VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN

Từ thành phố này Người đã ra đi...

Bến Nhà Rồng, nơi ghi dấu người thanh niên yêu nước Văn Ba - Nguyễn Tất Thành bắt đầu ra đi tìm đường giải phóng dân tộc cách đây 110 năm, giờ đã trở thành một di tích thiêng liêng, gần gũi và hấp dẫn đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế nói chung, nhân dân Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh nói riêng.

 Khách tham quan triển lãm tại Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Khách tham quan triển lãm tại Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Hơn 40 năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh tọa lạc trong ngôi Nhà Rồng tại Bến Nhà Rồng vẫn là một biểu tượng của thành phố mang tên Bác.

1. Nhà văn hóa điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh (Bảo tàng) tổ chức triển lãm mang chủ đề "Hình ảnh và hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh" nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Người. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh Mai Bá Hùng chia sẻ: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với hơn 140 bức ảnh, áp-phích phim, cùng những thước phim tài liệu quý giá được giới thiệu trong triển lãm lần này, công chúng thành phố được tận mắt hình ảnh chân thật và sống động về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình tượng của Người mãi là mạch nguồn cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ điện ảnh Việt Nam.

Kết thúc triển lãm, thay mặt Viện Phim Việt Nam, Nhà văn hóa điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh đã tặng bộ sưu tập tư liệu "Hình ảnh và hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh" cho Bảo tàng, với mong muốn những hình ảnh, tư liệu quý về Bác Hồ sẽ được quảng bá rộng rãi hơn với công chúng miền nam, góp phần để hình ảnh của Người sống mãi trong lòng dân tộc.

Ðây là một trong nhiều triển lãm ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Bảo tàng đã thực hiện trong nhiều năm qua. Bà Lưu Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Bảo tàng cho biết, Bảo tàng luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, xây dựng những chuyên đề thời sự cụ thể phục vụ yêu cầu của từng đối tượng khách tham quan trong những ngày lễ lớn của đất nước. Hơn 40 chuyên đề đã trưng bày, triển lãm tại Bảo tàng làm cho nội dung hoạt động của Bảo tàng thêm hấp dẫn, sinh động.

Là loại hình bảo tàng lưu niệm danh nhân, Bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và tổ chức trưng bày các hình ảnh, hiện vật, tài liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm của người dân cả nước, đặc biệt là của người dân miền nam với Bác Hồ kính yêu, qua đó bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lớn lao mà Người đã để lại cho dân tộc.

Hơn 40 năm hình thành và phát triển, đến nay, Bảo tàng đã xây dựng được một hệ thống gồm sáu kho bảo quản với diện tích 277 m2 để lưu giữ các tài liệu, hiện vật và được trang bị các phương tiện, trang thiết bị bảo quản cần thiết. Bảo tàng hiện có 23.888 tài liệu, hiện vật; hệ thống trưng bày cố định gồm bảy phòng, tám gian phản ánh khá đầy đủ và sinh động những sự kiện lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó ba phòng nhấn mạnh đến sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, chuyên đề "Bác Hồ với miền Nam, miền Nam với Bác Hồ". Ðặc biệt, Phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân thành kính tưởng nhớ đến Người vào các dịp lễ trọng đại của đất nước và mỗi khi đến tham quan Bảo tàng. Bà Lưu Thị Tuyết Trinh cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan, Bảo tàng đã áp dụng các giải pháp trưng bày kết hợp màn hình kỹ thuật số với thiết kế mầu sắc, ánh sáng, tạo hình thể khối với âm thanh… làm rõ điểm nhấn, nội dung trọng tâm của cuộc trưng bày, dẫn dắt và tạo cảm hứng cho khách tham quan.

Từ thành phố này Người đã ra đi... -0
Bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911.

2. Một ngày cuối tháng 5. Trong ngôi nhà riêng, bà Trần Thị Mạo, nguyên Giám đốc Bảo tàng đầy xúc động khi nhắc về những ngày đầu thành lập Bảo tàng. Lật từng trang tài liệu cũ, bà cho biết, Bảo tàng tọa lạc ở một ngôi nhà cổ có nguồn gốc lịch sử khá lâu đời tại thành phố. Ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1862, nhân dân địa phương gọi là Nhà Rồng bởi trên nóc nhà có đắp nổi hình "Lưỡng long tranh châu". Do vậy, bến cảng nơi đây cũng được gọi là Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5-6-1911, cách nay hơn một thế kỷ. Từ sự kiện trọng đại đó cùng với tình cảm tha thiết của đồng bào miền nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 1315 ngày 9-7-1979 khôi phục ngôi Nhà Rồng thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đổi tên thành Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh vào ngày 30-10-1995.

Bà Trần Thị Mạo nhớ lại, những ngày đầu mang tên Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh là thời gian nhiều vất vả, khó khăn đối với tập thể cán bộ, nhân viên tại Bảo tàng cũng như với riêng cá nhân bà. Mọi việc đều phải sắp xếp lại sao cho phù hợp với một bảo tàng lưu niệm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, và các bạn trẻ đến thăm viếng, học tập, nghiên cứu. "Một trong những phần việc khó nhất chính là làm sao Bảo tàng phải có nhiều hiện vật, tư liệu về Bác Hồ với miền nam và miền nam với Bác Hồ. Chúng tôi phải đến nhiều tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, tìm từ nhiều nguồn mới có được không gian trưng bày mang dấu ấn riêng của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại thành phố năng động nhất nước".

Ðội ngũ cán bộ, nhân viên nhiều thế hệ làm việc tại Bảo tàng luôn tự hào khi được công tác tại nơi có ý nghĩa lịch sử đặc biệt này. Trong thời gian công tác tại Bảo tàng, thuyết minh viên Nguyễn Thị Kim Liên không thể quên được lần tiếp đoàn ngoại giao Cu-ba vào năm 2019. Sau gần 30 phút nghe bà giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thành viên trong đoàn đã vô cùng xúc động khi được hiểu thêm về quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam và những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức bóc lột trên thế giới. Ðối với thuyết minh viên Phan Quế Huỳnh, được làm việc tại Bảo tàng là một vinh dự lớn lao. Suốt 12 năm công tác, Huỳnh đã được tiếp cận nhiều tài liệu, hình ảnh, hiện vật về cuộc đời Bác, gặp gỡ và nghe những câu chuyện kể chân thật từ những nhân chứng, những người vinh dự được gặp Bác Hồ. Sau những năm tháng làm việc miệt mài, Phan Quế Huỳnh đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng khách tham quan ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh tình yêu nghề, giờ đây Huỳnh còn có một tình cảm lớn lao hơn, đó chính là sự ngưỡng mộ, kính phục, muốn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Bác. "Càng nghiên cứu, tôi càng khâm phục ý chí, nghị lực phi thường của Bác, sự hy sinh quên mình vì dân vì nước. Qua những sự kiện, câu chuyện về Bác Hồ, tôi đã học tập từ Bác rất nhiều, học tập tấm gương đạo đức, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân của Người, và học ở Người từ những điều bình dị nhất".

Ðể xứng đáng là thành phố mang tên Người, quyết tâm xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh", một trong những nội dung cốt lõi trong đề án "Chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035" được UBND thành phố Hồ Chí Minh thông qua, góp phần phát triển ngành văn hóa trong thời gian tới. Bảo tàng hay Bến Nhà Rồng xưa kia là nơi gắn liền với quá trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính vì thế nơi đây sẽ là một trong những điểm nhấn trong quá trình hình thành không gian văn hóa đặc biệt này.

Giám đốc Bảo tàng Lưu Thị Tuyết Trinh cho biết, để góp phần làm phong phú, sinh động và kiến tạo một "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" tại thành phố, Bảo tàng đã có kế hoạch thực hiện Dự án trùng tu, tôn tạo Di tích Nhà Rồng, đổi mới hệ thống trưng bày hiện đại, trực quan, sinh động theo xu hướng bảo tàng thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan. "Chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm thêm các tư liệu, hiện vật để bổ sung cho công tác tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Bảo tàng sẽ kết hợp các đơn vị tổ chức nhiều chương trình, lễ hội gắn với những sự kiện liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Người, để khách tham quan khi đến Bảo tàng sẽ cảm nhận trọn vẹn một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, sẽ thấy được hết tình cảm của người dân miền nam nói chung, người dân thành phố nói riêng với vị Cha già dân tộc"- Bà Lưu Thị Tuyết Trinh chia sẻ.

Bài và ảnh: VÕ MẠNH HẢO