NSND Thế Anh:

Trong tôi vẫn tràn trề năng lượng

NDO - Nét mặt vẫn tươi trẻ, phong cách vẫn hào hoa, chàng diễn viên điện ảnh tài năng từng làm mưa làm gió một thời trên màn bạc nước nhà đã quá tuổi thất thập. Trung úy Phương trong Nổi gió, Ba Duy trong Mối tình đầu, Trịnh Sâm trong Ðêm hội Long Trì, hay Nguyễn Hữu Chỉnh trong Tây Sơn hào kiệt..., hơn 60 vai diễn trên chặng đường 50 năm theo nghiệp điện ảnh, NSND Thế Anh đã tạo dựng cho mình một sự nghiệp bằng tài năng, trí tuệ và tinh thần miệt mài lao động...

Khởi đầu... từ trung úy Phương

- Học giỏi toán, muốn trở thành kỹ sư vô tuyến điện nhưng lại làm công nhân quốc phòng rồi về học đại học sư phạm, có những ngã rẽ không thể tính trước được, ngã rẽ ấy đã dẫn cuộc đời ông theo con đường nghệ thuật trọn cả cuộc đời?

- Vâng, đó là việc tôi trúng tuyển vào lớp đào tạo diễn viên của Trường Nghệ thuật sân khấu - điện ảnh lớp đầu tiên. 600 người thi, lấy 30 người. Giám khảo là các đạo diễn nổi tiếng từ Liên Xô sang. Sau vòng sơ tuyển là nhập vai tiểu phẩm. Các giám khảo xem tôi diễn xong là "kha-ra-sô" (tốt) ngay! Mà dù khiêm tốn nhưng cũng xin nói là hồi đó tôi đẹp trai ngời ngời, họ không chọn cũng... phí. (cười).

- Có thể nói, với vai Trung úy Phương trong phim Nổi gió của đạo diễn Huy Thành (chuyển thể từ vở kịch nói cùng tên của Ðào Hồng Cẩm), ông đã nổi tiếng ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp điện ảnh...

- Năm 1965 ra trường về Nhà hát kịch, diễn vài vai lằng nhằng. Năm 1966, khi đạo diễn Huy Thành tìm đến và chụp vài tấm ảnh "xem tướng" rồi kéo tôi qua xưởng phim bắt mặc bộ đồ sĩ quan ngụy vào. Ðạo diễn Huy Thành và nhà quay phim Ðăng Bảy vừa ngắm vừa xuýt xoa "trung úy Phương đây rồi". Trước đó đã mời diễn viên khác thủ vai, quay được 400 m phim rồi nhưng diễn không đạt, bỏ. Ðời nghệ thuật của tôi chuyển sang hướng khác từ đó...

- Ông lý giải về thành công của vai diễn đó?

- Trung úy Phương, một sĩ quan Việt Nam cộng hòa có học, đẹp trai, lịch lãm nhưng lầm đường, lạc lối. Sau quá trình nhận thức, trải nghiệm, anh ta đã quay về với cách mạng, về trong vòng tay người thân, đồng bào. Tôi hóa thân vào nhân vật bằng tất cả cảm xúc, mặc dù hồi đó hiểu biết về con người, vùng đất Nam Bộ còn mù mờ lắm. Cha ông nói, "vạn sự khởi đầu nan", nghiệp diễn của tôi khởi đầu từ... trung úy Phương.             

Học đã rồi hãy diễn 

- Trong căn nhà của ông, tôi thấy rất nhiều poster giới thiệu các bộ phim do ông đóng, và cả những bộ phim nước ngoài nổi tiếng mà có lẽ ông thích nên lưu giữ?

- Quá khứ của tôi, những năm tháng quý giá của đời tôi đấy. Anh nhìn lên các poster thì biết, cái may mắn của tôi là hầu hết phim tôi đóng đều được công nhận là phim kinh điển của điện ảnh nước nhà. Còn những tác phẩm thế giới, đó là những bộ phim, những đạo diễn, diễn viên tôi từng xem, từng học họ với tất cả sự ngưỡng mộ, hứng thú.

- Nghe nói là ông rất chăm chỉ học, đến bây giờ vẫn học?

- Tôi tiếp nối truyền thống gia đình, mê học. Hồi nhỏ thì mê toán. Làm diễn viên thì học đủ mọi lĩnh vực. Tôi cũng thạo tiếng Pháp và Anh nên có thể tiếp cận với các tác phẩm nước ngoài bằng nguyên bản. Diễn xuất, bản năng gốc là một phần, nhưng vẫn phải được rèn luyện. Tri thức kém sẽ thiếu chất bác học trong diễn xuất...

- Lao động nghệ thuật là một quá trình tích lũy, trải nghiệm không ngừng nghỉ...

- Ðúng như vậy, mỗi vai diễn, phải học từ những chi tiết nhỏ đến tư tưởng lớn. Ðể nhập vai chúa Trịnh Sâm hay Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh, tôi đọc không biết bao nhiêu là sách lịch sử. Miền Nam mới giải phóng, được phân vai Ba Duy trong Mối tình đầu, tôi vào TP Hồ Chí Minh lăn lộn đến từng chợ lớn, hẻm nhỏ hằng tháng trời, thậm chí vào tận động ma túy để xem nhân vật của mình đã "sống" trong đó thế nào. Từ sĩ quan ta đến sĩ quan địch, từ ông giám đốc đến tên biệt kích, phải biết họ thế nào thì mới "làm" cho ra họ được chứ. Tôi luôn nhắc mình câu: "Tôi tư duy nên tôi tồn tại".

- Ông mê phim nước ngoài. Một trong những lý do có lẽ là ông cảm phục giá trị của lao động nghệ thuật thể hiện qua những tác phẩm điện ảnh đặc sắc?

- Cái gì cũng có giá của nó. Hôm xem Mây Atlas, tôi quay sang nói với một nhà báo, thế này thì bỏ nghề đi cho xong. Còn lâu nữa, chúng ta mới có thể làm được những phim hay như vậy. Xem xong Cuộc đời của Pi (The Life of Pi), tôi mà gặp Lý An, tôi chắp tay lạy ông ấy ba lạy. Xem Lin-côn (Lincohn), thấy Ð.Lơ-vít (Daniel Day - Lewis) đóng, mình nghĩ, tài nghệ thế khó ai bì kịp. Tìm hiểu mới biết, để có một Lin-côn hay như thế, đạo diễn mất mười năm nghiên cứu và diễn viên thì bỏ ra một năm rưỡi để tập tành cách đi đứng, nói năng của tổng thống quá cố.

Nỗi niềm điện ảnh nước nhà

- Ông khâm phục ai nhất trong số các đạo diễn, diễn viên của điện ảnh nước nhà hiện nay?

- Anh biết là tôi sẽ không trả lời câu hỏi này. Ðể tôi đọc một nhận xét của cụ Ðào Duy Anh trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương về đặc tính của người Việt mình: "Não sáng tác thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hòa thì rất tài".

- Lâu nay ít thấy Thế Anh xuất hiện với vai trò diễn viên?

- Nói thật, cũng có mấy lần định đi, nhưng rồi không chịu được cách làm phim thiếu chuyên nghiệp hiện nay, nên từ chối. Ðiện thoại hẹn tám giờ đến 15-16 giờ mới quay. Ra phim trường, thiếu hết cái nọ tới cái kia. Kịch bản thì đoàn phim rút ra từng tờ giấy. Mà chủ yếu là đóng vai ông nội chỉ lo việc ngồi nhà chờ mở cửa, khóa cổng cho mấy đứa cháu chân dài. Thế là tôi "Au revoir" (tạm biệt).

- Hay là ông mải hoài niệm về hào quang quá khứ mà quên chuyện làm phim bây giờ? 

- Anh nói kháy tôi đấy à! (cười). Tới giờ, tôi vẫn muốn có một vai diễn cho sâu sắc lắm. 75 tuổi rồi, nhưng đây là lúc tôi thấy mình có thể diễn một cách chững chạc. Nhìn xem, bao nhiêu diễn viên của Hô-li-út (Hollywood) 70-80 tuổi vẫn tung hoành màn bạc. Người tình (L’amour) - Ô-xca năm nay đấy, bà già cố đế vẫn được đề xuất trao giải. Vấn đề ở đây là trình độ của người làm phim. Chúng ta chả có kịch bản hay. Tôi ao ước có tay biên kịch nào, đạo diễn nào của nước mình làm được một cái phim như thế, rồi mời "kép già" này đóng. Nói thật là trong tôi vẫn tràn trề năng lượng.

- Nghe nói là ông sắp cộng tác với một hãng phim nước ngoài trong một bộ phim gì đó?

- Một hãng phim của Pháp. Họ mời tôi đóng vai thầy mo. Nếu mọi chuyện đều ổn thì cuối năm nay khởi quay ở vùng Tây Bắc.

- Ông có khi nào thấy "hối hận" vì toàn khen phim ngoại, dù trong lòng thì rất muốn ủng hộ phim Việt?

- Phim của chúng ta tụt hậu xa so với người ta. Phim Việt mình không còn làm người xem say mê, phấn khích. Nước mình, lịch sử và xã hội hiện nay có bao nhiêu điều có thể làm phim hay được. Có ai nghĩ nổi một kịch bản cho sâu sắc mà làm phim, hay chỉ toàn kịch bản nông choẹt "bám váy" các em chân dài để bảo đảm doanh thu?!

- Vậy theo ông, làm cách nào để cải thiện tình hình "chạm đáy" của điện ảnh nước nhà?

- Ðầu tư cho điện ảnh là việc chờ con tằm nó nhả ra tơ. Ðâu phải huỵch một phát là có ngay phim hay được. Nếu tôi là lãnh đạo, tôi chọn những người thông thạo ngoại ngữ, cấp học bổng cho đi học nước ngoài. Người làm phim, muốn giỏi phải được tu nghiệp. Làm điện ảnh luôn phải cập nhật kiến thức.

- Xin cảm ơn NSND Thế Anh về cuộc trò chuyện cởi mở này!

Trong tôi vẫn tràn trề năng lượng ảnh 1