Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4-10-1920 - 4-10-2020)

Tố Hữu, trọn một đời với cách mạng và thơ

NDO -

Ngẫm và viết về ông, một nhà nghiên cứu đã nhận định, Tố Hữu có sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ, giữa lý tưởng trong trái tim và những câu thơ trên đầu bút.

Vợ chồng nhà thơ Tố Hữu. Ảnh tư liệu
Vợ chồng nhà thơ Tố Hữu. Ảnh tư liệu

Gần 70 năm cống hiến trọn vẹn cho cách mạng và thơ, mạch nguồn chân lý cùng tinh thần lãng mạn cách mạng được chuyển tải qua thơ Tố Hữu như tiếp thêm ý chí, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Ông được tôn vinh là “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng”, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Tố Hữu (tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành) được thừa hưởng đầy đủ phẩm chất chiến sĩ cách mạng và giá trị văn hóa truyền thống xứ Huế. Sớm mồ côi mẹ, 13 tuổi, ông vào học tại Trường Quốc học Huế. Đây cũng là cái nôi bồi dưỡng tâm hồn thi nhân và hun đúc lý tưởng cách mạng. Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản và trở thành người lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế khi vừa 16 tuổi. Năm 1937, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời chàng thanh niên ưu tú, mở ra con đường cách mạng của  người cộng sản kiên trung. Bài thơ Từ ấy ra đời trong thời điểm này như khúc ca vui bởi sự gặp gỡ của khát vọng tuổi trẻ và chân lý cách mạng sáng ngời. Những năm tháng bị thực dân Pháp bắt giam ở Huế, rồi sau đó đày ra Lao Bảo, rồi Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn,... đến trại tập trung Đắk Lay (Kon Tum), càng hun đúc ý chí và quyết tâm sắt son với Đảng. Tháng 4-1942, đồng chí vượt ngục về Huế, sau đó ra Hà Nội, bí mật vào Thanh Hóa  gây dựng lại cơ sở cách mạng…

Được Đảng giao nhiều trọng trách, như Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Phó Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế; Trưởng Ban Tuyên truyền do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách…, đồng chí đã đi qua những chặng đường cam go, khốc liệt và vinh quang của dân tộc, dưới ngọn cờ của Đảng. Từ năm 1980, đồng chí được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đại biểu Quốc hội khóa VII, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Tháng 3-1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng; từ tháng 6-1986, được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng...

Trong 82 năm cuộc đời, đồng chí đã có gần 70 năm không ngừng nghỉ hoạt động cách mạng. Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà thơ, ông đã  truyền cảm hứng lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng  gian khổ, anh dũng mà vẻ vang của dân tộc. Trong  dặm dài hai cuộc trường  kỳ kháng chiến, ông luôn có mặt ở những chiến tuyến như một chiến sĩ xung phong. Cùng đồng chí, đồng bào không quản gian lao từ nơi địa đầu Việt Bắc đến khắp dải Trường Sơn, để viết nên những câu thơ hùng tráng có sức lay động mạnh mẽ, góp phần thổi bùng ngọn lửa anh hùng cách mạng. Đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ mới, vừa nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là thời điểm bắt đầu một cuộc đấu tranh vất vả, cực nhọc không kém, đưa đất nước từ đói nghèo đến ấm no, từ tụt hậu lên tiên tiến. Ở vai trò nào, đồng chí Tố Hữu cũng luôn thể hiện là người dám chịu trách nhiệm, góp phần vào những quyết định táo bạo, đầy sáng tạo, xóa bỏ cơ chế đã không còn thích hợp để đón vận hội mới.

Ngọn cờ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng

Trải qua nhiều lĩnh vực công tác, đặc biệt trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, từ những năm gian khổ ở chiến khu Việt Bắc, đồng chí Tố Hữu đã hòa cùng công cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, truyền đạt các nghị quyết của Trung ương, động viên đội ngũ cán bộ tuyên huấn và văn nghệ sĩ sẵn sàng xông pha nơi tuyến lửa, với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhiệt huyết của đồng chí đã lan tỏa, khích lệ các cán bộ tuyên huấn, văn hóa - văn nghệ bám sát các công trường, nông trường, nhà máy hầm mỏ, ruộng đồng, trường học, đơn vị quân đội… Là người lãnh đạo ưu tú trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đồng chí luôn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc chuẩn bị về tổ chức bộ máy, cán bộ và nội dung, phương thức công tác tư tưởng của Đảng. Cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, đồng chí Tố Hữu đề nghị và được tập thể Ban Bí thư T.Ư Đảng chấp thuận mở rộng quy mô đào tạo cán bộ lãnh đạo và cán bộ lý luận, mở thêm Trường Đảng Trung ương tại chức, Trường Nguyễn Ái Quốc miền nam ở vùng giải phóng miền nam, hệ đặc biệt cho các cán bộ chuẩn bị làm nhiệm vụ tiếp quản các tỉnh, thành phố miền nam…

Đồng chí Tố Hữu là tấm gương mẫu mực thực hiện xuất sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đồng chí không chỉ truyền đạt đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đến với đội ngũ văn nghệ sĩ, với đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, mà còn là người xung kích thực hiện thắng lợi đường lối ấy, góp phần xây dựng đời sống tinh thần ngày càng phong phú và lành mạnh. Từ năm 1968 đến năm 1985, nhiều tác phẩm của đồng chí giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc, đầy đủ hơn các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên từng lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng qua các thời kỳ cách mạng.

Những vần thơ đi cùng Đất nước

Trong tâm thức các thế hệ người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã thuộc lòng những vần thơ trong Từ ấy, Ta đi tới, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Bài ca xuân 1961... Trong thơ Tố Hữu, người đọc cảm nhận tâm hồn, nghị lực, phẩm cách người Việt Nam qua hình ảnh những thiếu niên hồn nhiên và dũng cảm như Lượm, tấm lòng bao dung, độ lượng và chở che của các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên mọi nẻo đường Tổ quốc trong  Bầm ơi, Bà Bủ, Bà mẹ Việt Bắc, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt, Bà má Hậu Giang... Thơ Tố Hữu khắc họa chân dung những người con ưu tú đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Đó là người chiến sĩ giải phóng, anh bộ đội Cụ Hồ, là anh hùng Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi... Và hơn cả là lòng ngưỡng mộ và kính yêu đối với  Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những vần thơ lay động triệu con tim. Đường thơ Tố Hữu từ tập thơ Từ ấy, đến Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa, đã đi trọn theo dòng lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Mỗi cảm hứng trong thơ Tố Hữu  đều mang hơi thở cuộc sống  lao động và chiến đấu của quân dân ba miền với âm hưởng thơ lạc quan, khí thế mà đậm trữ tình, thể hiện tình cảm thiết tha, đậm đà của Tố Hữu dành cho Tổ quốc, non sông. Và cũng không ai viết thơ về Đảng, về lãnh tụ mà thiết tha như Tố Hữu. Tiếng thơ ấy được chắt lọc từ sâu thẳm con tim hướng về nguồn cội, về Đảng và Bác kính yêu. Như Giáo sư Hà Minh Đức nhận định rằng: “Tố Hữu đã cắm được những mốc sáng tạo thi ca trên những tượng đài chiến thắng của dân tộc”. Và với ông, một đời chỉ giản dị có bấy nhiêu: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ, cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi “Trăm năm duyên kiếp Đảng và thơ”. 

Thay cho lời kết, chúng tôi xin trích lời nhà báo lão thành Hoàng Tùng, người nhiều năm cùng đồng chí Tố Hữu nắm giữ ngọn cờ tư tưởng, văn hóa và báo chí cách mạng: “Thời gian đời người chẳng được là bao, hơn nhau hai chữ anh hào mà thôi. Tố Hữu là một anh hào và là một nhà thơ. Anh để lại cho đời hơn nhiều người của chúng ta với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và di sản thơ văn...”.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Tố Hữu, là dịp để thế hệ hôm nay ôn lại cuộc đời và những cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tôn vinh sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tố Hữu. Trên quê hương Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh tổ chức triển lãm sách, hình ảnh tư liệu; thi tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp đồng chí Tố Hữu; liên hoan nghệ thuật quần chúng chủ đề “Đất nước anh hùng ca”; phát hành tập thơ gồm các tác phẩm của nhà thơ Tố Hữu viết về quê hương Thừa Thiên Huế; Hội thảo đồng chí Tố Hữu với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế… Tại huyện Quảng Điền, niềm tự hào về người con ưu tú được nhân lên thành những hoạt động có ý nghĩa, tạo động lực thúc đẩy thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 -2025. Thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua được ghi nhận tại địa phương với quy mô giá trị sản xuất tăng gấp 1,24 lần; tất cả 10 xã đều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Quảng Điền trở thành địa phương thứ hai của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện. Với mục tiêu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, làm tiền đề và động lực để phát triển nhanh và toàn diện hơn, Đảng bộ huyện Quảng Điền phấn đấu cuối nhiệm kỳ, lãnh đạo địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.