TP Hồ Chí Minh tập trung phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh đại dịch giai đoạn 2022-2025

NDO -

Chiều 1/12, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tiến hành Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa 11, nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng) với hình thức trực tuyến. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.

Các đại biểu biếu quyết thông qua chương trình hội nghị.
Các đại biểu biếu quyết thông qua chương trình hội nghị.

Trong 2 ngày diễn ra hội nghị (1 và 2/12), các đại biểu sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề quan trọng, như: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2021; Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố, giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, 2021-2025; Nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác dân vận năm 2021; Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022 và một số nội dung quan trọng khác.

Trong năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thành phố vẫn có một số điểm sáng, đó là: kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 2,8%; kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đến cuối năm có thể phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, hội nghị lần này, các đại biểu cần dành thời gian phân tích, đánh giá chi tiết tình hình, những kinh nghiệm mang tính thực tiễn và khoa học có thể vận dụng vào quá trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với trụ cột là chiến lược y tế.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận định, các nhóm vấn đề kinh tế và xã hội trình ra hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng cho giai đoạn phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch, cần thống nhất chủ trương sát hợp, giải pháp đồng bộ, biện pháp linh hoạt, mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên mong muốn, các đại biểu tập trung sâu vào các nhóm nội dung cụ thể, như: thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, thu, chi ngân sách của thành phố năm 2021; đưa ra những phân tích, nhận định, dự báo cho năm 2022 và những năm tiếp theo; xác định chủ đề năm 2022 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 10, nhiệm kỳ 2020-2025 -0
 Đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc hội nghị.

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025, là một chương trình rất quan trọng trong bối cảnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hội nghị cần nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến sâu vào 8 quan điểm và 2 nhóm giải pháp lớn sẽ thực hiện qua 2 giai đoạn, nhất là cho ý kiến về nguồn lực và cơ chế phân cấp, phân quyền, bảo đảm thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2025.

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Bí thư Thành ủy thành phố đề nghị, tập trung thảo luận đánh giá một cách khoa học, toàn diện tình hình, nhất là những vấn đề quan trọng liên quan chủ đề nâng cao chất lượng chính quyền đô thị gắn triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số…

Đối với nhóm vấn đề về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị các đại biểu nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến trước hết về chủ đề năm của công tác xây dựng Đảng: “Ðẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế bất cập, phê phán những biểu hiện tiêu cực, suy thoái.

Đồng chí yêu cầu các đại biểu đề xuất các giải pháp, biện pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả nhất, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trong toàn Đảng bộ; đổi mới thực sự công tác dân vận, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.