Đến nay, nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tạo nguồn lực hình thành hàng nghìn mô hình kinh tế tiềm năng, hiệu quả, trong đó có nhiều mô hình cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
"Đỡ đầu" nông dân làm giàu
Đóng vai trò chủ lực trên thị trường này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn dành khoảng 70% tổng dư nợ cho phát triển tam nông - chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Với thế mạnh về chăn nuôi thủy sản, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đang tập trung phát triển sản xuất theo quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư trang thiết bị, chuyển đổi sang mô hình nuôi cá hiện đại, bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi chúng tôi đến thăm mô hình của ông Đặng Hữu Phượng (thôn Triều Khê, xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa), những người lao động đang bận rộn sơ chế cá để đóng gói, chuyển đi các nơi tiêu thụ.
Theo ông Phượng, mô hình của gia đình ông gồm 5 ao nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích khoảng 5 mẫu, chuyên cá rô đồng, mỗi năm được hai kỳ thu hoạch. Mỗi kỳ, nếu không gặp dịch bệnh, gia đình ông sẽ thu về tầm 50 tấn cá. "Quanh thôn tôi có 37 hộ thì 10 hộ tham gia cùng sơ chế chuyển ra thị trường nội thành Hà Nội và các địa phương lân cận. Mỗi đêm chuyển đi 5 tấn, vậy mà cũng không đủ cung cấp cho thị trường.
Tuy vậy, nhưng chi phí đầu tư nuôi cá cũng không ít. Riêng chi phí mua cám cho cá ăn, mỗi ao tốn 10 bao/ngày (tương đương 4 triệu đồng), chưa kể còn rất nhiều chi phí khác. Nếu không có sự hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Agribank, những hộ làm kinh tế nhỏ lẻ như chúng tôi khó mà đủ tiền xoay xở".
Tương tự, những hộ kinh doanh chăn nuôi lợn ở xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa như gia đình ông Nguyễn Văn Hiển cũng bày tỏ phấn khởi vì sản phẩm của mình có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, không đủ đáp ứng cho thị trường. Ban đầu bỏ ra số vốn khá lớn đầu tư hệ thống chuồng trại đạt tiêu chuẩn và vệ sinh an toàn, chất lượng; nhưng bù lại giá thịt lợn của gia đình ông Hiển luôn cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với giá lợn của các hộ khác nuôi bằng cám công nghiệp.
Hiện sản phẩm thịt lợn của gia đình ông đã xuất hiện tại nhiều hệ thống siêu thị, nhất là ở chuỗi cửa hàng thực phẩm Bác Tôm trên địa bàn Hà Nội. "Có được thành quả này, tôi không thể không nhắc đến "đòn bẩy" vốn vay 500 triệu đồng ban đầu từ Agribank để xây dựng mô hình chăn nuôi hiện đại. Đến nay, hạn mức vay của gia đình tôi đã được ngân hàng nâng lên hơn 1 tỷ đồng, phù hợp quy mô phát triển của gia đình", ông Hiển cho biết.
Tích cực xây dựng nông thôn mới
Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Thị Nga, xã hiện đã hoàn thành 19 chỉ tiêu nông thôn mới. Năm 2023, xã sẽ tiếp tục đăng ký nông thôn mới nâng cao và sau đó là đăng ký nông thôn mới kiểu mẫu. Đáng chú ý, đóng góp vào sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân trên địa bàn, có sự hỗ trợ đắc lực về nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, nhất là Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong giai đoạn tiếp theo, bà Nga bày tỏ mong muốn các ngân hàng quan tâm nhiều hơn nữa, đầu tư nguồn vốn vay cũng như chính sách ưu đãi để người dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đáp ứng chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Số liệu từ Agribank cũng cho thấy, bắt đầu từ cuối năm 2011 với 11 xã được chọn thí điểm, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới thời điểm đó chỉ 336 tỷ đồng và khoảng 8.000 khách hàng, đến nay, dư nợ đã đạt hơn 600.000 tỷ đồng, với hơn 2,1 triệu khách hàng và Agribank là ngân hàng duy nhất triển khai cho vay xây dựng nông thôn mới đến 100% số xã trong cả nước.
Ngoài ra, để bảo đảm cung ứng kịp thời nguồn vốn, dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng, người dân, doanh nghiệp, ngân hàng đã chủ động nghiên cứu, triển khai nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp thực tiễn hoạt động để cùng hệ thống chính trị triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Điển hình, Agribank ký thỏa thuận với Trung ương Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, phát triển hơn 69.000 tổ vay vốn, triển khai ngân hàng lưu động bằng ô-tô chuyên dùng đưa vốn và hơn 200 dịch vụ ngân hàng tiện ích phục vụ người dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, trở thành những người nông dân hiện đại, xây dựng nông thôn văn minh.
Giám đốc Agribank chi nhánh Hoài Đức Nguyễn Hữu Ban cho biết, sau hai năm ảnh hưởng dịch bệnh, từ đầu năm 2022, ngân hàng đã rà soát các khách hàng, nhất là các hạn mức tín dụng đã ký năm 2020, 2021 và khách hàng truyền thống; đánh giá tình hình kinh doanh để tư vấn, trên cơ sở đó chuẩn bị vốn ngay từ đầu năm nên tăng trưởng tín dụng khá tốt. Đến thời điểm ngày 30/9, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đạt gần 1.290 tỷ đồng, tăng gần 52 tỷ đồng so đầu năm.
Tương tự, tại Agribank chi nhánh Ứng Hòa, tổng dư nợ cũng đạt khoảng 1.157 tỷ đồng, tăng 72 tỷ đồng so đầu năm, đạt 100% kế hoạch quý và 101% kế hoạch năm 2022... Trên toàn hệ thống, đến cuối tháng 10/2022, tổng tài sản Agribank đạt 1,82 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt 1,63 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,41 triệu tỷ đồng; thu nợ xử lý rủi ro đạt 9.064 tỷ đồng,...
Như vậy, với dư nợ cho vay theo Nghị định 55 trung bình chiếm tới 30-40% tổng dư nợ, có nghĩa hàng trăm nghìn khách hàng được tiếp cận dòng vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, một số lãnh đạo chi nhánh ngân hàng cũng bày tỏ trăn trở, việc trở thành chủ lực trong triển khai Nghị định 55 cũng gây nhiều khó khăn cho Agribank, nhất là về nguồn vốn.
"Tích cực cho vay theo Nghị định 55 cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận bán vốn với giá thấp, thiệt thòi về NIM (chênh lệch lãi suất đầu vào-đầu ra) so với các ngân hàng khác. Trong khi đó, về lãi suất huy động, Agribank phải cạnh tranh ngang ngửa với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, Chính phủ chưa hỗ trợ nguồn vốn lãi suất thấp để ngân hàng cho vay theo Nghị định 55. Vì vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ có nguồn vốn với lãi suất rẻ hơn để tạo điều kiện hỗ trợ ngân hàng cho nhiều người dân vay hơn nữa theo Nghị định 55," Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc 2 Đỗ Văn Bộ chia sẻ.