Tuyển Việt Nam – Nhật Bản: chế ngự “sóng thần”

NDO -

So với tuyển Việt Nam, Nhật Bản dù gặp nhiều bất lợi trên sân khách, nhưng họ vẫn là đối thủ quá lớn với sức mạnh như những đợt sóng thần. Nhiệm vụ thực tế nhất của thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn là hạn chế các bàn thua.

Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho trận gặp Nhật Bản trên sân Mỹ Đình. (Ảnh: VFF)
Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho trận gặp Nhật Bản trên sân Mỹ Đình. (Ảnh: VFF)

Khi người Nhật "khát điểm"

Đội bóng xứ sở Mặt trời hiện không có được thế thượng phong ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Họ bắt nhịp chậm chạp nên mới giành 6 điểm, đang đứng thứ 4 trong bảng đấu, dưới Saudi Arabia (12 điểm), Australia (9 điểm) và cả Oman (cùng 6 điểm nhưng thắng Nhật Bản đối đầu).

Bởi vậy, loạt trận tháng 11 này được coi là then chốt đối với thầy trò HLV Hajime Moriyasu nếu muốn duy trì cơ hội ganh đua tấm vé đến Qatar hè năm sau. Họ không chỉ cần thắng, mà còn mong thắng đậm để có hiệu số tốt phòng khi cần so sánh.

Người Nhật đã mang đến Mỹ Đình một khối lượng khổng lồ hành lý, trang thiết bị, nhân sự và cả tinh thần những chiến binh. Họ trông chờ sự nghiêm túc, khoa học và tiếng nói đẳng cấp sẽ mang lại cho họ nhiều lợi thế trong một trận đấu mà họ chỉ có duy nhất 1 ngày hội đủ quân để làm quen sân bãi.

Cuộc “đổ bộ” muộn nhất của nhóm cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu chẳng khác gì một “dải ngân hà”. Đó là Takumi Minamino – tiền đạo đang khoác áo Liverpool, là Maya Yoshida đá trung vệ cho Sampdoria, là Takehiro Tomiyasu – hậu vệ phải được coi là bản hợp đồng mới chất lượng nhất của Arsenal mùa này, là Daichi Kamada – người cao giá nhất trong dàn sao Nhật đang đầu quân cho Eintracht Frankfurt, là Ritsu Doan (PSV Eindhoven) – tác giả bàn thắng duy nhất vào lưới Việt Nam hồi Asian Cup 2019…

Mặc dù vậy, những cái tên hào nhoáng ấy đang tỏ ra mệt mỏi sau một hành trình dài bay, quá cảnh, hoãn chuyến… để có thể góp mặt tại Hà Nội. Buổi tập chiến thuật trọn vẹn nhất của ông Moriyasu lại chính là thời gian mà dàn sao tìm lại trạng thái cân bằng, lắng nghe cơ thể và thích nghi với điều kiện thời tiết.

Moriyasu đang gặp những vấn đề lớn trong việc gắn kết các danh thủ trong tay mình thành một khối thống nhất. Nhật Bản ở 4 vòng đấu đã qua chưa tìm thấy một lối chơi thuần thục, nhất quán và điều quan trọng là họ vô cùng chật vật để ghi bàn. 

Chỉ với 3 lần chọc thủng lưới Trung Quốc và Australia, tuyển Nhật thậm chí đang có ít bàn thắng hơn cả Việt Nam. Chúng ta đã ghi được 4 bàn, dù vẫn đang trắng tay về điểm số.

Ban huấn luyện Nhật Bản cũng phải vừa đá vừa điều chỉnh cách làm chiến thuật. Sự thận trọng của sơ đồ 4-2-3-1 với 2 tiền vệ phòng ngự không giúp họ vững chắc (thua Oman, Saudi Arabia), trong khi sơ đồ 4-3-3 cởi mở hơn đã đem lại hiệu quả bằng chiến thắng 2-1 trước Australia. Tư tưởng tấn công ấy chắc chắn sẽ được áp dụng trong trận đấu với Việt Nam, để làm bàn đạp cho cuộc gặp lại Oman vào ngày 16/11.

Thầy Park và sơ đồ 5-3-1

Sau trận đấu trên đất Oman chơi 2 tiền đạo, HLV Park Hang-seo đã cho tuyển Việt Nam tập trở lại với sơ đồ chỉ có 1 mũi nhọn duy nhất. Nhật Bản là đối thủ mà ông Park sẽ làm tất cả để không thua, vì mong mỏi của người hâm mộ Việt Nam, vì bản hợp đồng ông vừa ký tiếp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), và vì cả cảm quan của một người Hàn.

Phòng ngự đương nhiên là lựa chọn duy nhất và triệt để từ ông Park. Nhưng thực tế, ngoài trận thua Australia 0-1, tất cả các trận đã qua, tuyển Việt Nam đều thủng 3 bàn. Các bàn thua phần nhiều xuất phát từ lỗi cá nhân, theo các kịch bản lặp đi lặp lại.

Không phải chúng ta không tập đối phó với những tình huống đó. Với Australia và Trung Quốc, thầy Park cho tập chống bóng bổng, nhưng thua hoàn toàn cũng từ bóng bổng. Chúng ta đã “khoanh vùng” Al Dawsari, Al Shahrani hay Wu Lei là những “sát thủ” vòng cấm, nhưng rồi vẫn để họ ghi bàn.

Kết quả ấy chứng tỏ một điều: Năng lực của cầu thủ Việt Nam đã đến giới hạn. Đó là thứ năng lực phù hợp với đấu trường Đông Nam Á và tầm trung bình khá của châu Á. Nhưng khi lên nhóm đầu châu lục, lại rơi vào cuộc đua giành vé đi World Cup, sự khốc liệt đã bẻ gãy những nỗ lực của thầy trò ông Park.

Ông Park hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Trong tay ông cũng không còn nhiều nhân lực để thay đổi hay thử nghiệm. Với đối thủ nào, hàng hậu vệ cũng vẫn chỉ có Đỗ Duy Mạnh – Quế Ngọc Hải – Bùi Tiến Dũng là lựa chọn tin cậy nhất. Trần Đình Trọng đã hồi phục chấn thương, nhưng có lẽ không ai muốn mạo hiểm tương lai của anh cho một trận đấu khó khăn như thế này, trong bối cảnh cửa đi tiếp của Việt Nam coi như đã khép.

Hai suất chạy cánh có thể sẽ được trao cho Vũ Văn Thanh và Hồ Tấn Tài – người đã để lại rất nhiều ấn tượng qua 2 trận gặp Trung Quốc và Oman. Việc ông Park trao cơ hội nhiều hơn cho cầu thủ người Bình Định cũng mở ra hy vọng cho những gương mặt mới, điển hình như Hồ Thanh Minh vừa được đôn từ U23 lên tuyển.

Hàng tiền vệ với 3 người mang xu hướng đánh chặn cũng là phương án được ưu tiên, trong đó Nguyễn Hoàng Đức là cái tên ổn định nhất, bên cạnh Nguyễn Tuấn Anh, Phạm Đức Huy. Phía trên họ là Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tiến Linh, chủ yếu chờ đợi những đợt phản công. 

Theo logic đó, cơ hội ra sân đá chính của Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn sẽ không nhiều. Đôi bạn này từng gây ấn tượng mạnh với Minamino và đồng đội hồi còn khoác áo U19, nhưng giờ đây, họ chỉ còn đóng vai trò dự bị chiến thuật trong các phương án dụng binh của thầy Park.

Dĩ nhiên, thầy Park hiểu rằng Oman đã hạ gục Nhật Bản bằng cách phòng thủ từ xa, chia cắt nguồn cấp bóng cho tiền đạo. Đó cũng là kịch bản mà tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng để đối phó với đoàn quân của HLV Moriyasu.

Đội hình dự kiến tuyển Việt Nam:

Bùi Tấn Trường – Vũ Văn Thanh, Đỗ Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng, Hồ Tấn Tài – Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Hoàng Đức, Phạm Đức Huy – Nguyễn Quang Hải – Nguyễn Tiến Linh.