Vô cùng thương tiếc PGS Vũ Ngọc Khánh -  Nhà giáo, Nhà nghiên cứu và hoạt động  văn hóa dân gian xuất sắc

NDO - Phó Giáo sư Vũ Ngọc Khánh đã qua đời ngày 26-6-2012 tại Hà Nội.
Phó Giáo sư Vũ Ngọc Khánh.
Phó Giáo sư Vũ Ngọc Khánh.

Ông sinh năm 1926, ở làng Hội Thống, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sớm giác ngộ cách mạng, ông đã hoạt động bí mật từ trước Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội, Vinh, trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa huyện Nghi Xuân, cán bộ phụ trách tuyên huấn, dân vận của Huyện ủy Nghi Xuân và tỉnh Hà Tĩnh. Con đường cấp ủy, chính quyền đang rộng mở trước mắt người cán bộ trẻ tuổi giàu nghị lực ấy thì ông lại trở về cuộc sống đời thường, tiếp tục học hành, nâng cao trình độ văn hóa, dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học và dạy học, truyền đạt kiến thức cho người sau.

Ðể trở thành một chuyên gia, một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, nhất là văn hóa dân gian, phải am hiểu nhiều mặt, không ngừng nghiên cứu, trau dồi tri thức, tìm hiểu các lĩnh vực văn học, sử học, phong tục, tín ngưỡng, đặc biệt là trong kho tàng truyền thống dân gian. Ông đã kiên trì đi vào tất cả các thể loại văn học dân gian, nghiên cứu về các danh nhân, các thời đại. Ông phấn đấu không mệt mỏi, tự tích lũy cho mình một vốn sống phong phú, vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, để có thể đặt chân lên khắp mọi miền đất nước, quan sát, ghi chép, tìm tòi, khám phá, kể cả ra nước ngoài để nhìn về đất nước mà so sánh, liên hệ, học hỏi, không bỏ qua một chi tiết nào có ích cho ý đồ nghiên cứu, sưu tầm trên các lĩnh vực liên quan đến văn hóa Việt Nam.

Ông đã bao quát được tất cả các lĩnh vực văn học, sử học, triết học, giáo dục... Ở lĩnh vực nào ông cũng nắm được đối tượng. Mỗi đề tài về văn học, lịch sử, hay dân gian, ông đều có chuyên khảo thành công trình, thành sách xuất bản. Trong hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông đã có đến hơn 60 đầu sách in riêng, 100 cuốn là chủ biên và cộng tác, hơn 100 cuốn được mời tham gia và cộng tác. Hầu hết các tác phẩm của ông đều được tái bản nhiều lần với số lượng lớn. Có tác phẩm tái bản đến tám lần.

Ðặc biệt, trong nghiên cứu văn học dân gian, ông có sự say mê và nhạy cảm khác thường. Ông rất coi trọng kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Ðối với ông, những mẩu chuyện giai thoại, những câu vè, những truyện cười dân gian đã không phải là chuyện vặt mà trái lại, có ý nghĩa rộng lớn, cần gia công sưu tầm, ghi chép, đánh giá. Riêng về sách văn học dân gian, ông đã viết hàng chục tác phẩm có giá trị như: Dẫn luận nghiên cứu folklore Việt Nam, Kho tàng giai thoại Việt Nam, Kho tàng truyện cười Việt Nam, Kho tàng truyện trạng Việt Nam, Truyện tiếu lâm, Hành trình vào thế giới folklore... Với quan điểm nhất quán coi trọng văn học dân gian, folklore và dày công nghiên cứu mà ông đã có những tác phẩm sâu sắc, mang tính triết học cao như: Ðạo Thánh Việt Nam, Minh Triết Hồ Chí Minh... Sách Minh Triết Hồ Chí Minh là một tác phẩm nghiên cứu về Bác Hồ rất sâu sắc, hấp dẫn với những kiến giải độc đáo, táo bạo, là một đóng góp lớn vào việc tìm hiểu về cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch. Có thể nói, một mình ông là cả một "viện văn học dân gian", một "viện folklore học".

Về văn hóa Việt Nam, ông đã viết hàng trăm luận văn đề cập các vấn đề tín ngưỡng và giáo lý Việt Nam, sắc thái dân tộc, xã hội và con người Việt Nam với những nhận xét tinh tế, sâu sắc.

Ông không chỉ là nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, một tác giả có nhiều công trình tầm cỡ mà còn là người đảm đương bao nhiêu công việc thường ngày của một cán bộ văn hóa từ địa phương cho đến khi là nghiên cứu viên của Viện Văn hóa dân gian Việt Nam.

Trong lĩnh vực giáo dục, ông có những cống hiến xuất sắc. Ông là nhà giáo hiếm có đã từng dạy học ở tất cả các cấp, từ vỡ lòng đến phổ thông, trung học, và đại học. Dù chưa hề bước qua ngưỡng cửa của trường đại học nhưng với vốn tự học, tự rèn luyện, ông đã có đủ kiến thức và uy tín để hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Hàng trăm học trò của ông đã trở thành cán bộ giảng dạy, giáo sư có uy tín trong ngành đại học nước nhà. Vừa dạy học, vừa viết hàng chục cuốn sách về giáo dục như: Cách dạy tập làm văn miệng, Tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam trước năm 1945, Bí quyết giỏi văn, Văn hóa gia đình Việt Nam, Thầy giáo Việt Nam mười thế kỷ, Giai thoại đại khoa, v.v.

Ðặc biệt, tập hồi ký Cửa riêng không khép của ông dày 470 trang cho người đọc thấy một thời kỳ lịch sử nhất định, làm nổi bật lên những đặc điểm của một vùng quê, một xã hội, một thời đại sáng rực lên những truyền thống đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam là yêu nước, yêu làng, yêu bạn bè, đồng chí, người thân...

PGS Vũ Ngọc Khánh là nhà văn hóa hoạt động liên tục, sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết. 75 tuổi ông mới nghỉ hưu, nhưng cho đến tận khi ngoài 80 tuổi, ông vẫn không ngừng cầm bút và thường xuyên có tác phẩm phục vụ bạn đọc. Ông là một chiến sĩ cộng sản trung kiên, một lão thành cách mạng suốt đời vì nước, vì dân, không màng địa vị, quyền lực, chức tước, là nhà giáo, nhà văn hóa chân chính, nhà khoa học đích thực. Ông ra đi để lại một khoảng trống trong vườn văn hóa Việt Nam xanh tươi.