* Trước khi diễn ra lễ kỷ niệm, sáng sớm ngày 5-6, đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Đoàn đại biểu do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn. Cùng tham gia đoàn có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố.
Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, đoàn đại biểu đã thành kính dâng hoa, dâng hương lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến công lao và đức hy sinh quên mình vì dân, vì nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần đoàn kết chiến đấu, về đạo đức cách mạng: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.
Tại đây, các thành viên trong đoàn đã dành phút mặc niệm tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, và cũng là Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Đoàn đại biểu Thành phố cũng đã đến dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại phòng tưởng niệm Tôn Đức Thắng, số 1 Nguyễn Tất Thành, Quận 4.
Các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Vị lãnh tụ của giai cấp công nhân, một tấm gương sáng về cần kiệm, liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
* Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định trong cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều cuộc hành trình cả trong và ngoài nước nhưng Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh là nơi ghi dấu ấn vô cùng sâu sắc của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh.
Bác đã dừng chân ở Bến Nhà Rồng-Sài Gòn một thời gian vừa đủ để tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị hành trang, củng cố tinh thần cho một chuyến đi vô cùng khó khăn, không kém phần mạo hiểm này. Từ miền trung vào Sài Gòn khi đang là một thanh niên trí thức yêu nước, trong sự theo dõi, dò xét của bọn mật thám, chỉ điểm, nhưng nhờ sự giúp đỡ của Hội Liên Thành, Bác đã có dịp tiếp xúc với nhiều chí sĩ yêu nước, hòa nhập vào đời sống và phong trào yêu nước của nhân dân lao động thành phố Sài Gòn, tận mắt chứng kiến nỗi khổ nhục của người dân xứ thuộc địa, từ đó đã khẳng định sự chín muồi về nhận thức và hành động để Bác quyết định dứt khoát sự lựa chọn của mình.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, từ lúc rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đến khi về với thế giới của người hiền, mong ước cháy bỏng của Bác là được trở lại thăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền nam. Bác thường nhắc Sài Gòn và Nam Bộ mãi mãi là tình thương yêu trọn vẹn trong trái tim của Bác.
Để đáp lại tình cảm ấy của Người, những tâm hồn, cốt cách, cuộc đời và sự nghiệp của Bác cũng luôn trọn vẹn trong trái tim của người dân Nam Bộ và người dân Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Khi Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đề nghị trao tặng Bác Huân chương Sao Vàng, Bác khước từ và nói rằng để khi nào miền nam giải phóng, nhân dân miền nam sẽ trao vinh dự ấy cho Bác. Câu nói: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”, “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” là minh chứng sống động nhất về tình yêu thương của Bác.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định, 45 năm sau ngày được mang tên Bác, TP Hồ Chí Minh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng và phát triển; là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào đổi mới, năng động sáng tạo, không ngừng vươn lên về mọi mặt. Với truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình của người dân TP Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố nhất định sẽ chung sức đồng lòng xây dựng, phát triển thành phố giàu đẹp, văn minh để xứng đáng hơn với vinh dự là thành phố mang tên Bác.
* Sau lễ kỷ niệm, các đại biểu đã tham dự Triển lãm chuyên đề “Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh: Từ Bến cảng Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử". Triển lãm do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 200 hình ảnh, tư liệu về công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam; góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Triển lãm gồm ba nội dung chính: Phần một: Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc: Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước (1911-1941); Phần hai: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam (1941-1969) và Phần ba: Kế thừa và tiếp tục phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh( từ 1969 đến nay).
Trong phần một, ban tổ chức đã giới thiệu cuộc hành trình đi tìm đường cứu của người thanh niên Nguyễn Tất Thành cách đây 110 năm. Với ý chí mãnh liệt, lòng yêu nước thương dân sâu sắc, Nguyễn Tất Thành đã rời thương cảng Sài Gòn, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, thực hiện hoài bão giải phóng cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Trong suốt ba thập niên tìm đường cứu nước, qua gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, Người tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Ở phần hai, triển lãm giới thiệu thời kỳ Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam (1941-1969).
Chọn thời điểm về nước năm 1941 khi tình hình trên thế giới có nhiều biến động, có những biến chuyển tích cực cho cách mạng trong nước. Kể từ đây trong mỗi bước ngoặt của cách mạng Việt Nam đều có dấu ấn của nhà lãnh đạo thiên tài Hồ Chí Minh.
Tháng 5-1941, Người chủ trì Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại lán Khuổi Nặm, quyết định đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang cho cách mạng. Chính những quyết định sáng suốt đó của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tạo ra điều kiện vô cùng quan trọng cho Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi nhanh chóng.
Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Sau ngày độc lập, Nhà nước non trẻ phải đối phó cùng một lúc với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trên cương vị là người đứng đầu đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã chèo lái con thuyền cách mạng, đồng cam cộng khổ với nhân dân, đưa cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng.
Miền bắc được hoàn toàn giải phóng, nhưng miền nam phải đương đầu với cuộc chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Trước tình hình mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân miền bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho miền nam đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Bên cạnh đó, Người cũng chủ trương mở rộng hoạt động đối ngoại, thiết lập các quan hệ ngoại giao vì mục đích hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển giữa các dân tộc trên thế giới.
Trong phần ba, ban tổ chức giới thiệu hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam - Nhà văn hóa kiệt xuất đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại vì hòa bình, độc lập dân chủ và tiến bộ xã hội. Tuy đã đi xa, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi cùng non sông, đất nước và nhân dân Việt Nam, hiện hữu trong những di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh và những giá trị cao đẹp về đạo đức cách mạng của Người.