Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất của VNA và các công ty thành viên ước đạt hơn 76 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% và lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch năm. Trong đó, VNA ước đạt gần 59.100 tỷ đồng tổng doanh thu và gần 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 5,6 lần so với năm 2015; nộp ngân sách nhà nước gần 4.900 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ. Ngoài sản lượng vận chuyển không ngừng tăng, VNA còn thực hiện hơn 133 nghìn chuyến bay an toàn; vận chuyển 20,6 triệu lượt khách, tăng 18,7% so với cùng kỳ và 264 nghìn tấn hàng hóa, vượt gần 10% kế hoạch năm.
Theo Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Dương Trí Thành, VNA đạt được những kết quả nêu trên do thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tạo bước phát triển đột phá trong năm 2016. Một là, tập trung kết hợp nguồn lực, trải rộng mạng bay, đa dạng sản phẩm, dẫn đầu thị phần. Bằng việc bố trí, sắp xếp lại nguồn lực hợp lý giữa các hãng hàng không như Jetstar Pacific, VASCO, VNA đã thiết lập mạng bay phù hợp với từng loại hình dịch vụ và nhu cầu, do đó góp phần làm tăng hiệu quả khai thác, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. VNA duy trì mô hình hãng hàng không truyền thống, tập trung khai thác chất lượng dịch vụ bốn sao trên các đường bay trọng điểm nội địa và các đường bay quốc tế đi Đông - Nam Á, Đông - Bắc Á, châu Âu, Úc. Jetstar Pacific tập trung khai thác trên các đường bay nội địa có tính cạnh tranh cao về giá và các đường bay quốc tế khu vực chặng ngắn. VASCO khai thác tới các sân bay địa phương chưa tiếp nhận được tàu bay lớn và cung cấp dịch vụ hàng không chung. Trên đường bay giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thị phần của VNA và Jetstar Pacific là 63%, riêng Vietnam Airlines đạt 45% và dẫn đầu về số ghế cung ứng trên thị trường. Thị phần trên toàn thị trường nội địa đạt hơn 60%.
Hai là, trong năm qua, VNA đã hoàn thành các nhiệm vụ cuối cùng của công tác cổ phần hóa. Theo đó, VNA đã ký hợp đồng hợp tác với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Hàng không ANA Holdings Inc. Sự tham gia của đối tác Nhật Bản vào hoạt động điều hành là một lợi thế giúp VNA có thể nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản phẩm, mở rộng mạng bay và tăng cường năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa kế hoạch dài hạn để phát triển bền vững trong tương lai.
Ngoài ra, VNA cũng đã hoàn thành công tác bàn giao vốn giữa Doanh nghiệp Nhà nước và Công ty Cổ phần; được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch UPCoM. Cổ phiếu HVN sẽ chính thức chào sàn UPCoM vào ngày 3-1-2017. Đồng thời, việc tiếp nhận và đưa vào khai thác 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliners và sáu máy bay Airbus A350-900 XWB, góp phần đáp ứng chất lượng dịch vụ trên đường bay nội địa trọng điểm và đường bay dài. VNA được đánh giá là một trong những hãng khai thác thành công nhất đội máy bay thế hệ mới.
Ông Dương Trí Thành khẳng định, trong năm 2017, VNA sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh; phục vụ tốt giai đoạn cao điểm cuối năm; thực hiện mục tiêu đơn giản hóa về cấu trúc và số lượng chủng loại máy bay theo kế hoạch đã được phê duyệt; duy trì mục tiêu chất lượng bốn sao, đạt hơn 90% tiêu chí 4-5 sao theo đánh giá của Skytrax và phối hợp chặt chẽ về sản phẩm, nguồn lực, thương hiệu với Jetstar Pacific, Cambodia Angkor Air, VASCO để nâng cao sức cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
* VNA đã được Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Anh - Skytrax trao chứng chỉ Hãng hàng không bốn sao nhờ những đổi mới, nâng cấp trong sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hạng thương gia.