Chúng tôi gặp chị Hoàng Thị Lan (thị trấn Phát Diệm) khi mang sản phẩm cói mỹ nghệ đến doanh nghiệp cói mỹ nghệ Năng Ðộng để trả hàng. Tuần nào cũng thế, cứ thứ năm hằng tuần là ngày các gia đình nhận làm gia công cho cơ sở cói Năng Ðộng mang sản phẩm tới giao cho cơ sở rồi lại nhận nguyên liệu về sản xuất tại gia đình. Nhìn những sản phẩm cói mỹ nghệ: Túi, làn, thảm sặc sỡ nhiều mầu sắc, trông thật vui mắt. "Gia đình em làm gia công cho cơ sở này từ lâu rồi, thu nhập hằng tháng cũng được gần một triệu đồng/người", "chị Lan nói. Với mức thu nhập như thế ở thị trấn Phát Diệm là thu nhập trung bình, cuộc sống tạm ổn. Cô cho biết, ngày trước chưa gia công mặt hàng cói mỹ nghệ gia đình gặp nhiều khó khăn, vì sản xuất nông nghiệp chỉ đủ ăn trong khi còn phải trang trải các nhu cầu mua sắm, con em đi học cùng nhiều khoản chi khác.
Mấy năm nay, nói đến nghề cói ở Kim Sơn ai cũng thấy tiếc nuối một thời "hoàng kim" đã qua. Cơ sở sản xuất Bình Minh một thời tiếng tăm nổi như cồn nay đang gặp khó khăn. Ði đến đâu, ngồi chỗ nào hễ nói đến cói là người ta buồn... Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh Ninh Bình nhiều lần xuống thị sát, kiểm điểm nghe cơ sở trình bày khó khăn và kiến nghị để sau đó có văn bản chỉ đạo, có chính sách hỗ trợ, nhưng nghề cói vẫn chưa ngóc lên được, chưa có lối ra khả thi. Lại nghe nói, cói Kim Sơn ngắn hơn cói Nga Sơn (Thanh Hóa) không sản xuất được loại chiếu cao cấp, cho nên mặc dù cói Kim Sơn thừa ra đấy các doanh nghiệp ở địa phương vẫn phải mua cói Nga Sơn về sản xuất. Thêm vào đó là những khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Vậy mà bây giờ, tại thị trấn Phát Diệm, Giám đốc xí nghiệp cói Năng Ðộng Ðỗ Như Phong lại thông báo một tin quá mừng: Mặc dù bị tác động buổi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng nghề sản xuất cói mỹ nghệ xuất khẩu ở Kim Sơn thời gian qua vẫn tăng 30% về doanh thu so với cùng kỳ. Hơn 20 nước ở châu Âu, châu Á thậm chí cả châu Mỹ cũng nhập hàng cói mỹ nghệ của Kim Sơn.
- Tại sao hàng cói mỹ nghệ vẫn tăng trưởng trong thời kỳ suy giảm kinh tế? chúng tôi hỏi.
- Thật ra chả có bí quyết gì đâu, chỉ là sản phẩm ở đây vừa thân thiện với môi trường mà giá thành rẻ khiến người tiêu dùng nước ngoài nhất là các nước châu Âu ưa chuộng. Giám đốc Ðỗ Như Phong nói, giá thành hạ và quan trọng hơn cả là sản phẩm cói không gây độc hại cho người tiêu dùng. Trong thời kỳ suy giảm kinh tế, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm những mặt hàng giá rẻ và thân thiện với môi trường mà bền. Mặt khác, xí nghiệp cùng đối tác thường xuyên trao đổi về mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm khiến người mua không thấy nhàm chán. Bán được hàng, Xí nghiệp cói Năng Ðộng mở rộng diện tích nhà xưởng, đào tạo thêm nghề mới như sản xuất bẹ chuối, bèo bồng cho người lao động. Anh cho biết, năm nay, Xí nghiệp cói Năng Ðộng đã đào tạo hơn tám nghìn lao động nông thôn, không chỉ ở thị trấn Phát Diệm mà còn lan sang các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Ðịnh.
Anh Phong cho biết thêm, hiện nay ở Kim Sơn không còn cân cói tồn kho nào bởi các doanh nghiệp mua hết để sản xuất. Cói Kim Sơn tuy ngắn nhưng lại được ưu điểm là dễ đan những mặt hàng mỹ nghệ như làn, ấm giỏ tích, túi xách. Cói Kim Sơn dai và dày hơn hẳn nơi khác. Khi hấp sấy, cói Kim Sơn dễ đưa vào giàn sấy hơn. Nhờ có thị trường ổn định, số lao động nhận gia công cho Xí nghiệp Năng Ðộng lên tới gần 12 nghìn người với thu nhập ổn định hơn 900 nghìn đồng/tháng.
Không chỉ Xí nghiệp cói Năng Ðộng ăn nên, làm ra mà nằm sát bên là Xí nghiệp tư doanh chiếu cói Quang Minh do anh Nguyễn Văn Quang làm giám đốc cũng làm ăn khấm khá. "Suy giảm kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng tới doanh nghiệp với những tác động khác nhau, đó là cơ cấu mặt hàng thay đổi bởi thị hiếu tiêu dùng của khách hàng đã khác trước", Giám đốc Nguyễn Văn Quang nói. Chẳng hạn, mặt hàng sản xuất bằng nguyên liệu mây trước kia giá thành cao, người tiêu dùng chuyển sang mua sản phẩm cói. Thêm vào đó, một số chi phí cao hơn trước như giá bao bì, cước vận chuyển, giá gia công tăng, song xí nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp, cho nên hạn chế chi phí khâu trung gian, lợi nhuận của doanh nghiệp và người lao động vẫn bảo đảm. Sự chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu giúp cho doanh nghiệp phát triển, chẳng hạn trước đây mặt hàng mây tre chiếm tỷ trọng cao thì giờ đây chuyển sang bèo bồng, cói, bẹ chuối với những mẫu mới là khay, bàn ghế cùng nhiều vật dụng khác. Hiện nay, Xí nghiệp tư doanh Quang Minh thu hút khoảng mười nghìn lao dộng ở huyện Kim Sơn và các tỉnh lân cận, mỗi tháng thu nhập 850 nghìn đồng/người.
Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình, Hà Quang Ðiệp cho biết, từ lâu, tỉnh Ninh Bình đã coi trọng việc phát triển tiểu thủ công nghiệp trong nông thôn. Nhất là từ năm 2006 trở lại đây, bằng các chính sách hỗ trợ (nhất là hỗ trợ đào tạo nghề), các làng nghề truyền thống ở tỉnh Ninh Bình nói chung và huyện Kim Sơn nói riêng phát triển khá mạnh. Hoạt động khuyến công từng bước khẳng định vai trò vị trí trong sự nghiệp công nghiệp hóa nông thôn nhất là trong tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay. Phát triển ngành nghề ở nông thôn Ninh Bình góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn, giá trị sản xuất công nghiệp ở nông thôn chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp ở địa phương. Nhiều doanh nghiệp được hưởng nguồn hỗ trợ kinh phí đã tổ chức đào tạo nghề tại chỗ nhằm tăng nhanh nguồn lực cho sản xuất tiểu, thủ công nghiệp ở nông thôn. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Ninh Bình đã đầu tư hơn hai tỷ đồng cho công tác khuyến công ở nông thôn, trong đó Kim Sơn là một trong những huyện trọng điểm của tỉnh để đầu tư đào tạo nghề đan các sản phẩm cói, bèo bồng, bẹ chuối, thêu, ren, móc sợi xuất khẩu. Trung tâm triển khai thực hiện chín đề án, trong đó sáu đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhiều thôn, xóm, xã chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất tiểu, thủ công nghiệp theo hướng "ly nông không ly hương", và số nông dân làm nghề đan bèo bồng, bẹ chuối xuất khẩu ngày càng tăng. Không ít nơi có tới 85% số lao động ở nông thôn tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Bài và ảnh: ÐỖ TẤN, MẠNH THUẦN