Việt Nam có chiều dài bờ biển là 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn một triệu km2. Theo Niên giám thống kê Việt Nam (năm 2018), số dân của 28 tỉnh, thành phố có biển là khoảng 47 triệu người, chiếm 49,5% tổng số dân của cả nước. Nhờ vậy, Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, cùng với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, biển Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt với những vấn đề ô nhiễm chủ yếu đến từ các nguồn thải như: ô nhiễm nguồn gốc từ lục địa và từ biển; tác động của biến đổi khí hậu; tình trạng khai thác và đánh bắt hải sản quá mức; hoạt động giao thông vận tải... Điển hình như việc gia tăng các nguồn thải từ lục địa, nhất là theo các dòng sông chảy ra biển dẫn đến môi trường biển nhiều nơi đang có xu hướng giảm về chất lượng. Nhiều vùng cửa sông, ven biển ở nước ta đã bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, đô thị; tình trạng xả các chất chưa qua xử lý, hay xử lý chưa đạt quy chuẩn vẫn diễn ra tại một số tỉnh, thành phố ven biển, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, đời sống, sinh kế của cộng đồng ven biển, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống, sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển và ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, sinh vật biển.
Các nghiên cứu cho thấy: Trung bình mỗi năm Việt Nam xả thải ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm khoảng 6% rác thải nhựa toàn thế giới) và đứng thứ tư trên thế giới. Ô nhiễm rác thải biển không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng môi trường, mà còn phá hủy sinh cảnh. Hay tình trạng khai thác quá mức tài nguyên biển, thiếu tính bền vững; nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn ngày càng gia tăng ở nhiều nơi. Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% số rạn san hô; 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Diện tích các rạn san hô bị mất, tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như vịnh Hạ Long, các tỉnh ven biển miền trung... nhiều nơi giảm đến 30%. Kết quả nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế trong những năm gần đây cũng cho thấy: có khoảng hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt; sản lượng đánh bắt giảm đáng kể, nhất là nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ và dầu mỡ đã và đang diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh thành ven biển Việt Nam, nhất là vùng cửa sông các tỉnh phía bắc và dọc dải ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Các sự cố môi trường do tràn dầu, hóa chất, xói lở bờ biển... cũng gia tăng, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, mà về lâu dài làm cho các rạn san hô, phù du sinh vật bị chết, khiến suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản tại khu vực...
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường biển thời gian qua trước hết xuất phát từ nhận thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp còn nhiều bất cập và hạn chế. Đáng lo ngại, hiện nay vẫn tồn tại lối tư duy xem trọng các yếu tố phát triển kinh tế, tăng trưởng ngắn hạn hơn quan tâm đến các yếu tố môi trường; các yêu cầu phát triển bền vững giữa kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường biển chưa được quán triệt đầy đủ, sâu sắc trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển và các đề án, dự án cụ thể... dẫn đến việc thực thi không nghiêm, không hiệu quả. Việc nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm liên kết địa phương, vùng, liên ngành trong bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng chưa được quan tâm đầy đủ. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong ứng phó với vấn đề môi trường biển (sự cố, thảm họa môi trường) còn rất hạn chế; chưa tạo được mối liên hệ chặt chẽ, thuận tiện giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương hay giữa các địa phương. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên, nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển chưa sâu rộng dẫn đến tình trạng chưa có sự hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên biển...
Để phát huy những thế mạnh biển mang lại, đồng thời từng bước giảm đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở nước ta, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng: Việt Nam cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc, đánh giá phạm vi, mức độ tác động của các nguồn gây ô nhiễm biển từ đất liền, nhất là từ các lưu vực sông, từ các vùng canh tác nông nghiệp ven biển phải được tiến hành đồng thời với việc đẩy mạnh lập kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm vùng ven biển. Đẩy mạnh hoạt động nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, địa phương, các thành phần kinh tế và toàn dân về quản lý tổng hợp, thống nhất đối với biển, hải đảo, bảo đảm sự phát triển đa ngành, đa mục tiêu, đa lợi ích giữa các bên có liên quan. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, trên biển, trên các đảo, cụm đảo; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động lấn biển, nhận chìm; kiểm soát, ngăn chặn hoàn toàn việc đổ chất thải nguy hại xuống biển dưới mọi hình thức. Tăng cường năng lực ứng phó nhanh, hiệu quả với các sự cố môi trường ở các vùng cửa sông ven biển và trên biển; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các yêu cầu về điều kiện, năng lực ứng phó sự cố của tàu, thuyền hoạt động trên biển hoặc đi qua các vùng biển Việt Nam...