Ðến dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm; Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Nguyên Tổng Bí thư Ðỗ Mười và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lẵng hoa chúc mừng.
Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư T.Ư Ðảng, nguyên Bí thư T.Ư Ðảng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước; các đồng chí lão thành cách mạng; các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT; các tướng lĩnh Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; các cựu chiến binh, dân quân tự vệ đã tham gia chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư; đại diện Ðảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội cùng nhiều nhân chứng lịch sử; đại diện Bộ Quốc phòng các nước: Liên bang Nga, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; tùy viên quân sự một số nước tại Hà Nội.
Trước khi diễn ra Lễ kỷ niệm, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đại biểu đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa, dâng hương tại Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu có dịp cùng nhau ôn lại những ngày chiến đấu và chiến thắng hào hùng của quân và dân ta trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972 lịch sử. Tháng 12-1972, sau khi đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Pa-ri về "Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam", đế quốc Mỹ đã mở cuộc tập kích chiến lược bằng đường không vào miền bắc nước ta nhằm đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền bắc, gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Pa-ri theo các điều khoản có lợi cho Mỹ; hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền nam; làm tê liệt ý chí chiến đấu, giảm thế và lực của ta so với địch trên chiến trường; đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ðây là cuộc tập kích bằng đường không huy động lực lượng lớn nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, với hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B.52, được mệnh danh là "Siêu pháo đài bay" - "thần tượng bất khả chiến bại" của không lực Hoa Kỳ, cùng hàng nghìn máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến tối tân, hiện đại.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy T.Ư, Quân chủng Phòng không - Không quân đã sớm có kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng máy bay B.52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác. Với sự chủ động, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi cách đánh máy bay B.52, các lực lượng vũ trang của ta với nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân và nhân dân miền bắc, nhất là quân dân Thủ đô Hà Nội đã tổ chức, phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng. Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có, chủ yếu bằng B.52 của Mỹ, làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không" lẫy lừng, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B.52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ. Ðây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, "siêu pháo đài bay B.52" thảm bại và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Ðọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không" là một trong những chiến thắng mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ 20, viết tiếp những trang sử vàng chiến công chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm, giữ nước của dân tộc ta. Chiến thắng đó đã góp phần bảo vệ vững chắc miền bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng; tạo ra cục diện mới để quân và dân ta thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ kính yêu "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào"; giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975. Chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không" là minh chứng hùng hồn cho chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" (Toàn văn Bài diễn văn đăng trên số báo ra hôm nay).
Thay mặt các cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Bí thư Ðảng ủy, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, phát biểu ý kiến, ôn lại những kỷ niệm sâu sắc, những ngày tháng hào hùng không thể nào quên. Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân cùng các lực lượng trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã siết chặt đội ngũ, giữ vững trận địa với niềm tin quyết thắng. Với quyết tâm sắt đá, sức sáng tạo và ý chí phi thường, quân và dân ta đã tạo nên lưới lửa vây chặt kẻ thù bắt chúng phải đền tội, bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, làm thất bại hoàn toàn âm mưu chiến lược của đế quốc Mỹ. Thay mặt các cựu chiến binh, các lực lượng tham gia chiến đấu trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Ðảng, Bác Hồ kính yêu, tới Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng và các tầng lớp nhân dân đã giáo dục, rèn luyện, đùm bọc, chia sẻ, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu và chiến thắng vẻ vang trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử.
Thay mặt thế hệ trẻ cả nước, đồng chí Nguyễn Phan Ngọc Tùng, Cơ trưởng, Phó Bí thư Chi đoàn Ðội bay A320, Ðoàn bay 919 phát biểu ý kiến nói lên sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ đi trước đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của dân tộc. Là thế hệ sinh ra, lớn lên sau chiến tranh, qua những bài học lịch sử vẻ vang của dân tộc, thế hệ trẻ hôm nay luôn thấm thía một điều, để có hòa bình, độc lập, thống nhất, đất nước ta đã phải trải qua những cuộc đấu tranh gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang, trong đó có Chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không". Thế hệ trẻ hôm nay xin nguyện tiếp tục phát huy tinh thần của Chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không". Tinh thần ấy sẽ luôn được thế hệ trẻ hôm nay giữ gìn, phát huy, hun đúc thành ngọn lửa của niềm tin, ngọn lửa của sức mạnh trong thời đại mới, đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng, kiến thiết nước nhà, xứng đáng với niềm tin và mong đợi của các thế hệ cha anh đi trước.