Vĩnh biệt Thượng tướng Ðặng Vũ Hiệp

Chiều19-10-2007, sau khi cùng các vị lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đến làm việc với lãnh đạo Bộ Quốc phòng về việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, về đến nhà, anh Hiệp bỗng đau bụng dữ dội. Xe cấp cứu đưa anh vào Bệnh viện T.Ư quân đội 108. Các giáo sư, bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và quyết định mổ ngay, cắt khối u đại tràng. Suốt cả tuần trước, anh Hiệp đã thấy trong người khó chịu, nhưng ngày nào anh cũng có mặt ở cơ quan bàn việc chuẩn bị cho Ðại hội lần thứ hai Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Thấy quầng mắt anh thâm và sâu hơn, hỏi thăm, anh chỉ nói dạo này hay đau bụng, lại mất ngủ nhiều, có khi 2, 3 giờ sáng vẫn chưa chợp mắt.

Sau hôm mổ, anh Hiệp lúc tỉnh lúc mê, phải thở ô-xy, mở thanh quản, ăn nhẹ qua đường ống thông vào cổ họng. Xoa bóp tay chân anh, thấy xọp hẳn đi. Nhiều người vào thăm anh, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Tổng cục Chính trị, các anh em, bạn bè, đồng chí, đồng đội thân thiết... Ai nấy chỉ biết lẳng lặng nhìn anh, nắm nhẹ tay anh, rồi đau buồn quay ra.

Chiều 4-11-2007, lúc tỉnh, anh Hiệp hỏi tôi:

- Thế nào, đã xong dự thảo báo cáo trước Ðại hội chưa ?

- Dạ, đang viết ạ. Anh giao 17-11 mới phải thông qua cơ mà.

- Ừ nhỉ, cố gắng nhớ. Xong, đưa mình xem.

Tôi khẽ kể chuyện: Anh Thái (Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn-Tổng cục Chính trị) từ TP Hồ Chí Minh chưa ra được, có nhờ chuyển lời thăm anh, chúc anh sớm bình phục... Mắt anh Hiệp chợt nhắm lại, thiêm thiếp, rồi lại mở ra. Anh bình thản bảo:

- Thôi, thế cũng được rồi. Cũng bảy chín, tám mươi rồi!

Chinh chiến từ lúc 17 tuổi, giờ đây anh Hiệp là một ông già tuổi tám mươi nằm dán mình trên giường bệnh, thở khó nhọc. 

Cả cuộc đời quân ngũ của anh Hiệp là cuộc đời của một cán bộ chính trị sắc sảo, quyết đoán, sâu sát với cán bộ, chiến sĩ, với đơn vị. 19 tuổi, anh đã là chính trị viên trung đội, sau đó được đề bạt chính trị viên đại đội, tiểu đoàn, chính ủy trung đoàn. Trải qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mười năm ở chiến trường Tây Nguyên (1965 - 1975), chịu đựng bom đạn, chất độc hóa học, biết bao gian khổ, thiếu thốn..., anh đảm nhiệm nhiều trọng trách, ở nhiều cương vị khác nhau: Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận B3 (1968), Chính ủy Sư đoàn 10 (tháng 9-1972), Bí thư Ðảng ủy Mặt trận Tây Nguyên, Chính ủy Quân đoàn 3 (27-3-1975). Tiếp đó, hơn hai chục năm, anh là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Về hưu ở tuổi bảy mươi, nhưng khi thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, được cấp trên yêu cầu, anh lại sẵn sàng đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội...

Vẫn còn đây cuốn sách "Ký ức Tây Nguyên" gần 500 trang anh viết năm 1999, có lời giới thiệu của Ðại tướng Chu Huy Mân - người cấp trên, cấp trưởng trực tiếp của anh trong nhiều năm, nhiều thời kỳ. Còn đây ký ức về một thời gian khó nhưng hiển hách chiến công. Thời đó, có những đơn vị mỗi chiến sĩ chỉ ăn nửa lạng gạo mỗi ngày, anh em đề nghị đồng chí chỉ huy và đồng chí chính ủy ăn thêm để lấy sức chỉ huy, lãnh đạo đơn vị, nhưng các đồng chí ấy đã không nhận sự ưu tiên, dành chuyển cho anh em thương binh mới từ mặt trận trở về.

Còn đây tấm ảnh chụp anh ở rừng Chư-mo-rây (Tây Nguyên) mùa khô năm 1971; chụp anh với các cán bộ, chiến sĩ, với đồng chí Võ Chí Công ở Sở Chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên năm 1974, với các đồng chí Lê Ðức Thọ, Văn Tiến Dũng ở Tiền phương Bộ Tổng tư lệnh tháng 3-1975. Còn đây Bản quyết tâm chiến đấu trong chiến dịch Tây Nguyên 1975, phía dưới có hai chữ ký, một bên là Tư lệnh - Trung tướng Hoàng Minh Thảo, một bên là Chính ủy - Ðại tá Ðặng Vũ Hiệp...

Trong bài phát biểu của anh trong cuộc mít-tinh "ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam" ngày 25-7-2004 tại TP Hồ Chí Minh, anh thiết tha kêu gọi: "Hãy đến với các nạn nhân chất độc da cam, đến với những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Ở đó, nhiều người đã chết, nhiều người đang hằng ngày, hằng giờ sống trong bệnh tật giày vò vì di chứng tàn khốc của chất độc da cam. Ở đó, nhiều thanh niên cả trai và gái không thể tự đứng trên đôi chân của mình, nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm mẹ, rơi vào tuyệt vọng khi sinh ra những đứa con dị dạng, tật nguyền...".

Và đây, tấm ảnh ngày 6-8-2007 chụp anh cùng Ðoàn đại biểu nạn nhân chất độc da cam/dioxin các tỉnh, thành phố trong toàn quốc đến chào Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Hôm đó, Chủ tịch nước đã ôm hôn thắm thiết anh Hiệp và nói: "Anh Hiệp là một vị tướng, đã vào sinh ra tử, nay có thể nghỉ mà không ai chê trách, nhưng vì tình đồng đội, đồng bào, anh vẫn làm việc ngày đêm, chăm lo cho anh chị em nạn nhân chất độc da cam"...

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam do anh làm Chủ tịch đã thu hút được sự ủng hộ, giúp đỡ không chỉ của Quân đội, nhân dân cả nước ta, mà còn của nhiều tổ chức, bạn bè quốc tế. Ông Len Aldis -Thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt, ông Li Hiêng Kiu - Chủ tịch Hội cựu chiến binh thương tật do chất độc da cam Hàn Quốc... nói rất vinh dự được tiếp xúc với anh - một vị tướng chiến trường năm xưa của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Chị M.Ratner - đồng Chủ tịch Tổ chức cứu trợ và trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAORRC - Mỹ), rồi các luật sư Mỹ (bên nguyên, trong Vụ kiện chất độc da cam) mới đây sang làm việc với Hội, đều đã đến thăm anh trong bệnh viện. Ai cũng mong, cầu chúc anh sớm bình phục và hứa với anh sẽ làm tất cả mọi việc vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam...

Ngày 11-4-2008, từ 5 giờ sáng anh Hiệp lại hôn mê sâu và 10 giờ 25 phút, trái tim anh ngừng đập.

63 năm kể từ khi tham gia cách mạng, anh luôn luôn là cánh chim không mỏi xông pha nơi chiến trận trong sự nghiệp giải phóng  dân tộc; là cánh chim không mỏi vì cả những đau thương cần được xoa dịu hôm nay của các nạn nhân chất độc da cam.

Những gì anh để lại cho đời, đồng chí, đồng bào ta, cả bạn bè nhiều nước trên thế giới còn nhớ mãi. Xin vĩnh biệt Anh!