Hỏi: Xin bà cho biết đường isomalt là gì và có thể được sử dụng ở những loại sản phẩm nào?
TS Nguyễn Thị Lâm: Cần phải lưu ý rằng, isomalt không phải đường hóa học, mà là sản phẩm tự nhiên được chế biến hoàn toàn từ củ cải đường, có năng lượng thấp (2kcal/g), vị ngọt tinh khiết như đường bình thường, độ làm ngọt chỉ bằng một nửa đường vẫn dùng hằng ngày. Việc sử dụng đường isomalt thay thế đường saccharose trong công nghiệp dược phẩm với tỷ lệ 1:1 đã có từ lâu ở những nước như Mỹ, Pháp, Nhật Bản... Isomalt được sử dụng trong nhiều sản phẩm khác nhau như kẹo cứng, kẹo mềm, kẹo cao su, các sản phẩm bọc đường, chocolate, bánh, mứt, kem, các thức uống dạng bột...
Ưu điểm lớn nhất của isomalt là không làm sâu răng, những bệnh nhân tiểu đường, béo phì, thừa cân có thể ăn những thực phẩm chứa đường isomalt. Việc sử dụng loại chất này trong nhiều sản phẩm là một xu hướng bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người trong thế giới hiện nay.
Hỏi: Thưa bà, đường isomalt liệu thật sự có ý nghĩa với những người phải kiểm soát đường huyết hay không?
TS. Nguyễn Thị Lâm: Những người phải kiểm soát đường huyết là bệnh nhân tiểu đường, người thừa cân, béo phì. Đối với các trường hợp này lựa chọn những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp là điều cực kỳ quan trọng. Chỉ số đường huyết (GI) là một chỉ tiêu chất lượng quan trọng của một thực phẩm khi so sánh với thực phẩm chuẩn (như glucose). GI là khả năng làm tăng glucose máu sau khi ăn, là sự gia tăng diện tích dưới đường cong của glucose máu sau khi ăn một thực phẩm chuẩn (45g glucose). Những glucid được tiêu hóa và hấp thu nhanh sẽ có GI cao, còn những thực phẩm tiêu hóa và hấp thu chậm sẽ có GI thấp. Isomalt có GI thấp, được các trung tâm nghiên cứu và chăm sóc bệnh nhân tiểu đường trên thế giới khuyên dùng cho bệnh nhân tiểu đường.
Người ta thấy rằng trong dung dịch 10%, độ ngọt của nó chỉ chiếm 50-60% đường kính. Những thực phẩm làm từ isomalt đều có GI dưới 55%, thuộc nhóm những thực phẩm có GI thấp. Chính vì vậy những bệnh nhân tiểu đường ít có nguy cơ tăng đường huyết sau khi ăn thực phẩm có chứa isomalt. Đối với người béo phì, thừa cân khi ăn những thực phẩm này cũng sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, giảm lượng mỡ trong máu và những rủi ro về bệnh tim mạch so với ăn thực phẩm có chứa đường saccharose. Tuy nhiên dù cho isomalt đã được kiểm nghiệm về GI thấp thì những người phải kiểm soát đường huyết cũng không nên sử dụng như ở người bình thường.
- Xin cảm ơn bà.