Chạy đua với thời gian dập dịch, cứu người

Hiện toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 6.000 ca mắc Covid-19, một số tỉnh ghi nhận số ca liên tục tăng, như: Bến Tre, Ðồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang… Ngành y tế các địa phương đang dồn toàn lực, chạy đua với thời gian phòng dịch lây nhiễm và cứu người bệnh.

Bộ Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ phối hợp Quân khu 9 phun hóa chất diệt khuẩn phòng, chống Covid-19 ở quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy.
Bộ Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ phối hợp Quân khu 9 phun hóa chất diệt khuẩn phòng, chống Covid-19 ở quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy.

Số người mắc tăng cao

Qua xét nghiệm tầm soát diện rộng từ ngày 11/7, ngành y tế Kiên Giang phát hiện năm ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Khoa Ngoại niệu - thận của Bệnh viện đa khoa tỉnh. Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang quyết định phong tỏa toàn bệnh viện để triển khai các biện pháp chuyên môn; ra thông báo cách ly toàn bộ nhân viên y tế tại nơi làm việc. Bệnh viện đã khẩn trương lấy gần 3.000 mẫu của tất cả những người có mặt để xét nghiệm. Riêng Khoa Ngoại niệu - thận được phong tỏa, trong phong tỏa. Việc đưa ra quyết định xử lý tình huống nhanh chóng, kịp thời tại ổ dịch Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang đã ngăn chặn được nguồn bệnh lây nhiễm và có nhiều thời gian để tầm soát, truy vết, khoanh vùng. Ðợt dịch này, Kiên Giang thu dung điều trị 190 ca mắc Covid-19, trong đó đã có 67 trường hợp được xuất viện.

Tại Cần Thơ, thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long trong ngày 23/7 ghi nhận 86 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm của thành phố lên 425 ca. Số ca bệnh phát hiện mới ngày càng tăng, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế. Hiện nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ đang điều trị 90 người bệnh, Bệnh viện dã chiến thành phố (tại Trung tâm Y tế quận Bình Thủy) điều trị 96 bệnh nhân. Bệnh viện dã chiến Cái Răng với quy mô 100 giường mới kích hoạt ngày 20/7 cũng đã hết giường bệnh. Cần Thơ đã thành lập thêm Bệnh viện dã chiến huyện Thới Lai và Bệnh viện dã chiến quân dân y ở huyện Cờ Ðỏ. Bệnh viện dã chiến huyện Phong Ðiền quy mô 800 giường (bệnh viện cấp khu vực thuộc Bộ Y tế) đã chuẩn bị xong có thể tiếp nhận bệnh nhân.

Sáng 23/7 tỉnh Vĩnh Long ghi nhận 18 trường hợp nghi nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay là 508 ca, trong đó có 494 ca cộng đồng. Vĩnh Long đã thành lập được 4.092 tổ Covid cộng đồng với 11.606 người tham gia; 117 tổ an toàn Covid tại các khu, tuyến công nghiệp; phong tỏa 22 khu vực có 2.654 hộ dân...

Từ ngày 15/4 đến 23/7, tỉnh An Giang có 202 ca mắc Covid-19, gồm 158 ca ghi nhận trong tỉnh, 44 ca nhập cảnh. Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Từ Quốc Tuấn, An Giang có 50 cơ sở cách ly tập trung, khả năng tiếp nhận 4.423 người; có 16 bệnh viện, cơ sở y tế có khả năng thu dung, điều trị Covid-19.

Dồn sức điều trị

Những ngày gần đây, tỉnh Ðồng Tháp liên tiếp xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Ngoài ra, tại các khu cách ly tập trung, phong tỏa mỗi ngày cũng phát hiện hàng chục ca nhiễm. Ðến trưa 23/7, Ðồng Tháp có 36 người chết liên quan Covid-19, sáu bệnh nhân nguy kịch. Tỉnh đã triển khai các bệnh viện dã chiến với tổng số hơn 3.060 giường, trong đó 150 giường hồi sức cấp cứu; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận hơn 18 nghìn giường cách ly tập trung và điều trị bệnh nhân không triệu chứng. Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Tháp Lê Quốc Phong đã yêu cầu ngành y tế khẩn trương xây dựng phương án, kịch bản điều hành bệnh viện dã chiến, trong đó nhanh chóng rà soát nhu cầu nhân lực y, bác sĩ phục vụ. Ðồng Tháp đang chạy đua với thời gian để điều trị bệnh nhân Covid-19. Những trường hợp bệnh nặng đều được hội chẩn và hỗ trợ chuyên môn trực tiếp từ đoàn công tác do Bộ Y tế điều động. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của các đoàn y, bác sĩ đến từ Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ… Tỉnh Ðồng Tháp có nhiều điểm đang điều trị phân tầng với hơn 1.500 người bệnh từ không có triệu chứng đến nặng, trong đó có hai bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng là Bệnh viện đa khoa Sa Ðéc và Bệnh viện Phổi. Các loại máy móc phục vụ bệnh nhân như máy thở, máy lọc máu, hệ thống X-quang, siêu âm, các thiết bị chăm sóc phụ trợ khác đều đầy đủ, đủ sức phục vụ cho Trung tâm điều trị hồi sức tích cực chống độc dành cho bệnh nhân nặng với 50 giường bệnh. Giải pháp phân tầng điều trị được triển khai thành ba mức: bệnh nhân không triệu chứng, theo dõi tại cơ sở, cách ly; bệnh nhân có triệu chứng và đơn vị hồi sức tích cực chống độc…

TP Cần Thơ cũng đã phân tầng điều trị F0. Cụ thể, đối với F0 chưa có triệu chứng và nhẹ được đưa vào các bệnh viện dã chiến; trường hợp có triệu chứng và bệnh nền, thuộc bệnh viện chuyên khoa nào thì điều trị chuyên khoa đó; những người chuyển nặng thì điều trị ở ba bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ, Bệnh viện Ðột quỵ tim mạch SIS và Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường khẳng định: TP Cần Thơ đã có bước chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ y, bác sĩ phục vụ cho công tác điều trị Covid-19. Dựa trên phân tầng điều trị, các bệnh viện thực hiện phương châm "bốn tại chỗ", có khu vực riêng điều trị Covid-19 bảo đảm không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tỉnh Kiên Giang có ba cơ sở y tế có khả năng thu dung, điều trị được các ca bệnh nặng và rất nặng, là: Bệnh viện đa khoa Kiên Giang (có 100 giường, trong đó có 10 giường hồi sức tích cực); Trung tâm Y tế Hà Tiên (có 70 giường, 10 giường hồi sức tích cực) và Trung tâm Y tế Phú Quốc (có 60 giường, 20 giường hồi sức tích cực). Sáng 23/7, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã chỉ đạo ngành y tế tỉnh nhanh chóng chuyển các ca F0 có triệu chứng từ các trung tâm y tế huyện về Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang để điều trị, với mong muốn trong thời kỳ thấp điểm những bệnh nhân này được điều trị tốt nhất. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh cho biết, nhằm mở rộng điều trị, ngoài hai Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long (200 giường) và Bệnh viện phổi (20 giường), Vĩnh Long thành lập thêm ba bệnh viện dã chiến với 610 giường bệnh và 11 Trung tâm y tế các địa phương khoảng 100 giường…

Ngoài ra, các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến, trưng dụng các trường học để làm khu cách ly tập trung; mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế, đặc biệt là huy động nguồn nhân lực để phục vụ công tác phòng, chống và điều trị bệnh nhân Covid-19. Các tỉnh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ đủ vật tư, hóa chất xét nghiệm, điều phối lượng máu dự trữ, kiến nghị Chính phủ ưu tiên phân bổ nguồn vắc-xin để tiêm phòng cho công nhân ở các khu công nghiệp.

Nhóm phóng viên thường trú ÐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG