Tưởng niệm 24 năm Ngày mất Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Ngày 24-12, tại Nhà lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, phường 1, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 24 năm Ngày mất Luật sư, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ (24-12-1996 - 24-12-2020).

Tại lễ dâng hương, các đại biểu ôn lại thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và sự kiện quân, dân Phú Yên giải thoát luật sư khỏi sự quản thúc của địch.  Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bí danh Ba Nghĩa, sinh ngày 10-7-1910, tại xã Long Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, là một trí thức tiêu biểu, một chiến sĩ cộng sản kiên định, trung thành với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, từng giữ nhiều chức vụ: Phó Chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội khóa VII và Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam; Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho dân tộc. Sự nghiệp hoạt động và những cống hiến của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc là rất to lớn, là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. 

PV

Triển khai đồng bộ các giải pháp tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

Sáng 24-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập (TK,QT) và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (HCLS) (gọi tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia 515) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ TK,QT và xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ  trọng tâm năm 2021.

Hội nghị thống nhất  đánh giá: Năm 2020, nhiệm vụ TK,QT và xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin tiếp tục được Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo quốc gia 515, các ban, bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đề ra nhiều chủ trương, biện pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, đạt hiệu quả tích cực. Ban Chỉ đạo 515 các quân khu, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các giải pháp thực hiện cụ thể, chặt chẽ, phù hợp tình hình thực tế từng địa phương, đơn vị; nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, tổ chức lực lượng phù hợp, vừa bảo đảm an toàn, sức khỏe của lực lượng làm nhiệm vụ TK,QT, vừa hoàn thành nhiệm vụ TK,QT và xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin... Hội nghị đã đề ra chín nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2021.

PV

Hội nghị - Hội thảo

Sáng 24-12, tại Thanh Hóa, Hội nghị Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam khóa XII lần thứ 10 khai mạc với nhiều nội dung quan trọng.

Báo cáo hoạt động Hội năm 2020 nêu rõ: Năm 2020 là một năm biến động với nhiều loại hình thiên tai, nghiêm trọng nhất là đợt mưa lũ lịch sử ở miền trung; dịch Covid-19, dịch bạch hầu ở Tây Nguyên ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Trong thách thức, khó khăn, cán bộ Hội các cấp đã sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh cách thức tổ chức hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến, sử dụng mạng xã hội, các phương tiện truyền thông trên in-tơ-nét cung cấp thông tin kịp thời, nhân rộng các cách làm thiết thực. Với phương châm “bốn tại chỗ”, các cấp Hội đã phát huy mạnh mẽ vai trò của hội viên, phụ nữ cả nước trong phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai; quyên góp được 92 tỷ đồng, trong đó, gần 54 tỷ đồng giá trị tiền, hàng hóa hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và ủng hộ đồng bào các tỉnh miền trung.

Trong hai ngày làm việc, hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến vào: Báo cáo tình hình hoạt động Hội năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội LHPN Việt Nam; Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030; Thực trạng và đề xuất giải pháp xây dựng đội ngũ chi hội trưởng.