Tuyên Quang khai thác du lịch theo hướng bền vững

Tỉnh Tuyên Quang đang có bước tiến đột phá trong phát triển du lịch. Năm 2010, tỉnh đón khoảng 500 nghìn lượt khách; năm 2019 đã đạt con số hơn 1,94 triệu lượt khách.

Hướng dẫn viên Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào (Tuyên Quang) và du khách tại Lán Nà Nưa. Ảnh: thu trang
Hướng dẫn viên Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào (Tuyên Quang) và du khách tại Lán Nà Nưa. Ảnh: thu trang

Tổng doanh thu xã hội từ du lịch đạt khoảng 1.750 tỷ đồng. Với gần 500 di tích lịch sử gắn với những địa danh nổi tiếng, tỉnh Tuyên Quang đang tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch theo hướng bền vững, trong đó chú trọng phát triển các loại hình du lịch lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… Với hướng đi đó, tỉnh phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn và đặt mục tiêu năm 2025, thu hút 2,6 triệu khách du lịch.

Tuyên Quang xác định đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai gắn kết việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc. Cùng với đó, các đơn vị tích cực thực hiện có hiệu quả Ðề án du lịch thông minh; phát huy các sản phẩm du lịch hiện có và tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, riêng có; xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Tuyên Quang trên Bản đồ du lịch Việt Nam. Tỉnh sẽ tăng cường triển khai các hoạt động hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, kết nối với doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các chương trình tham quan, các tua, tuyến du lịch, góp phần nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của du lịch tỉnh; gắn điểm đến Tuyên Quang vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng…

★ Kiên Giang thực hiện tốt nhiều dự án giảm nghèo

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Kiên Giang thực hiện hiệu quả nhiều dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,6%. Cụ thể, thực hiện Chương trình 30a, trong năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ hơn 21 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, gồm xây dựng mới 40 công trình và duy tu, bảo dưỡng 16 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, cầu, đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt… Tỉnh cũng đã hỗ trợ 224 hộ dân ở những xã đặc biệt khó khăn ven biển phát triển sản xuất; tiến hành nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí thực hiện khoảng 4,6 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để xóa nghèo, phát triển kinh tế gia đình.

Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Kiên Giang xác định trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách về cho vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo về điều kiện sản xuất. Các cơ quan chức năng tích cực hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hộ nghèo. Tỉnh còn chú trọng hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, điều kiện vệ sinh môi trường; tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tích cực phát huy hiệu quả vai trò của MTTQ và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, trong những hoạt động vì người nghèo.