Trên quê hương Trần Phú

Xây dựng nông thôn mới

Những ngày tháng Tư này, chúng tôi lại có dịp về thăm quê hương đồng chí Trần Phú. Các hoạt động thi đua lao động sản xuất, văn hóa, văn nghệ, thể thao đang diễn ra sôi nổi từ các xã ngoài đê La Giang đến vùng Thượng Ðức Thọ để chào mừng những ngày lễ lớn, cùng kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú.

Chủ tịch UBND huyện Ðức Thọ Võ Công Hàm thông báo: Những năm gần đây Ðức Thọ đã nhanh chóng bắt nhịp xu thế phát triển mới. Năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện khá cao, đạt 13%; cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng giảm nông, tăng công thương, dịch vụ. Huyện đã chuyển hướng tập trung sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao làm khâu đột phá để tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác. Từ thành công của mô hình, huyện đã nhân ra diện rộng việc thâm canh các giống lúa có năng suất, chất lượng như P-6, PC-6, Tám thơm. Các xã có truyền thống làm lúa giống như Yên Hồ, Ðức Lâm, Trung Lễ... đã dành diện tích khá lớn để sản xuất các giống lúa chất lượng cao để cung cấp cho trong và ngoài tỉnh. Những cánh đồng 50 đến 70 triệu đồng/ha xuất hiện ngày càng nhiều trên quê hương đồng chí Trần Phú. Ðể tạo sự đột phá trên lĩnh vực nông nghiệp, huyện đang tập trung quy hoạch lại đồng ruộng, giao thông thủy lợi nội đồng, tiến hành dồn điền, đổi thửa lần hai nhằm bố trí lại các vùng sản xuất chuyên canh và làm tiền đề tích tụ ruộng đất và đưa cơ giới vào khâu làm đất, thu hoạch.

Nông nghiệp Ðức Thọ khởi sắc có sự góp sức không nhỏ của phong trào xây dựng nông thôn mới. Huyện đã nhanh chóng xã hội hóa các nguồn đầu tư được hàng trăm tỷ đồng, dồn sức phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Chưa kể cả chục dự án, công trình đang được Trung ương và tỉnh đầu tư trên địa bàn với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Nhờ vậy, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của huyện lúa đã cơ bản thay đổi, toàn bộ thôn xóm trong huyện đã có điện, hơn 700 km đường giao thông nông thôn đã được nhựa hóa và bê-tông hóa, 335/430 km kênh mương được bê-tông hóa 25/28 trạm xá đạt chuẩn... Nhiều địa phương đã trở thành điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới như: Trường Sơn, thị trấn Ðức Thọ, Ðức Lâm, Yên Hồ... xã Tùng Ảnh, quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú trở thành đơn vị đầu tiên của Hà Tĩnh hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, về đích sớm so với kế hoạch hơn hai năm. Yếu tố thành công để trở thành điểm sáng của tỉnh về xây dựng nông thôn mới của một xã có hơn hai nghìn hộ, hơn bảy nghìn nhân khẩu bắt đầu từ việc khai thác những lợi thế sẵn có. Ðó là nguồn nội lực huy động từ nhân dân địa phương, sự đóng góp của con em thành đạt hiện đang công tác ở khắp mọi miền Tổ quốc, và các nguồn hỗ trợ của Trung ương. Bí thư Ðảng ủy xã Tùng Ảnh Trần Kim Sơn cho biết: Xã đang dồn sức quy hoạch, xây dựng cụm bia làng khoa bảng, nhà truyền thống, nhà dưỡng lão nhằm khơi dậy niềm tự hào đối với quê hương cho thế hệ trẻ.

Một vùng quê hiếu học

Ðức Thọ là vùng đất khoa bảng. Hiếm có địa phương nào lại có số lượng người có học hàm, học vị cao và nhiều như ở đây. Thời phong kiến số khoa bảng, trạng nguyên, tiến sĩ của huyện Ðức Thọ chiếm 1/4 cả tỉnh Hà Tĩnh. Còn hiện tại theo con số thống kê, toàn huyện có hơn 600 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và sĩ quan cao cấp, trong đó Tùng Ảnh có 110 người...

Kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học, những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo đã được Ðảng bộ và người dân trong huyện đặc biệt quan tâm. Với phương châm "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai", lại được sự hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước, Ðức Thọ đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp, nhằm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện. Một trong những giải pháp thiết thực mang lại hiệu quả cao đó là Ðề án xã hội hóa các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Như cách nói của phụ huynh Bùi Tâm ở Trường PTCS Yên Trấn: "Người dân đã chắt chiu, chia hạt gạo của mình làm được thành ba phần, trong đó có một phần dành cho đầu tư việc học của con cháu". Với truyền thống "tôn sư trọng đạo" chính quyền và nhân dân trong huyện đã huy động hàng trăm tỷ đồng xây dựng nâng cấp trường học. Tuy chưa phải là huyện giàu có nhưng đến nay, toàn bộ trường học trong huyện đều xây cao tầng và cơ bản đầy đủ các phòng chức năng. Ðã có 49/74 trường trong huyện đạt chuẩn, trong đó 14 trường đã và đang được công nhận đạt chuẩn giai đoạn hai. Toàn huyện đang tập trung đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động của học sinh. Công tác bồi dưỡng giáo viên, học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém được các nhà trường và ngành chú trọng với nhiều cách làm sáng tạo.

Nét nổi bật nhất của giáo dục Ðức Thọ là việc thực hiện đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại về nội dung, phương pháp dạy học, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được coi là một trong những mũi nhọn. Ðề án ứng dụng CNTT sau gần ba năm được triển khai, thực hiện, đến nay toàn huyện đã có 70% số trường mầm non, 100% trường tiểu học cùng nhiều trường PTCS và THPT có máy vi tính phục vụ công tác quản lý và dạy học. Việc nối mạng in-tơ-nét cơ bản được thực hiện ở các trường học, gần 80% số cán bộ, giáo viên ngành đã tự mua sắm máy vi tính, máy in để thực hiện soạn bài giảng điện tử.

Những năm qua huyện Ðức Thọ luôn thuộc tốp đầu của tỉnh Hà Tĩnh về thành tích giáo dục. Hằng năm tỷ lệ tốt nghiệp THPT luôn đạt xấp xỉ 90%; có 700 đến 800 em thi đỗ đại học và cao đẳng. Năm học 2007-2008, Ðức Thọ có gần một nghìn em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng (chiếm khoảng 1/4 số học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT).

Sức mạnh của ý Ðảng - lòng dân đã giúp địa phương vượt qua nhiều khó khăn, nay lại tiếp tục được phát huy tạo thế phát triển mới. Truyền thống cách mạng và hiếu học là hành trang và động lực giúp Ðức Thọ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng nông thôn mới tiêu biểu, xứng đáng là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Ðảng ta.

Thành Châu - Hoài Nam