Thoát nghèo nhờ cây “đặc sản”
Mặc dù là cây mọc tự nhiên trong rừng ở Ba Chẽ từ rất lâu, nhưng phải đến hội chợ OCOP Quảng Ninh, cây trà hoa vàng mới được nhiều người trong tỉnh biết đến khi giá bán 1kg trà khô lên tới từ 14 triệu đến 15 triệu đồng/kg. Gia đình anh Nịnh Văn Trắng ở xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ là một điển hình trong việc đi đầu bảo tồn và khai thác hiệu quả loại trà hoa vàng. Năm 2006, phát hiện cây trà quý này đem lại giá trị kinh tế cao, anh Trắng vừa thu mua trà hoa vàng từ tự nhiên, vừa tìm cây giống để ươm trồng. Sau bốn năm, đất không phụ công người, lứa trà hoa vàng đầu tiên đã mang lại cho gia đình anh một khoản thu nhập không nhỏ. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nịnh Văn Trắng cho biết: "Phải mất ba năm trồng, chăm sóc, cây trà hoa vàng mới cho thu hoạch lá, sau bốn năm mới cho thu hoạch hoa; mỗi cây trà hoa vàng cho thu hoạch từ 8 đến 10kg hoa tươi. Hiện giá lá khô khoảng 300 nghìn đồng/kg, hoa tươi có giá từ 1,2 triệu đến 1,8 triệu đồng/kg, hoa khô giá khoảng từ 14 triệu đến 15 triệu đồng/kg”. Từ thành công ban đầu đã tiếp thêm động lực cho gia đình anh tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm diện tích trồng cây trà hoa vàng. Đến nay, gia đình anh đã có bốn ha trồng trà hoa vàng với sản lượng thu hoạch đạt hai tạ hoa tươi, tương đương khoảng 40kg hoa khô/năm. Năm 2015, ngoài sản lượng thu hoạch được một tạ hoa tươi của gia đình, anh Trắng còn thu mua thêm năm tạ hoa tươi của người dân trong vùng, sau khi chế biến sấy khô thành phẩm đã đem lại cho anh hơn 1,6 tỷ đồng thu nhập. Được biết, thời gian đầu các sản phẩm của cây trà này chủ yếu đều được thu mua bởi các thương nhân Trung Quốc, nhưng gần đây, người tiêu dùng trong nước cũng đã tìm đến với sản phẩm trà hoa vàng này. Hiện nay, diện tích trà hoa vàng ở huyện Ba Chẽ chưa nhiều, cho nên sản lượng cũng chỉ đạt khoảng từ tám tạ đến một tấn hoa tươi và sau khi chế biến đạt gần hai tạ hoa khô. Anh Trắng cho biết thêm, ngoài một số địa phương như huyện Đông Triều (Quảng Ninh), tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên bắt đầu tìm đến thu mua cây giống về trồng và một số ít được tiêu thụ ở trong nước qua các hội chợ OCOP do tỉnh Quảng Ninh tổ chức… thì sản phẩm trà hoa vàng khô chủ yếu do các thương lái Trung Quốc thu mua với số lượng lớn. Hiện nay, anh Trắng đã thành lập Công ty cổ phần kinh doanh lâm sản Đạp Thanh để tiện cho việc thu gom trà hoa vàng của người dân và giao dịch với khách hàng. Năm 2016, anh Trắng tiếp tục đầu tư gần 800 triệu đồng để xây dựng khu vườn ươm cây giống và nhà xưởng sản xuất, đóng gói sản phẩm trà hoa vàng. Dự kiến đến cuối năm nay, khu nhà xưởng sản xuất sẽ đi vào hoạt động.
Quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu
Theo quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh, Ba Chẽ là một trong ba vùng dược liệu của tỉnh. Để chủ động cho hướng phát triển, huyện Ba Chẽ đã xây dựng quy hoạch vùng trồng dược liệu hơn ba nghìn ha, trong đó trà hoa vàng được trồng với tổng diện tích hơn 500 ha trên địa bàn các xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 100ha trà hoa vàng từ nguồn vốn các doanh nghiệp và các hộ dân trên địa bàn. Công ty cổ phần Phú Khang HT hiện đã lập dự án trồng 250 ha trà hoa vàng tập trung ở xã Thanh Sơn, kết hợp chế biến dược liệu tại chỗ và phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế cây trà hoa vàng vẫn chưa có một công trình khoa học nào đánh giá tổng thể giá trị, công dụng thực tế của cây trà hoa vàng. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là phía Trung Quốc và giá bán của trà hoa vàng là do phía thương lái Trung Quốc quy định. Theo tờ Camellia International Journal, tạp chí chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng của thế giới, các hợp chất của loại thảo dược này có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8%; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu (mỡ máu). Ngoài ra, loại trà này còn có khả năng làm giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường, u bướu. Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ Đỗ Thị Lan cho biết: “Để có cơ sở khoa học đánh giá về cây trà hoa vàng, huyện đã trực tiếp mời PGS, TS Trần Văn Ơn, Trường đại học Dược Hà Nội nghiên cứu về loại thảo dược này. Đến nay, đã có kết luận: hoa và lá cây trà bao hàm hơn 400 thành phần hóa học, không có độc và tác dụng phụ, trong đó phải kể tới Saponin, các hợp chất phenolic, amio acid, axit folic, protein, vitamin B1, B2, C, E, axit béo,… cùng rất nhiều các thành phần dinh dưỡng tự nhiên; trà hoa vàng có vài chục loại axitamin, rất nhiều các nguyên tố vi lượng Ge, Se, Mo, Zn, V,… có tác dụng bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật”. Để có kết luận và đánh giá về hiệu quả cũng như giá trị đích thực của cây trà hoa vàng, hiện rất cần các nhà quản lý, nhà khoa học vào cuộc một cách nghiêm túc để từng bước giúp người dân vùng biên giới Ba Chẽ vươn lên thoát nghèo từ cây trà quý này.