Nghệ sĩ sáo flute Lê Thư Hương:

Việt Nam là nơi tôi thuộc về

Ghi dấu trong đời sống âm nhạc cổ điển nước nhà bằng một album sáo flute hoàn chỉnh đầu tiên được phát hành trong nước và quốc tế, nghệ sĩ Lê Thư Hương cũng là tiến sĩ sáo flute đầu tiên của Việt Nam. Sự tích lũy “đa văn hóa” từ chặng đường dài du học tại Ðan Mạch và Mỹ của chị được kỳ vọng sẽ góp phần không nhỏ cho đời sống âm nhạc cổ điển Việt Nam.

Việt Nam là nơi tôi thuộc về

Ðôi chân có thể rời đi nhưng trái tim luôn ở lại

- Trở về sau chặng đường dài sáu năm du học tiến sĩ bộ môn sáo flute tại Mỹ, hành trang của Thư Hương là gì?

- Như trong suy nghĩ của nhà thơ Mỹ Oliver Wendell Holmes: “Tình yêu của chúng ta là quê hương, nơi mà đôi chân của chúng ta có thể rời đi nhưng trái tim chúng ta ở lại”, trong tôi luôn có một sự hối thúc đặc biệt dẫn dắt mình hướng về quê hương, mỗi khi có dịp tôi luôn tìm cách tham gia, kết nối các dự án văn hóa - âm nhạc như một cầu nối giữa Việt Nam và quốc tế.

Tôi tự hào và hãnh diện vì đã gặt hái được những thành quả nhất định sau hành trình dài này. Giữa các đồng nghiệp Mỹ và quốc tế, tôi chưa bao giờ quên mình là người Việt Nam và luôn cố gắng trở thành một đại diện xứng đáng. Tôi rất trân trọng những điều tôi học hỏi được ở nước bạn, đặc biệt là tinh thần làm việc và cống hiến hết mình của mỗi cá nhân cho cộng đồng. Các giáo sư ở nước ngoài mà tôi được theo học, họ càng giỏi thì tôi càng thấy họ khiêm nhường và hy sinh cho công việc. Tôi luôn trăn trở và mong muốn được đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của âm nhạc Việt Nam.

- Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, của sự tự do, kết nối và sáng tạo. Ðó có phải là tinh thần của chị trong CD đầu tay này?

- Khái niệm sáng tạo, theo tôi, là một quá trình rèn luyện nghiêm túc qua nhiều khám phá và thử nghiệm chứ không phải là một việc mang tính tự nhiên, bột phát. Khi tôi thực hiện album “Le Parys Fantasies” với các bản nhạc lãng mạn Pháp, có những bài đã quá quen thuộc và nổi tiếng như những giai điệu ngọt ngào và biến hóa qua hiện thân của nàng digan Carmen, hay những hòa thanh đầy tính triết lý phương Ðông của tác giả Debussy thì công việc lúc này mang tính thử thách nhiều hơn, khi mình phải làm thế nào để không bị hòa lẫn phong cách của các nghệ sĩ khác. Dự án của tôi may mắn được thu âm trong phòng hòa nhạc của Trường đại học Bắc Texas, một trong những phòng hòa nhạc tiêu chuẩn thế giới với hiệu ứng âm thanh chuẩn mực, cộng với kỹ thuật thu âm hiện đại nên đã đạt được hiệu quả gần nhất với mong muốn của mình.

Sau khi nghe album, nhiều nghệ sĩ và khán giả yêu nhạc ủng hộ rất nhiệt tình, họ nói cuối cùng cũng được nghe các tác phẩm kinh điển này từ một nghệ sĩ thuần Việt được đào tạo bài bản tại Việt Nam và cả ở Ðan Mạch, Mỹ trong nhiều năm. Ðiều này làm tôi rất hạnh phúc và cảm thấy được tiếp thêm nhiều năng lượng tích cực cho các dự án tiếp theo.

Năng động, cống hiến và kết nối

- Chị có chia sẻ rằng, việc phát hành album trên các nền tảng số với tiêu chuẩn quốc tế mang ý nghĩa kết nối toàn cầu. Và Lê Thư Hương, với cây sáo Tây sẽ định vị mình như thế nào trong dòng chảy đó?

- Xu hướng tất yếu của thời đại khi âm nhạc đa quốc gia được chia sẻ trên các phương tiện và nền tảng số, nơi mà mọi ranh giới về mặt địa lý bị xóa nhòa. Nó không có thể đến tai người nghe một cách dễ dàng và hiệu quả nhất. Album của tôi còn được xuất bản dưới dạng đĩa CD giành cho các khán giả quen với cách thưởng thức âm nhạc cũ và dạng đĩa than (LP Vinyl recording) cho những người chơi/nghe nhạc theo phong cách hoài cổ.

Trên con đường học thuật của mình, tôi thấy may mắn khi đã được học tập, định hình và rèn luyện không chỉ ở Việt Nam mà còn tại châu Âu và Mỹ, những cái nôi lớn của âm nhạc cổ điển. Tôi cũng rất tự hào khi trở thành nghệ sĩ sáo flute đầu tiên của Việt Nam đạt được học vị Tiến sĩ như một sự khẳng định về một hành trình dài đầy thử thách và khó khăn tôi đã kinh qua. Trong lễ trao bằng tại Mỹ tháng 5 vừa rồi ở Trường đại học Bắc Texas (The University of North Texas), khi tên mình được xướng lên cùng với tên quốc gia, tôi đã rất xúc động vì mình là một đại diện của Việt Nam trong bộ môn flute được ghi tên trên bảng vàng danh dự. Tôi coi đó không chỉ là thành quả của cá nhân, mà còn là thành tựu chung của quốc gia và nền âm nhạc nước nhà.

- Việc mời một nghệ sĩ piano tài năng trong dự án hợp tác này một lần nữa khẳng định sự giao thoa không biên giới của âm nhạc trong thời đại mới. Còn với chị, điều này có ý nghĩa gì?

- Lần đầu tôi cộng tác với tiến sĩ, nghệ sĩ piano người Mỹ gốc Ba Lan Marcin Parys là vào năm 2017, khi tôi mời anh diễn cùng trong một chương trình báo cáo tiến sĩ của mình. Marcin là một nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm và đạt rất nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó phải kể đến cuộc thi Piano quốc tế lần thứ 20 mang tên Chopin. Qua lần biểu diễn đó chúng tôi nhận thấy có rất nhiều sự tương đồng trong thẩm mỹ và tư duy âm nhạc, chúng tôi cùng chung đam mê và sở thích trường phái âm nhạc lãng mạn nên khi kết hợp với nhau thấy rất ăn ý và tạo nên được hiệu ứng tốt. Khi xây dựng dự án cho album “Le Parys Fantasies”, nghệ sĩ dương cầm đầu tiên tôi nghĩ đến là Marcin Parys và rất may mắn, anh đã nhận lời. Có tương đối nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời gian cho dự án khi thời gian biểu của hai nghệ sĩ không khớp nhau và khá sít sao. Phải tranh thủ từng giờ từng phút cho việc luyện tập cùng nhau và xây dựng chương trình theo một cách kỹ càng nhất có thể. Nghệ sĩ quốc tế Marcin là một người rất cầu toàn và kỹ tính với các sản phẩm âm nhạc của mình, anh hướng tới sự hoàn hảo trong từng nốt và câu nhạc. Với tinh thần đó, chúng tôi đã thật sự lao động hết mình để cho ra đời một sản phẩm có thể nói là tốt nhất trong khả năng và điều kiện cho phép lúc bấy giờ. Tôi rất khâm phục năng lực sáng tạo và sự đòi hỏi khắt khe của anh trong công việc, tôi rất biết ơn và học hỏi được rất nhiều khi được cộng tác với anh.

- Càng ngày càng có nhiều nghệ sĩ trẻ đi ra thế giới học tập và trở về đóng góp cho đời sống âm nhạc cổ điển Việt Nam. Chị có hy vọng về sự khởi sắc?

- Ðây không phải là trào lưu mới khi có nhiều nghệ sĩ đi du học, đạt được thành công nhất định và trở về phục vụ quê hương. Nền âm nhạc Việt Nam được phát triển và khởi sắc phải kể đến sự đóng góp và công sức của nhiều thế hệ các nghệ sĩ tiền bối, những người đã ngày đêm nỗ lực chung sức vì một tương lai tươi sáng và phát triển hơn. Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, một tài năng âm nhạc của đất nước được đông đảo công chúng yêu mến là một trong những minh chứng cụ thể. Không những là đồng nghiệp của tôi bây giờ mà anh còn là một người thân trong gia đình nên hơn ai hết, tôi có thể hiểu rõ sự cống hiến của anh với nghề và khâm phục anh khi anh đã từ bỏ sự nghiệp xán lạn của mình ở nước ngoài để về chung sức cùng các đồng nghiệp khác đào tạo các thế hệ đàn dây kế cận cho đất nước.

Còn có rất nhiều các nghệ sĩ Việt Nam tại nước ngoài mặc dù không trực tiếp về làm việc tại đất nước nhưng đóng vai trò cầu nối với những môi trường quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo cũng như biểu diễn.

Thế hệ trẻ bây giờ có nhiều lựa chọn và cơ hội hơn thế hệ cha anh, họ là những đại diện cho tương lai với tư duy và nhiệt huyết của một thế hệ mới và có những cách tiếp cận mới. Năng động, cống hiến và kết nối, theo tôi, là những điều cần và tất yếu trong công cuộc hội nhập.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.