Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng qua phục hồi rõ nét và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, góp phần tạo sự phấn khởi và củng cố niềm tin trong nhân dân. Ðạt được những kết quả nổi bật là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng hành của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương nỗ lực và những đóng góp quan trọng của các địa phương vào kết quả chung của cả nước. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhiệm vụ đặt ra cho nửa sau năm 2022 hết sức nặng nề. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có kết quả Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế - coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan để tổng hợp, xây dựng Ðề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để bị động trong chỉ đạo, điều hành…
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Bảo đảm ổn định tỷ giá, lãi suất, các thị trường ngoại hối, tiền tệ, tín dụng. Tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Ðẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém.
Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả. Bộ Tài chính chủ động rà soát, đề xuất cắt giảm phù hợp các loại thuế, phí, lệ phí; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh các loại thuế, phí đối với xăng dầu (giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt). Bảo đảm phát triển ổn định lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì xử lý ngay những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chú trọng rà soát điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công...
Các bộ, cơ quan chức năng và các địa phương theo dõi sát diễn biến, tình hình thị trường, giá cả, chuẩn bị các phương án, kịch bản điều hành phù hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả; tăng cường phòng, chống buôn lậu và tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá. Bảo đảm vững chắc nguồn cung năng lượng (xăng dầu, điện, than). Ðẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo cam kết COP26; sử dụng tiết kiệm năng lượng; chuẩn bị sẵn sàng phương án, kịch bản ứng phó mọi tình huống. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách và hướng dẫn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…
Ðẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường thực hiện các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động; tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7.
Về vấn đề học phí, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tác động để trình các cấp có thẩm quyền theo hướng giảm khó khăn cho phụ huynh và học sinh, phù hợp tình hình và điều kiện của đất nước tại thời điểm hiện nay.
★ Hội nghị và phiên họp đã thảo luận về việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm quốc gia; những khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; thúc đẩy mạnh việc giải phóng mặt bằng; bố trí vốn đủ để thực hiện các dự án và giải ngân hiệu quả các nguồn vốn. Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, tháo gỡ ngay vướng mắc để có các mỏ, đủ nguyên vật liệu cho các dự án; nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển hạ tầng; các địa phương thành lập Tổ công tác, trong đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Tổ trưởng để thúc đẩy triển khai và xử lý các vướng mắc nảy sinh.
★ Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Liên quan vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp trước mắt và lâu dài về việc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Về ngắn hạn, trước mắt, Bộ đang tích cực soạn thảo để trình và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; đẩy nhanh tiến độ cấp phép quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương; sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ.
Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết quả kiểm tra tại các địa phương, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, các địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị để tránh tình trạng tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám mua sắm. Về dài hạn, Bộ cũng đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược...
Kiềm chế sự tăng nhanh của giá xăng dầu
Ðại diện Bộ Tài chính cho biết, trong ngày 4/7, ngay sau khi được Chính phủ thông qua, Bộ trưởng Tài chính đã ký Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn (Tờ trình số 244 ngày 4/7/2022). Theo đó, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, mức thuế đối với xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg, dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít.
Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã đồng ý và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết sớm nhất, để chúng ta có mức điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo ước tính của Bộ, sản lượng tiêu thụ vẫn giữ được như hiện nay một tháng. Chính sách này nếu được quyết từ ngày 1/8/2022 thì ước giảm thu ngân sách nhà nước từ giảm thuế bảo vệ môi trường cộng với giá trị gia tăng vào khoảng 7.000 tỷ đồng. Cùng với việc chúng ta đang triển khai hai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với giảm thuế bảo vệ môi trường từ đầu năm đến nay trên mặt hàng xăng dầu, giảm 25.538 tỷ đồng nữa thì tổng thu ngân sách nhà nước khi thực hiện tất cả các giải pháp sẽ ước giảm thu khoảng 32.538 tỷ đồng trong năm 2022….