Tinh thần quốc tế trong sáng

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ, năm 1958.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ, năm 1958.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm vấn đề đạo đức và giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trong những tác phẩm, bài nói, bài viết, Người đã nhiều lần nói đến các phẩm chất đạo đức. Từ thực tế  xã hội và con người Việt Nam, Người  khái quát thành những chuẩn mực chung nhất của  đạo đức cách mạng: Trung với nước, hiếu với dân; Yêu thương con người; Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; Tinh thần quốc tế trong sáng. Trong những chuẩn mực trên, trong xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, "Tinh thần quốc tế trong sáng" có vai trò rất to lớn.

Tinh thần quốc tế trong sáng là phẩm chất, là yêu cầu đạo đức của mỗi người dân trong mối quan hệ rộng lớn, vượt qua ranh giới quốc gia, dân tộc. Nội dung chủ nghĩa quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở các điểm sau:

1. Ðó chính là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước trong cuộc đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đến nhiều nước trên thế giới, các nước tư bản, thuộc địa. Người đã chứng kiến cảnh cùng cực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng thời thấy rõ cảnh sống xa hoa của bọn tư sản. Thực tế sinh động đã giúp Người đồng cảm và nhận thức rõ: Nơi đâu cũng có người nghèo như ở xứ mình, dù ở các nước thuộc địa hay chính quốc, họ đều bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn bởi chủ nghĩa thực dân tàn ác. Người đi tới kết luận: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản" (Bài Ðoàn kết giai cấp của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Le Paria số 25 tháng 5-1924). Kết luận này cho thấy nhận thức của Hồ Chí Minh về ý thức dân tộc và ý thức giai cấp đã từ tầm nhìn quốc gia tới tầm nhìn quốc tế. Kết luận trên cũng là sự khởi đầu của tư tưởng đoàn kết quốc tế Hồ Chí Minh - đoàn kết với những người lao khổ, cần lao trên thế giới, luôn gắn liền lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp, lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế.

Tháng 6-1919, khi gửi tới Hội nghị "hòa bình" Véc-xây "Bản yêu sách của nhân dân An Nam", lần đầu tiên xuất hiện trên vũ đài quốc tế, Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng sát cánh cùng các dân tộc bị áp bức đấu tranh cho sự bình đẳng, hợp tác quốc tế. Mười năm vận động, trải nghiệm ở nhiều nước, Hồ Chí Minh đã sớm xác định, cuộc đấu tranh của Việt Nam, cũng như cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức là bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Từ lời phát biểu đầu tiên tại Ðại hội Tua (12-1920) trở đi, Người luôn khẳng định, cuộc cách mạng của các dân tộc bị áp bức đều có quan hệ với nhau. Người thấy rõ khả năng, sức mạnh đoàn kết của các dân tộc thuộc địa và tin tưởng vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh của họ.

2. Tinh thần quốc tế trong sáng còn là vì mục tiêu "bốn phương vô sản đều là anh em".

Cuộc hành trình qua nhiều nước vào những năm đầu thế kỷ 20 giúp Hồ Chí Minh nhận thấy rằng, phải có được quan hệ hợp tác giúp đỡ giữa cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa. Ngay từ năm 1921, Người khẳng định, thực dân, đế quốc là kẻ thù của nhân dân thuộc địa và cũng là kẻ thù của nhân dân lao động chính quốc. Bởi vậy, để chống lại kẻ thù chung, để giải phóng thân phận nô lệ và bị bóc lột, đòi hỏi sự đoàn kết liên minh chặt chẽ nhân dân lao động ở thuộc địa và chính quốc. Ðiểm mới và sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là Người đã chứng minh: Bọn đế quốc không chỉ áp bức bóc lột nhân dân các nước thuộc địa, mà còn thống trị nhân dân lao động và giai cấp vô sản chính quốc. Người đã ví chủ nghĩa đế quốc giống như "con đỉa hai vòi". Một vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc, một vòi bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Muốn giết con đỉa ấy, phải đồng thời cắt cả hai vòi, nếu chỉ cắt một vòi thì vòi còn lại tiếp tục hút máu và vòi bị cắt tiếp tục mọc ra. Vì thế, nhiệm vụ chống chủ nghĩa tư bản, đánh đổ chúng là nhiệm vụ của cả nhân dân lao động chính quốc và thuộc địa; đòi hỏi phải đoàn kết cả hai lực lượng nói trên.

3. Từ những năm hai mươi của thế kỷ 20, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra giữa các quốc gia, giữa các dân tộc ở các châu lục cần có sự hợp tác giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau. Sức mạnh của mỗi nước có một phần quan trọng tùy thuộc vào các mối liên kết và hiểu biết lẫn nhau. Từ đó Người luôn khẳng định những cuộc cách mạng của các dân tộc bất kỳ gần hay xa, to hay nhỏ đều có quan hệ chặt chẽ với nhau. Từ năm 1924, Người đã trở thành một trong những cán bộ châu Á đầu tiên thực thi nhiệm vụ liên kết giữa các dân tộc châu Á với phong trào cách mạng vô sản thế giới. Trong những năm tháng nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập và bảo vệ nền độc lập của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm chăm lo phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh để mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam và tranh thủ, khẳng định sự ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Ðồng thời, Người còn luôn nhấn mạnh những nhiệm vụ đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân các nước này.

Hồ Chí Minh tha thiết với độc lập, tự do của dân tộc mình, cho nên cũng rất trân trọng độc lập tự do của các dân tộc khác. Bởi thế, Người hết sức căm giận trước bất cứ một hành động xâm lược nào và cho rằng: Giúp đỡ một dân tộc khác bảo vệ độc lập tự do của họ cũng chính là bảo vệ lợi ích của đất nước mình, "giúp bạn là tự giúp mình". Ðây chính là một bước phát triển mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế. Vì lẽ đó, Người luôn động viên nhân dân Việt Nam vừa tiến hành sự nghiệp bảo vệ độc lập tự do của dân tộc mình, vừa thực hiện sự giúp đỡ vô tư chí tình, chí nghĩa đối với các dân tộc anh em.

Sự đoàn kết ấy là nhằm những mục tiêu lớn của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, là hợp tác hữu nghị với tất cả các nước, các dân tộc. Sự đoàn kết ấy dựa trên cơ sở bình đẳng và kết hợp giữa lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế.

4. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa quốc tế vô sản gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Trong bài "Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế" (1953), Người đã nhấn mạnh: "Tinh thần yêu nước và tinh thần Quốc tế liên hệ khăng khít với nhau. Vì lẽ đó, ta vừa ra sức kháng chiến, vừa tham gia phong trào ủng hộ hòa bình thế giới". Nếu tinh thần yêu nước không chân chính và tinh thần quốc tế không trong sáng thì có thể dẫn đến chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, hoặc chủ nghĩa bành trướng bá quyền, kỳ thị chủng tộc... Những khuynh hướng sai lệch ấy có thể dẫn đến chỗ phá vỡ một quốc gia dân tộc hay một liên bang đa quốc gia dân tộc, phá vỡ tình đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh chung, thậm chí có thể đưa đến tình trạng đối đầu đối địch. Ðây là một thực tế đã diễn ra ở châu Âu và nhiều khu vực trên thế giới hiện nay.

Có thể nói tinh thần quốc tế trong sáng trong đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ tình thương yêu đối với con người; vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, mang lại tự do và bình đẳng thật sự cho con người. Từ chủ nghĩa quốc tế trong sáng đó, Hồ Chí Minh đã đặt nền móng và xây dựng nên tình đoàn kết quốc tế rộng lớn của nhân dân Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, góp phần vào những thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

Trong thời kỳ mới của cách mạng, nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước chính là mở rộng tình đoàn kết quốc tế, quan hệ hợp tác cùng có lợi, chủ động, tích cực hội nhập, như Ðảng ta đã khẳng định: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế... Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực". (Văn kiện Ðại hội X của Ðảng. Tr 112. NXB CTQG - Hà Nội - 2006).