Thông tin trên được ông Phong Triệu Long, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ nhà nước Trung Quốc công bố tại buổi họp báo tổ chức ngày 30/3. Theo đó, Trung Quốc xác định nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ là yếu tố nền tảng, cốt lõi và quan trọng nhất để phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cũng như xây dựng một quốc gia mạnh về sở hữu trí tuệ.
Nhiều năm trở lại đây, đội ngũ nhân lực sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc không ngừng lớn mạnh, với quy mô hiện nay vào khoảng 690 nghìn người. Hệ thống chức danh nhà nước trong lĩnh vực kinh tế đã bổ sung chuyên ngành sở hữu trí tuệ.
Hơn 50 trường đại học Trung Quốc đã xây dựng viện chuyên ngành về sở hữu trí tuệ, thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này có bước tiến bộ rõ nét, góp phần bảo đảm sự phát triển của lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở đất nước 1,4 tỷ dân.
Theo Quy hoạch nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025, Trung Quốc xác định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ với việc tối ưu hóa trình độ và cơ cấu nhân lực.
Trong đó thúc đẩy xây dựng 4 nhóm nhân lực trọng điểm là bảo hộ, vận dụng quyền sở hữu trí tuệ, các dịch vụ công và hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ, cũng như một nhóm nhân lực nền tảng trong lĩnh vực thẩm định và đăng ký sở hữu trí tuệ, để nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ có thể bao trùm toàn bộ chuỗi hoạt động sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng thúc đẩy phát triển các ngành nghề liên quan sở hữu trí tuệ qua việc đẩy mạnh công tác đào tạo, đánh giá và phát triển nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ, như mở các chuyên ngành đào tạo bậc đại học, thúc đẩy cải cách hệ thống chức danh và đánh giá tương ứng, thiết lập cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và kho dữ liệu chuyên gia, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để xây dựng quốc gia mạnh về sở hữu trí tuệ.