Trà Vinh quan tâm đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực người dân tộc Khmer

Với hơn một triệu dân, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 30%, Trà Vinh là tỉnh có tỷ lệ người Khmer cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, Tỉnh ủy Trà Vinh luôn chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng để đồng bào dân tộc Khmer vươn lên, làm giàu cho quê hương và đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Giảng dạy tiếng Khmer tại Trường tiểu học dạy song ngữ Việt - Khmer ở huyện Trà Cú.
Giảng dạy tiếng Khmer tại Trường tiểu học dạy song ngữ Việt - Khmer ở huyện Trà Cú.

Ðồng bào Khmer ở tỉnh Trà Vinh sống tập trung tại năm huyện: Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, Cầu Kè và Tiểu Cần. Có 50 xã trong tổng số 105 xã, phường, thị trấn của tỉnh có người dân tộc Khmer. Năm đầu tái lập tỉnh (1992), đời sống kinh tế của đồng bào còn nghèo. Ðể thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo vùng Khmer Nam Bộ, Tỉnh ủy Trà Vinh ra Nghị quyết 01 về công tác trong vùng dân tộc Khmer, nhằm giúp đồng bào nâng cao trình độ dân trí, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và từng bước làm giàu. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh cơ bản đạt mục tiêu đề ra, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng. Tiếp đó, năm 2003, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 06 về "Phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer" và năm 2011 ban hành Nghị quyết số 03 về "Tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011 - 2015".

Giải pháp để thực hiện các nghị quyết nêu trên là nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Theo Trưởng phòng Dân tộc (Sở Giáo dục và Ðào tạo Trà Vinh) Trần Minh Thái, đến nay, việc học của con em đồng bào dân tộc Khmer đã ngang bằng, thậm chí một số tiêu chí cao hơn so với cộng đồng trong khu vực. Cụ thể, năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 61.895 học sinh người Khmer, chiếm 31,85% số học sinh toàn tỉnh, cao hơn so với tỷ lệ dân số. Việc dạy chữ Khmer được chú trọng, có 94 trường tiểu học và sáu trường trung học cơ sở tổ chức dạy song ngữ tiếng Khmer với gần 15 nghìn học sinh theo học. Trong số này có hơn 9.000 em tiếp tục theo học chữ Khmer tại các điểm chùa trong những tháng hè để nâng cao trình độ ngữ văn Khmer. Năm học 1991-1992, tỉnh Trà Vinh chỉ có một trường phổ thông dân tộc nội trú với 80 học sinh, thì năm học này tỉnh có bảy trường phổ thông dân tộc nội trú, với 1.668 học sinh. Chất lượng dạy và học tại các trường dân tộc nội trú ngày càng được nâng lên. Hằng năm có hơn 90% số học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông được vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Tám năm qua, tỉnh đã xét chọn, cử tuyển gần 600 em được học đại học, cao đẳng, hầu hết số học sinh này ra trường đều được bố trí việc làm đúng ngành nghề đã học. Theo số liệu tổng hợp của Sở Nội vụ tỉnh, trong bốn năm đã có 2.430 lượt cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, quản lý nhà nước... Ðây là nguồn nhân lực phục vụ việc phát triển lâu dài vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh.

Nhờ làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, đến nay, nguồn cán bộ là người Khmer ở Trà Vinh không còn yếu và thiếu như trước. Ðể tạo nguồn cán bộ lâu dài, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Kế hoạch số 26 ngày 9-7-2009 với mục tiêu đến năm 2020, cán bộ, công chức, viên chức người Khmer trong tỉnh chiếm từ 15% đến 20%. Năm năm sau, tức là mới qua nửa chặng đường, tỉnh Trà Vinh đã cơ bản đạt mục tiêu này; toàn tỉnh có 4.129 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 18,27%. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đều được đào tạo đạt chuẩn ngạch và vị trí việc làm; về trình độ chuyên môn, có 15 thạc sĩ, 1.744 cán bộ có trình độ đại học, 1.095 cao đẳng, 1.117 trung cấp... Ðiều đáng mừng là, công tác tuyển dụng chung, cũng như tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đều căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và chỉ tiêu biên chế được giao của các cơ quan, đơn vị, bảo đảm chất lượng.

Trình độ, nhận thức của đồng bào Khmer được nâng cao, số lượng cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tăng, tạo thuận lợi hơn cho việc tạo nguồn phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer. Ðội ngũ cán bộ người Khmer được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng, đề bạt và bố trí giữ vị trí quan trọng cấp tỉnh ngày càng nhiều. Từ năm 2002, Tỉnh ủy đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng chi bộ ấp, khóm vùng có đông đồng bào Khmer không có đảng viên là người Khmer; sở, ban, ngành tỉnh không có cán bộ, công chức người Khmer. Huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer được bố trí tăng thêm một cán bộ làm công tác dân tộc tại Phòng Dân tộc; coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở. Năm 1992, khi tái lập tỉnh, tỷ lệ đảng viên người Khmer chỉ chiếm 6,56%, đến cuối năm 2014, tỷ lệ này tăng lên 15,82%; nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu của Tỉnh ủy đề ra là đến năm 2015 tỷ lệ đảng viên người Khmer chiếm 20% tổng số đảng viên toàn tỉnh.

Ở huyện Trà Cú, đồng bào Khmer chiếm gần 62%. Những năm gần đây, số lượng đảng viên mới kết nạp là người dân tộc thiểu số ở huyện ngày càng nhiều, tăng từ 48,75% (năm 2012) lên 52,34% (năm 2014). Ðến nay, tỷ lệ đảng viên là người Khmer chiếm gần 43% tổng số đảng viên trong huyện. Trước đây Trà Cú là vùng khó khăn, thiếu cán bộ người dân tộc Khmer đủ trình độ, năng lực; giờ thì khác. Ðồng chí Kim Hoàng, Bí thư Ðảng ủy xã Hàm Giang (huyện Trà Cú), nơi có gần 98% là đồng bào dân tộc Khmer, cho biết, xã vừa chỉ đạo thực hiện hoàn thành Ðại hội chi bộ và bầu chức danh Trưởng ban nhân dân ấp. Có bảy trong tổng số tám đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban nhân dân ấp là người Khmer. Ðiều đáng phấn khởi là, tất cả các đồng chí được đưa vào danh sách bầu cử lần này đều đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, tuổi đời theo quy định chung của tỉnh. Trong 22 đồng chí vào quy hoạch cấp ủy xã đã được phê duyệt hầu hết còn rất trẻ, chỉ có một người hơn 40 tuổi; về trình độ chuyên môn, phần lớn có trình độ cao đẳng, đại học hoặc đang học đại học.

Trà Vinh quan tâm đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực người dân tộc Khmer ảnh 1

Giờ thể dục của học sinh Trường dân tộc nội trú huyện Cầu Ngang.

Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước, đồng bào Khmer đã chịu khó học tập, tích cực công tác, có người được đề bạt vị trí lãnh đạo ngành cấp tỉnh. Những điển hình về tự lực vươn lên của đồng bào không ít, tiêu biểu là trường hợp chị Thạch Thị Chính, xã Hiệp Mỹ Ðông, huyện Cầu Ngang. Nhà nghèo, vợ chồng chị phải đi làm thuê để kiếm sống. Ðược Hội Khuyến học, Trung tâm học tập cộng đồng giúp đỡ chị đã nỗ lực vươn lên học tập, nâng cao trình độ. Giờ đây, với tâm nguyện cống hiến cho cộng đồng, chị tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể, tiếp tục học tập, vận động chị em cùng tham gia. Từ người làm thuê, chị Chính trở thành cán bộ dân vận khéo của địa phương.