Đây là lần đầu tiên, ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị riêng nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn.
Trải qua 76 năm xây dựng, phát triển, ngành khí tượng thủy văn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đã đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và phục vụ đời sống của nhân dân. Chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của Việt Nam dần tiệm cận tới trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nguồn lực dành cho công tác khí tượng thủy văn còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được đầu tư, nâng cấp kịp thời. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác khí tượng thủy văn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất; năng lực, trình độ của cán bộ chưa đồng đều, chưa làm chủ được một số công nghệ hiện đại; tổ chức bộ máy, quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm chưa được quan tâm đúng mức.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phấn đấu đến năm 2030 ngành khí tượng thủy văn nước ta đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến khu vực châu Á, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quán triệt và triển khai thực hiện tốt 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác khí tượng thủy văn. Công tác khí tượng thủy văn là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục, phải có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
2. Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với độ tin cậy, chính xác cao. Chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng, trang thiết bị theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu.
3. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khí tượng thủy văn.
4. Củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác khí tượng thủy văn, gắn với đổi mới phương thức hoạt động hiệu quả; phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, tổ chức liên quan, nhất là người đứng đầu.
5. Kết hợp nguồn lực từ ngân sách nhà nước với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế cho công tác khí tượng thủy văn. Ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động khí tượng thủy văn của quốc gia.
6. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng thủy văn.
7. Tổ chức thực hiện Chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị.
Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện Chỉ thị này.