

“Từ hơn 10 năm nay, Cát Tiên không còn lũ…” - đó là câu nói được Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) Trần Quang Trừng chia sẻ như một sự khẳng định: Cát Tiên đã trị được lượng nước “quái” từ thượng nguồn sông Đồng Nai đổ về. Những người nông dân đã từng không ngại gian khó, sống chung với lũ giờ đây đã có thể tự hào khi chính họ đã góp phần tạo nên thương hiệu nổi tiếng “Lúa, gạo Cát Tiên”.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa bằng máy trên những cánh đồng ở Cát Tiên.
Thu hoạch lúa bằng máy trên những cánh đồng ở Cát Tiên.

Cát Tiên có diện tích đất tự nhiên hơn 42.600 ha; trong đó, đất nông nghiệp chiếm hơn 95%. Với diện tích đất trồng lúa nước là 4.748 ha, sản xuất lúa, gạo đóng vai trò chủ lực trong ngành nông nghiệp huyện, khi cây lúa chiếm 45,5% diện tích gieo trồng cả năm.

Thời gian qua, huyện Cát Tiên tập trung triển khai thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hóa với nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung phát triển và nhân rộng sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ theo chuỗi liên kết giá trị, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông Trần Quang Trừng cho biết: “Huyện đang có chương trình quy hoạch các vùng sản xuất và xác định cơ cấu giống phù hợp, từ đó, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện có thể sử dụng thương hiệu “Lúa, gạo Cát Tiên” để phát triển ngành sản xuất-kinh doanh lúa gạo. Đây được xem là định hướng chiến lược quan trọng nhằm gia tăng sản lượng và chất lượng lúa gạo địa phương”.

Việc triển khai sản xuất lúa, gạo trên địa bàn huyện hằng năm đều đạt kết quả cao về chất lượng, sản lượng; diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống và lúa an toàn theo hướng hữu cơ được mở rộng, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và tạo nguồn nguyên liệu phát triển nhãn hiệu “Lúa, gạo Cát Tiên”. Giám đốc Hợp tác xã Gạo hạt ngọc Cát Tiên Ngô Quốc Chí thông tin, hiện diện tích canh tác của hợp tác xã là 60 ha, sản lượng bình quân 7 tấn/ha. Hằng tháng, hợp tác xã có thể cung ứng thị trường khoảng 6 tấn gạo hữu cơ và hơn 20 tấn các loại gạo khác.

Hiện tại, sản phẩm của hợp tác xã ngoài phục vụ nhu cầu tại địa phương đã có thể tiếp cận các thị trường thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Thành phố Hồ Chí Minh. “Chính quyền đóng vai trò dẫn dắt rất quan trọng khi đã theo dõi sâu sát, cũng như hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân trong phát triển kết cấu hạ tầng, nghiên cứu và lựa chọn giống lúa chất lượng cao, cũng như các loại phân bón hữu cơ sinh học. Hằng năm chính quyền và các ngành chức năng huyện thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tuyên truyền và phát huy các mô hình lúa hữu cơ”, ông Chí cho biết.

Sản xuất lúa, gạo Cát Tiên đã từng bước phát triển theo hướng có giá trị gia tăng cao. Đến năm 2023, diện tích gieo trồng lúa hằng năm đạt 9.000 ha, sản lượng hơn 56,3 nghìn tấn; trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao đạt hơn 48,8 nghìn tấn/năm, chiếm 86,7% tổng sản lượng. Gắn liền việc duy trì, mở rộng diện tích sản xuất lúa với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và tạo nguồn nguyên liệu phát triển nhãn hiệu “Lúa, gạo Cát Tiên”, hiện nay, toàn huyện có một Liên hiệp hợp tác xã với tám hợp tác xã nòng cốt, đóng vai trò đầu tàu trong việc phát triển 11 chuỗi liên kết, với hơn 600 hộ dân tham gia.

Các chuỗi liên kết cơ bản bảo đảm ba mục tiêu: “Vật tư dịch vụ đầu vào ổn định; chất lượng, tiêu thụ sản phẩm ổn định; tạo giá trị gia tăng cho người nông dân”. Chương trình OCOP được quan tâm, phát triển đúng định hướng và phát huy hiệu quả của từng sản phẩm. Toàn huyện có chín sản phẩm gạo và các sản phẩm làm từ gạo được công nhận sản phẩm OCOP; nhiều sản phẩm của địa phương đã tham gia vào các sàn thương mại điện tử mang lại giá trị cao, ổn định và bền vững.

Thời gian qua, huyện Cát Tiên đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Lúa, gạo Cát Tiên” cho sáu tổ chức, cá nhân. Theo đó, hằng năm có từ 1.500 đến 2.000 tấn gạo mang nhãn hiệu “Lúa, gạo Cát Tiên” được cung ứng ra thị trường. Đây được xem là sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nhằm giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm. Huyện cũng đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và định hướng thị trường liên kết tiêu thụ theo hướng hàng hóa, gắn liền sản xuất với tiêu thụ. Trong đó, tập trung sản xuất theo đơn đặt hàng và dự báo nhạy bén về nhu cầu của thị trường, qua đó gia tăng hiệu quả tổ chức liên kết sản xuất gắn với thị trường; đồng thời, chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ những nỗ lực của chính quyền, ngành chức năng và nhà nông Cát Tiên, cuộc sống của người dân địa phương đã được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thương hiệu “Lúa, gạo Cát Tiên” vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, khi thị trường lúa, gạo thường xuyên biến động và cạnh tranh gay gắt. Hiện nay giá lúa, gạo tăng cao, một số hộ dân canh tác không đúng thời vụ, dẫn đến thiệt hại do ngập úng, khô hạn làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm; một số tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, tính liên kết chưa chặt chẽ; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh và ngày càng tăng cao.

Để phát triển tốt thương hiệu “Lúa, gạo Cát Tiên” nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, địa phương đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp, như: Tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình hành động của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và các đề án, kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2021-2025; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện trong lĩnh vực nông nghiệp; mở rộng diện tích sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch gắn với nhãn hiệu “Lúa, gạo Cát Tiên” đạt chuẩn OCOP.

Đồng thời, huyện tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, như: Quy hoạch vùng sản xuất gắn với yếu tố thị trường; định hướng sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao; các sản phẩm nông nghiệp phải truy xuất nguồn gốc, có nhãn hiệu; củng cố, hoàn thiện các đơn vị, tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác nòng cốt; phát triển các chuỗi liên kết; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu và đưa nông sản tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.

“Huyện đẩy mạnh việc thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục đầu tư hạ tầng phát triển nông nghiệp; tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh khâu dự tính, dự báo tình hình thiên tai, dịch bệnh, diễn biến thị trường... để chủ động trong sản xuất, kinh doanh, kịp thời có giải pháp linh hoạt và hiệu quả”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên Trần Quang Trừng cho biết.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, các đơn vị và sự nỗ lực của người dân địa phương, hình ảnh về một huyện nghèo, khó khăn, trầm mình trong lũ đã thành ký ức. Giờ đây, trên những cánh đồng lúa Cát Tiên là những xe kéo, máy gặt, máy cày; những nụ cười mãn nguyện và tươi tắn, bởi thương hiệu “Lúa, gạo Cát Tiên” đang ngày càng khẳng định uy tín và lan tỏa, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội huyện nông thôn mới Cát Tiên.