Vai trò khuyến nông trong sản xuất cà-phê bền vững tại Đắk Nông

Theo thống kê, hiện nay diện tích cà-phê sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận của Ðắk Nông đạt hơn 23.000 ha, sản lượng ước khoảng 82.000 tấn/năm. Toàn tỉnh có 25 sản phẩm cà-phê của 21 chủ thể đã được chứng nhận OCOP, trong đó, 6 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao. Kết quả nêu trên cho thấy vai trò của hoạt động khuyến nông là hết sức quan trọng trong việc tiếp nhận các tiến bộ khoa học-kỹ thuật tiên tiến, đồng hành với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà-phê của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ khuyến nông tỉnh Đắk Nông trao đổi với người dân về canh tác cà-phê bền vững.
Cán bộ khuyến nông tỉnh Đắk Nông trao đổi với người dân về canh tác cà-phê bền vững.

Thời gian qua, ngành khuyến nông tỉnh Đắk Nông thường xuyên tiếp nhận các tiến bộ khoa học-kỹ thuật tiên tiến, từ đó chuyển giao cho người dân thông qua việc xây dựng các mô hình, dự án sản xuất cà-phê bền vững. Điển hình, trong giai đoạn 2021-2023, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất cà-phê theo hướng hữu cơ truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị trên diện tích 10 ha, với 10 hộ dân tại xã Tân Thành và Nâm Nung (huyện Krông Nô). Đánh giá kết quả, có 8/10 ha diện tích thực hiện mô hình được cấp chứng nhận Hữu cơ Việt Nam, năng suất trung bình đạt 3,2 tấn/ha, lợi nhuận thu về 167.879.000 đồng/ha, so với vườn cà-phê sản xuất đại trà tăng 38.268.500 đồng/ha.

Thông qua kết quả của mô hình, người nông dân đã nhận thức được lợi ích của việc canh tác cà-phê theo hướng hữu cơ, từ đó thay đổi phương pháp canh tác, hướng đến sản xuất cà-phê hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất cà-phê truyền thống; tạo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có lợi trong đất phát triển mạnh, có tác dụng cải tạo môi trường đất theo hướng có lợi, giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng tối đa, làm tăng độ phì nhiêu của đất, giảm phát thải khí nhà kính, cây trồng khỏe, hạn chế sử dụng thuốc hóa học và đầu tư phân bón cho cây, tạo ra sản phẩm sạch, bảo đảm chất lượng theo các tiêu chuẩn và thân thiện với môi trường, phục vụ tốt cho nhu cầu xuất khẩu.

Năm 2024, tại huyện Đăk G'long, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh đã xây dựng và phát triển mô hình trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà-phê với quy mô 10 ha/10 hộ tham gia. Mô hình giúp người dân thay đổi tập quán từ trồng thuần, không cây che bóng, chuyển sang trồng xen cây ăn quả vào các hố cây cà-phê bị sâu bệnh, năng suất thấp. Việc trồng xen một số cây ăn quả trong vườn cà-phê giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định năng suất, phát triển cà-phê bền vững, các hộ sản xuất tham gia mô hình đều đánh giá cao, mong muốn mô hình được nhân rộng.

Để cải thiện về giống, nâng cao năng suất, chất lượng cà-phê, năm 2022 Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh đã chọn huyện Đăk R’Lấp và thành phố Gia Nghĩa thực hiện Mô hình tái canh cà-phê bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Mô hình triển khai trên diện tích 2 ha, với 4 hộ tham gia, lắp đặt toàn bộ hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho vườn cà-phê.

Qua đánh giá của các nông hộ, việc sử dụng hệ thống tưới nước đã tiết kiệm được 30% lượng nước tưới, tiết kiệm 70% nhân công tưới nước. Nhờ đó, giảm rất nhiều chi phí cho việc trồng dặm cũng như chăm sóc. Thông qua mô hình, người dân biết cách bố trí cây trồng xen trong vườn hợp lý, giảm cạnh tranh về dinh dưỡng, ánh sáng, giúp cho quá trình quang hợp của cây được tốt hơn. Đồng thời hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước, tưới chính xác, tưới đúng và đủ lượng nước cần cho nên góp phần bảo vệ nguồn nước cho cộng đồng và xã hội. Mô hình đã dần thay đổi cách sản xuất truyền thống sang sản xuất có trách nhiệm gắn với áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.

Tại các huyện Tuy Đức, Đăk R’Lấp, Đăk Song và Đăk Mil, trong năm 2020 Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh đã lựa chọn triển khai Mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước phun mưa tại gốc trên cây cà-phê, với quy mô 14 ha, có 16 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện hơn 632 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành lắp đặt 13/14 ha, nghiệm thu 7/7 ha mô hình. Qua nghiệm thu, mô hình đạt các yêu cầu kỹ thuật như: Mỗi vòi phun gọn một gốc cà-phê, lưu lượng nước 1 gốc 70 lít/giờ, bộ phận chòi âm phân hoạt động tốt; giúp người dân tiết kiệm lượng nước tưới, phân bón, nhân công, nhiên liệu, làm thay đổi cách sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Năm 2023, từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh đã thực hiện thành công Dự án Hỗ trợ sản xuất cà-phê vối giai đoạn kinh doanh, triển khai trên địa bàn các xã Đắk Plao, Đắk Ha (huyện Đắk G'long) và xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức) với quy mô 245 hộ tham gia, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Các hộ tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn tại vườn đã góp phần làm thay đổi tập quán canh tác theo hướng cũ, chưa hiệu quả, chuyển sang áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất cà-phê bền vững, nhằm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Năng suất cà-phê từ đó tăng từ 100-200 kg cà-phê nhân/ha (giá trị 10-20 triệu đồng/ha) so với lúc các hộ chưa tham gia dự án, vườn cây sinh trưởng phát triển tốt. Với những kết quả đạt được, hệ thống khuyến nông Đắk Nông đã khẳng định tốt vai trò, chức năng và nhiệm vụ, đóng góp quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành hàng cà-phê.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển ngành hàng cà-phê bền vững, theo Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, thời gian tới, các sở, ngành, các huyện, thành phố cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân áp dụng canh tác bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh tái canh, cải tạo cà-phê và đưa các bộ giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản theo chuỗi liên kết cà-phê bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 làm nền tảng phát triển ngành cho những năm tiếp theo.